MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gọi tên Top 10 nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất tại Việt Nam: Rót gần tỷ USD vào ngành nhựa, gỗ, điện, cao su…

15-12-2023 - 10:58 AM | Doanh nghiệp

Gọi tên Top 10 nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất tại Việt Nam: Rót gần tỷ USD vào ngành nhựa, gỗ, điện, cao su…

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD.

Số liệu từ Bộ Kế Hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 2.92 tỷ USD vào Việt Nam, và là quốc gia đứng thứ hai sau Singapore (3,98 tỷ USD) về khối lượng đầu tư.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc chiếm 14,5% tổng lượng vốn đầu tư, tăng 94,9% theo năm.

Về số lượng dự án đăng ký mới, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với 21,2%. Cùng kỳ, Trung Quốc cũng là quốc gia đứng thứ nhất về vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chiếm 22% tổng số lượng đầu tư sản xuất. Singapore và Hong Kong đứng thứ hai và thứ ba với lần lượt 21% và 17% thị phần.

Thống kê lượng vốn các quốc gia đầu tư vào Việt Nam

Gọi tên Top 10 nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất tại Việt Nam: Rót gần tỷ USD vào ngành nhựa, gỗ, điện, cao su… - Ảnh 1.

Tính đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Top 10 nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam

Gọi tên Top 10 nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất tại Việt Nam: Rót gần tỷ USD vào ngành nhựa, gỗ, điện, cao su… - Ảnh 2.

Nguồn: Savills Việt Nam

Theo Savills Việt Nam, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trên chuỗi giá trị trong nhiều năm và những nỗ lực này đã được đền đáp trong những năm gần đây với cơ hội mang lại từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2019 cùng đại dịch kéo dài từ 2020 và 2021.

Điều này đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa và tái lập nhà máy của các nhà sản xuất điện tử đa quốc gia bên ngoài Trung Quốc đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Năm qua cũng là năm thắng lớn của nông sản Việt, mà đầu ra chủ yếu vẫn sang Trung Quốc. Thống kê 10 tháng đầu năm, Trung Quốc chi hơn 3,2 tỷ USD nhập rau quả từ Việt Nam, đưa kim ngạch nhập nông sản lên con số kỷ lục, trên 7,5 tỷ USD. Hiện, 14 loại nông sản, trong đó 9 mặt hàng trái cây được xuất chính ngạch (thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, sầu riêng) và hơn 2.940 mã sản phẩm làm thực phẩm chế biến cũng được Tổng cục Hải quan phê duyệt để xuất chính ngạch, đem lại doanh thu tỷ USD.

Từ khoá nóng nhất năm 2023 phải kể đến “xuất khẩu trái sầu riêng” sang thị trường này, trên 2 tỷ USD sau 11 tháng.

Là doanh nghiệp có 4 năm xuất khẩu chính ngạch chuối sang Trung Quốc và mới nhất là sầu riêng, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) – chia sẻ: "Trung Quốc là thị trường hấp dẫn, đây là nơi hấp thụ nông sản nhiều nhất thế giới. Nếu hàng chất lượng ổn định, Việt Nam chỉ lo chưa cung ứng kịp chứ chẳng sợ họ không mua".

Hay CEO Vina T&T kể, năm nay đối tác Trung Quốc đặt mua 1.500 container loại quả sầu riêng nhưng doanh nghiệp chỉ đáp ứng được 30% do không đủ nguồn cung. Với Vina T&T, 10 tháng năm nay, trái cây xuất bán Trung Quốc tăng 70% cùng kỳ, chiếm 35% doanh thu và bỏ xa các thị trường Mỹ, Nhật Bản.

Tính chung, nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chiếm hơn 10% thị phần, riêng sầu riêng Việt nhập vào Trung Quốc tăng 5 lần trong một năm qua, giúp thị phần loại trái cây này lên 25% tại đây.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng quan tâm tới lĩnh vực sản xuất thiết bị điện và năng lượng mặt trời tại Việt Nam nhờ có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất, mức độ hội nhập quốc tế lớn, nguồn cung bất động sản công nghiệp phong phú và chi phí lao động, sản xuất cạnh tranh với các thị trường lân cận.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên