Thị trường các-bon trên thế giới đã rất sôi động: Châu Âu làm từ 2005, Trung Quốc từ 2022, Nhật từ 2023... Việt Nam đến 2028 liệu có quá muộn?
Việt Nam là nước đang phát triển, nếu áp dụng sớm đồng nghĩa với việc bắt buộc các DN giảm phát thải, bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ, sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế.
- 22-11-2023Hội thảo Tầm nhìn xanh Việt Nam: Mục tiêu NET ZERO 2050 là thách thức lớn nhưng không phải nhiệm vụ bất khả thi
- 17-11-2023TS Trần Đình Thiên: Đất nước cần những thách thức lớn như NET ZERO 2050 để huy động trí tuệ của cả dân tộc cùng vào cuộc!
Hiện nay thị trường tín chỉ các-bon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục, tuy nhiên mỗi một quốc gia, mỗi khu vực có cách thức và lịch sử vận hành khác nhau, chia sẻ được đưa ra tại sự kiện công bố Giải báo chí Phát triển xanh lần thứ Nhất do CLB Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon.
Thị trường các-bon trên thế giới rất sôi động
Theo TS Bùi Đức Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT - thị trường các-bon của Liên minh châu Âu là được hình thành sớm nhất trên thế giới vào năm 2005, đến nay trải qua 5 giai đoạn. Tiếp theo đó là đến thị trường Hàn Quốc vận hành thử nghiệm vào năm 2012, chính thức vào năm 2015 và trải qua 3 giai đoạn. Thị trường Trung Quốc vận hành thử nghiệm năm 2012 tại một vài tỉnh và chính thức toàn quốc năm 2022, Anh từ năm 2021, Nhật Bản vừa kết thúc thử nghiệm, vận hành chính thức từ 4/2023.
Tại Việt Nam, Chính phủ đang đặt mục tiêu 2025 vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon, 2028 vận hành chính thức, các tổ chức quốc tế cũng muốn hỗ trợ Việt Nam, các cơ chế trao đổi kết quả giảm phát thải song phương ITMO cũng đã thiết lập...
Vậy cơ hội của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong việc hợp tác quốc tế để chia sẻ “nguồn lợi” từ dòng tài chính này như thế nào? Liệu đến 2028 thì có muộn quá không?
TS Bùi Đức Hiếu cho biết: Một là các quốc gia xung quanh ta chỉ có Hàn Quốc là sớm, còn lại so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á, Nam Mỹ, nhiều nước chuẩn bị vận hành như ta, hoặc sớm hơn 1-2 năm. Thậm chí Singapore họ chỉ mua bán tín chỉ, không thành lập thị trường bắt buộc và tự nguyện.
Đối với nước ta, là nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có độ mở cao, nếu chúng ta áp dụng sớm đồng nghĩa với việc bắt buộc các DN giảm phát thải, sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, DN phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ.
“ Mà các công nghệ để giảm phát thải lại rất đắt đỏ, ngoài chi phí mua, chuyển đổi công nghệ, còn phải xem xét đến đội ngũ nhân lực vận hành, làm chủ các công nghệ, máy móc đó. Tuy nhiên, chúng ta phải làm, chúng ta phải chuyển đổi, nếu không chúng ta sẽ tụt hậu với thế giới” , ông nói.
Tesla năm 2022 bán tín chỉ các-bon thu về 1,78 tỷ USD
Liên quan đến lợi ích DN, ông Hiếu cho rằng, DN sẽ có nhiều mặt lợi và cũng sẽ có nhiều thách thức phải đối mặt trong cuộc chơi hướng tới net zero và thị trường các-bon:
+ Về mặt vĩ mô, DN giảm phát thải, tham gia thị trường các-bon là cùng Chính phủ để thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải.
+ Về những mặt lợi trực tiếp mà DN có được: Tham gia thị trường các-bon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của DN, qua đó sẽ giúp DN có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm.
Bên cạnh đó, thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để chính DN thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ; qua đó tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận. Ví dụ như Tesla năm 2022 bán tín chỉ các-bon thu về 1,78 tỷ USD, chiếm 10% tổng lợi nhuận Tesla trong năm đó.
