MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói 3.000 tỷ hỗ trợ lãi suất: Cần cơ chế để tất cả DN đều tiếp cận được

28-09-2021 - 11:29 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ lãi suất cho các DN thực sự khó khăn thì phải có một quy chế đặc biệt dùng cho gói cứu trợ này để không ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng.

Mới đây, khi thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ xem xét khả năng thực hiện cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.

Khi bị ảnh hưởng khủng hoảng tài chính năm 2008 trên thế giới, Việt Nam đã phải đưa ra gói kích cầu năm 2009. Vào thời điểm đó, gói kích cầu đã đạt được một số mục tiêu. Tuy nhiên, chưa có được thành công toàn diện. Đó là cơ sở để Ngân hàng Trung ương cũng như các cơ quan quản lý trong giai đoạn hiện nay tính toán đến một giải pháp hỗ trợ cho DN trong việc xử lý tình huống, khôi phục lại sản xuất sau đại dịch Covid 19.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh bày tỏ: “Tôi ủng hộ gói như vậy, nhưng cách làm phải thông minh và phải làm bằng 2 cách cùng lúc. Cách thứ nhất, dùng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất chung cho tất cả, mặt bằng lãi suất chỉ cần 1% cùng với gói này nữa khoảng 2-3% tạo ra xung lực tổng cộng 4%. Phải có những biện pháp vĩ mô của Ngân hàng Trung ương cùng với biện pháp hỗ trợ từ ngân sách để tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất rõ rệt với DN. Nên thiết kế trên nền tảng rút bài học từ năm 2009 vô cùng sâu sắc, đặt ra những chốt về vi mô và vĩ mô rất rõ ràng, đặt ra thời hạn, các doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều được hưởng bình đẳng như nhau, không nên phân biệt ngành nghề”.

Cho biết thêm về các chính sách hỗ trợ DN, TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin: “Thời gian qua về phía ngân hàng đã có rất nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Bên cạnh việc cơ cấu lại nợ thì đã thực hiện rất mạnh việc kêu gọi các tổ chức tín dụng, các NHTM hạ lãi suất để hỗ trợ DN. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã hạ lãi suất lũy kế từ khi có dịch đến nay là trên 26.000 tỷ. Đối với gói gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, xin chia sẻ là khi có đưa ý tưởng xây dựng gói này, Chủ tịch Quốc hội có đưa ra định hướng khoảng 2.000 tỷ, tức là tương đương dư nợ khoảng 60.000 – 65.000 tỷ. Những thông tin chúng tôi cập nhật gần nhất, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ, tức là tương đương khoảng 100.000 tỷ dư nợ để hỗ trợ người dân, DN trong thời gian tới”.

Vậy lấy nguồn ở đâu để thực hiện, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Bộ Tài chính buộc phải vay, phải phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trung ương để có nguồn. Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Chính phủ tại ngân hàng trung ương là rất lớn, gấp 4 lần năm 2009, tương ứng với 12 tuần nhập khẩu hiện nay. “Tôi nghĩ đã mất công thiết kế thì nên làm một gói lớn, để nó thực sự tạo ra khác biệt” – ông Nghĩa nói

Hàng không – du lịch cần được ưu tiên

Điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để DN tiếp cận được. Nếu theo Luật của các tổ chức tín dụng thì các DN tiếp cận được rất ít, vì phải đạt các tiêu chí: không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo. Với tiêu chí này thì các hãng hàng không đứng ngoài hết, nên nếu muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý để giúp các DN thực sự khó khăn thì phải có một quy chế đặc biệt dùng cho gói cứu trợ này, để không ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng. Trong gói đặc biệt này có 1 quy chế riêng cho nó, kéo dài trong 1 thời gian, hết hạn là kết thúc ngay. Các ngân hàng thương mại phải thanh toán với nhau sòng phẳng. Tất cả phải minh bạch ngay từ đầu trước khi thực hiện, đừng để những tranh chấp sau đó xảy ra.

TS. Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây Dựng, Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, từ trước tới nay các gói hỗ trợ đều bế tắc ở việc không thể tiếp cận được vì điều kiện quá ngặt nghèo, đặc biệt trong vấn đề bảo toàn vốn. DN phải có tài sản thế chấp, hay chứng minh phương án kinh doanh có lợi nhuận để trả lãi ngân hàng. Cuối cùng là không ai giải quyết được, Nhà nước không thể bảo lãnh ngân hàng thì càng không, rốt cục thì chả ai vay được. Nếu không thể tháo gỡ được thì vấn đề hỗ trợ vẫn là bế tắc.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành hàng không đóng góp vào nền kinh tế rất lớn. Nếu như hiệp hội hàng không có đề nghị một gói hỗ trợ thì nó là đặc thù, như việc hỗ trợ VN Airlines vừa rồi. Nhưng đó chỉ là 1 DN có tỉ trọng nhà nước cao, còn các DN hàng không khác thì rất khó khăn, nên có 1 gói hỗ trợ cho hàng không.

“70% khách du lịch được vận chuyển bằng đường hàng không. Nếu hàng không được hỗ trợ thì chúng ta sẽ đưa cuộc sống hàng ngày trở lại nhanh hơn, nên cần có gói vay ưu đãi lãi suất cho hàng không” – ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu ý kiến.

Theo TS. Nguyễn Tuấn Anh, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân và DN nhận được 4.000 tỷ trong gói 12.000 tỷ mà Quốc hội cho phép hỗ trợ Vietnam Airlines. Đối với Nghị quyết 105, hiện giao cho ngành ngân hàng nghiên cứu cơ chế trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp để hỗ trợ ngành hàng không, đảm bảo khả năng thanh khoản của doanh nghiệp. Ngành ngân hàng sẽ mời toàn bộ DN hàng không, các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực hàng không và các cơ quan bộ ngành và hiệp hội có liên quan để có buổi đối thoại trực tiếp tháo gỡ khó khăn.

Để đảm bảo các DN đều tiếp cận được gói hỗ trợ, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng, chúng ta vận dụng theo Nghị định 55, tức thiên tai dịch bệnh thì được vay nợ. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phải đồng thuận cao, cùng phải xắn tay vào, khó khăn thì cần tìm cách để tháo gỡ.

TS. Lê Xuân Nghĩa đặt câu hỏi: Liệu gói này có làm được không? Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế đã phân tích, ông Nghĩa tạm kết luận rằng có thể làm được. Năng lực thể chế của chúng ta hiện tại cũng cho phép chúng ta thực hiện 1 gói như vậy, khác với năm 2009. Bây giờ chúng ta có một Ngân hàng trung ương năng lực tốt, chuyên nghiệp hơn rất nhiều thời điểm ấy. Quốc hội cũng vậy, chính phủ cũng vậy, đã thấm nhuần bài học khi ấy. Đặc biệt các ngân hàng thương mại từ năm 2014 tới giờ có nền tảng tài chính khá tốt, sức mạnh tài chính tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

“Từ đây, hy vọng Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại có thể đưa ra một thể chế nhằm thực hiện một gói cứu trợ nhanh, quy mô đủ để giải quyết vấn đề, đừng như muối bỏ bể” – ông Nghĩa nói./.

Theo An Nhi

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên