Gói cấp bù lãi suất: Quan trọng là cách triển khai
Theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quy mô của gói cấp bù lãi suất cũng quan trọng, nhưng cách thức triển khai, giám sát để đảm bảo đúng đối tượng là yếu tố then chốt quyết định thành công của gói hỗ trợ này.
- 13-11-2021Doanh nghiệp nào hưởng lợi từ cấp bù lãi suất?
- 30-09-2021Tác động của gói cấp bù lãi suất tới thị trường chứng khoán
- 29-09-2021Chọn đối tượng để lan tỏa hiệu ứng gói cấp bù lãi suất
Cần thiết phải có gói kích thích kinh tế
Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội xem xét. Yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời gian phù hợp...
Hiện không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà cả các ngân hàng cũng đang ngóng chờ gói cấp bù lãi suất. Với cộng đồng doanh nghiệp, lãi suất giảm sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính khi mà hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Các ngân hàng đã tiết giảm tối đa chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Trong khi dù cũng rất muốn giảm thêm lãi suất, nhưng dư địa hỗ trợ của các ngân hàng đang cạn kiệt. Nguyên nhân do thời gian qua các ngân hàng đã tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất, phí dịch vụ nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 10/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 550.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng. Thế nhưng bản thân các ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra như hoạt động kinh doanh giảm sút, nợ xấu tăng khiến các ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, các ngân hàng gần như đã triển khai hết các giải pháp có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bởi vậy trong bối cảnh hiện tại, để giúp doanh nghiệp tiếp cận mức lãi vay thấp hơn, chỉ có giải pháp cấp bù lãi suất. Nhấn mạnh sự cần thiết của gói cấp bù lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh phân tích, việc cấp bù lãi suất từ 2-3%/năm sẽ giải tỏa phần nào áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, bộ rất ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển. Hiện cơ quan này tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng. "Nếu hỗ trợ lãi suất 4% thì sẽ có 1 triệu tỷ đồng đẩy vào nền kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng và góp phần tăng thu, giảm bội chi ngân sách", lãnh đạo Bộ Tài chính ước tính.
Quan trọng là cách triển khai
Theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quy mô của gói cấp bù lãi suất cũng quan trọng, nhưng cách thức triển khai, giám sát để đảm bảo đúng đối tượng là yếu tố then chốt quyết định thành công của gói hỗ trợ này. "Gói hỗ trợ lãi suất vừa đảm bảo đủ hấp dẫn, nhưng phải hạn chế kẽ hở lợi dụng. Muốn vậy phải tăng cường giám sát để tránh những sai lầm như gói hỗ trợ năm 2009 là thách thức không nhỏ", TS. Thành nhận định.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, gói cấp bù lãi suất lần này phải có trọng tâm, trọng điểm, nhắm tới một số đối tượng, địa bàn chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.
Trong khi một chuyên gia tài chính đề nghị, gói cấp bù lãi suất tập trung vào nhóm DNNVV. Bởi DNNVV là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng cũng là đối tượng có khả năng phục hồi nhanh chóng và với số lượng đông đảo sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, hàng không cũng là lĩnh vực nên được ưu tiên xem xét. Bởi nếu hàng không hoạt động thông suốt, không chỉ đóng góp trực tiếp cho GDP, mà còn là chỉ báo cho một nền kinh tế sẵn sàng mở cửa trở lại và là nền tảng cho các lĩnh vực khác mở cửa, ví dụ như du lịch. Tiếp đến các lĩnh vực nên được ưu tiên là bán lẻ khi du lịch, thương mại, dịch vụ… sẽ nhanh chóng phục hồi khi sức cầu được nâng lên.
Để đảm bảo tính công khai minh bạch, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp nào được cấp bù lãi suất. Bởi Bộ Tài chính rất hiểu "sức khỏe" của doanh nghiệp thông qua tình hình nộp thuế. Khi Bộ Tài chính gửi danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện cấp bù, nếu đủ điều kiện cho vay, các NHTM sẽ cho vay lãi suất bình thường. Còn phần cấp bù lãi suất, doanh nghiệp nhận tại Bộ Tài chính.
"Làm như vậy, cả Bộ Tài chính và doanh nghiệp có thể dễ thanh quyết toán hơn. Chứ như gói hỗ trợ lãi suất trước đây phần thanh toán liên quan đến 3 bên nên khó khăn trong quyết toán. Đến thời điểm này vẫn còn những khoản cấp bù lãi suất ngân hàng vẫn chưa được quyết toán. Nếu tình trạng trên lại tiếp diễn ở gói hỗ trợ lần này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực tài chính của các NHTM. Đây cũng là cách làm của các nước", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng đã có dự kiến, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ xét duyệt đối tượng được cấp bù lãi suất. Về phía các ngân hàng thực hiện giải ngân theo quy định thông thường. Phần hỗ trợ cấp bù, các doanh nghiệp sẽ đến nhận tại Bộ Tài chính…
Liên quan đến gói hỗ trợ này, đại diện NHNN cho biết trong thời gian tới cũng sẽ tích cực phối hợp với các bộ ngành để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý trên cơ sở ổn định vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát và an toàn hệ thống. Còn lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết rút kinh nghiệm việc hỗ trợ lãi suất năm 2009 giá trị 1 tỷ đồng dẫn đến nợ xấu, bộ sẽ hạn chế đối tượng hỗ trợ cho vay, tập trung vào nhóm có khả năng đầu tư tăng thêm giá trị cho nền kinh tế, đặc biệt đối tượng vay không có nợ xấu và đảm bảo đúng điều kiện vay.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 11/11 về một số vấn đề liên quan đến gói kích thích phục hồi kinh tế đang được xây dựng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Chúng ta phải rút kinh nghiệm được gì và chưa được gì của gói kích cầu đầu tư những năm 2008-2009 để không vấp phải một lần nữa, phát huy được những mặt tốt, tránh những khiếm khuyết của chương trình trước đây".
Theo Bộ trưởng Dũng, gói kích thích kinh tế này cũng có rất nhiều hạn chế, bất cập mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm. Đó là chính sách mới chủ yếu tập trung về phía cung, trong khi doanh nghiệp rất khó khăn về đầu ra. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ lãi suất thiếu đồng bộ với các chính sách tiền tệ và các chính sách tài khóa khác nên đã làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách. Tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, bất động sản do chúng ta kiểm soát không chặt chẽ. Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao trong thời kỳ này. Năm 2010, lạm phát của chúng ta là 9,2% còn năm 2011 là 18,6%...
Thời báo ngân hàng