“Và cũng như các nước trên thế giới, tôi tin thị trường giao dịch tín chỉ các-bon của chúng ta sẽ rất sôi động...” , TS Bùi Đức Hiếu nói.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn cho thị trường các-bon nhưng DN còn ngại do chi phí quá cao
Ở khía cạnh đầu tư, ông Vũ Chí Công - Giám đốc ESG VinaCapital bổ sung: “ Trong thời gian qua, chúng tôi trao đổi với rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực carbon và tất cả họ đều có chung nhận định rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn và xác định Việt Nam là một trong những quốc gia chiến lược trong việc phát triển các dự án tạo tín chỉ các -bon chất lượng cao. Chúng ta có hơn 14 triệu ha rừng, hơn 30 triệu ha đất nông nghiệp, hơn 3000km đường bờ biển và hàng trăm ngàn hecta rừng ngập mặn, bãi bồi và vùng cỏ biển ”.
Tất cả những tài nguyên này đều tạo ra tiềm năng vô cùng lớn để tạo ra các loại tín chỉ các-bon khác nhau và chúng ta nên nhìn nhận thị trường các-bon là một cơ hội cho Việt Nam. Ví dụ, Singapore hay Nhật Bản sẽ là những đối tác trao đổi rất lớn theo cơ chế song phương của Điều 6 thỏa thuận Paris. Đây đều là những quốc gia sẽ có nhu cầu bù đắp phát thải rất lớn dựa vào quy mô nền kinh tế, tuy nhiên họ sẽ không có nhiều điều kiện và tài nguyên để tạo tín chỉ đáp ứng cho nhu cầu này. Nên để trung hòa phát thải, Chính phủ và doanh nghiệp Nhật hay Singapore sẽ tìm đến các đối tác ở Việt Nam để phát triển các dự án tín chỉ các-bon.
Tuy nhiên, để tạo ra được tín chỉ các-bon chất lượng cao đòi hỏi DN ngoài việc có công nghệ và năng lực kỹ thuật thì cũng cần phải có một năng lực quản trị, thực thi nhất định về ESG theo các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, nhìn chung các DN của chúng ta còn khá hạn chế về vấn đề này nên còn khá lúng túng trong việc xác định chiến lược riêng cho mình để tham gia vào thị trường các-bon.
Được biết, VinaCapital thành lập Quỹ đầu tư tác động về khí hậu VinaCarbon, đầu tư vào các DN và dự án có thể tạo tín chỉ carbon giúp giảm phát thải khí nhà kính. “Tại VinaCarbon, chúng tôi tập trung vào các dự án tạo tín chỉ các -bon theo các cơ chế tự nguyện. Nếu chúng ta chờ đợi đến lúc đó mới hành động thì tôi cho là hơi quá muộn ”, ông Công nói.
Ngoài ra vì thị trường các-bon còn mới nên rủi ro tiềm ẩn là cao và DN sẽ ngại chi ra các khoản chi phí như nghiên cứu khả thi hay thuê các đơn vị tư vấn quốc tế để đánh giá và đăng ký tín chỉ. Do đó, ngoài việc thiếp lập giải pháp và chiến lược phát triển tín chỉ các-bon, VinaCarbon cho biết sẽ chi trả toàn bộ các chi phí nghiên cứu, đăng ký, thẩm định đến khi ra được tín chỉ các-bon.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Tầm nhìn xanh
Xem tất cả >>- Khi yếu tố “xanh” trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ chuyển mình như thế nào?
- Chìa khóa giúp một doanh nghiệp cân bằng 3 khía cạnh “tăng trưởng, lợi nhuận và bền vững”
- VietinBank công bố Khung Tài chính Bền vững
- SCG thúc đẩy các sáng kiến xanh, tăng cường sử dụng năng lượng sạch hướng tới định hướng tăng trưởng xanh toàn diện
- Việt Nam là 1 trong 5 nước đạt được ngưỡng giảm phát thải cac-bon đề ra trong mục tiêu Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC)