Gói hỗ trợ lần 2, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất gì?
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tác động tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đến nay, nội dung các chính sách hỗ trợ lần 2 vẫn chưa được các bộ, ngành công bố.
- 04-03-2021Hướng tới mục tiêu 1,2 - 1,5 triệu doanh nghiệp: Kỳ vọng nội lực Việt
- 04-03-2021Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu đãi thuế như thế nào từ tháng 3/2021?
- 04-03-2021Xuất khẩu khởi sắc làm mờ “bóng ma” Covid-19
Chiều 3/3, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, tình hình doanh nghiệp (DN) và thị trường lao động cũng đã thay đổi so với trước. Bộ LĐ-TB&XH đang giao cho các đơn vị tiếp tục rà soát lại tình hình và mong muốn của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ đề xuất các chính sách phù hợp.
Theo ông Thanh, trong lĩnh vực quản lý của Bộ LĐ-TB&XH, có ba vấn đề được quan tâm là bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp.
“Trước đây, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất cho các DN tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội đến tháng 12/2020. Vấn đề này tới đây cũng sẽ tiếp tục xem xét. Tuy nhiên, nếu thời gian tạm dừng quá 12 tháng sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Còn vấn đề đào tạo nghề, qua khảo sát có vẻ các doanh nghiệp không quan tâm nhiều lắm đến việc đào tạo lại, mà chỉ muốn hỗ trợ trực tiếp”, Thứ trưởng Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho biết, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là tìm mọi cách để thực hiện. Phạm vi nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ sẽ xem xét, đề xuất.
Trước đó, vào tháng 8/2020, Bộ LĐ-TB&XH đã gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư nội dung các chính sách hỗ trợ trong lần thứ 2. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất dành 18.600 tỉ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ… người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.
Mức vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỉ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới.
Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến 1/9/2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn, sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi).
Đối tượng thụ hưởng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.
Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỉ đồng.
Theo Tiền Phong