MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gọi tên vũ khí hủy diệt nhất của Nga: Gây 70% thương vong của Ukraine, xung đột càng lâu Moscow càng mạnh

12-10-2024 - 21:14 PM | Tài chính quốc tế

Sau hơn hai năm rưỡi xung đột, thương vong cao ở giữa Nga và Ukraine, đạn pháo và những khẩu lựu pháo bắn ra chúng vẫn tiếp tục là một trong những vũ khí hủy diệt nhất.

Tờ Business Insider ngày 11/10 dẫn báo cáo từ Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở tại London cho biết, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm làm tê liệt cỗ máy chiến tranh của Nga, nước này vẫn duy trì lợi thế so với Ukraine về sản xuất lựu pháo và tỉ lệ đạn pháo bắn ra.

Gọi tên vũ khí hủy diệt nhất của Nga: Gây 70% thương vong của Ukraine, xung đột càng lâu Moscow càng mạnh- Ảnh 1.

Một người lính Nga bắn lựu pháo về phía các vị trí của Ukraine. Ảnh: Dịch vụ báo chí của Bộ Quốc phòng Nga

Hơn một chục nhà phân tích từ RUSI đã viết trong báo cáo mới rằng, lợi thế pháo binh của Nga "là yếu tố quyết định lớn nhất đối với việc gây ra thương vong và mất mát thiết bị” cho Ukraine. Họ ước tính rằng, pháo binh Nga có liên quan tới hơn 70% thương vong trong chiến đấu của lực lượng Ukraine.

Các nhà phân tích tại RUSI nhận định rằng, phương Tây cần phá vỡ các ngành công nghiệp đang duy trì hoạt động của những khẩu lựu pháo hủy diệt của Nga trước khi mọi thứ là quá muộn đối với Ukraine.

Các nhà phân tích cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang phát triển thông qua các cơ sở mới, nhập khẩu vật tư và tuyển dụng hàng loạt. Họ cho biết, nếu không bị gián đoạn, Moscow sẽ có nền tảng tốt hơn để củng cố vị thế của mình tại Ukraine trong vài năm tới.

Báo cáo giải thích rằng: "Nga tự cung tự cấp trong nhiều nhu cầu của mình, đặc biệt là các nguyên liệu thô như quặng sắt, và có thể có đủ máy công cụ và lựu pháo dự trữ từ thời Liên Xô để hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine."

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, "xung đột càng kéo dài, thì sự phụ thuộc của Nga vào các nhà cung cấp nước ngoài sẽ càng trở nên ít hơn".

Ưu thế hỏa lực của Nga gia tăng theo thời gian

Business Insider đưa tin, các quốc gia phương Tây khó có thể nhắm mục tiêu vào chuỗi cung ứng bên trong nước Nga vì có những yếu tố có thể bảo vệ các doanh nghiệp này khỏi các biện pháp như lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng các nhà phân tích đã xác định được một số kẽ hở trong quá trình nhập khẩu vật liệu nước ngoài trước khi chúng đến được Nga.

Theo các nhà phân tích, để bịt được những kẽ hở này, các đồng minh phương Tây của Ukraine cần áp đặt lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp vật liệu thiết yếu cho Nga, mua trước nguyên liệu thô trên thị trường mở để ngăn chúng rơi vào tay các quốc gia thù địch, hoặc gây áp lực ngoại giao lên các nước khác để kiểm tra các doanh nghiệp trong nước đó đang xuất khẩu hàng hóa sang Nga.

Một ví dụ mà báo cáo của RUSI đưa ra là nhắm mục tiêu vào hoạt động nhập khẩu quặng crom để sản xuất thùng chứa hàng. Một ví dụ khác là ngăn cản hoạt động nhập khẩu máy công cụ vào Nga.

Các nhà phân tích cho biết, các đồng minh phương Tây của Ukraine nên ưu tiên phá vỡ chuỗi cung ứng pháo binh của Nga ngay lập tức, vì nếu làm như vậy sẽ khiến Moscow khó duy trì các khẩu lựu pháo và đạn pháo hơn trong thời gian dài. Và Điều này rất quan trọng đối với Ukraine.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, "nếu tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại, ưu thế hỏa lực của Nga sẽ tăng lên theo từng năm và ít bị tổn thương hơn trước sự gián đoạn bên ngoài do bị gây áp lực lên chuỗi cung ứng".

Đòi hỏi này có khả năng trở nên cấp bách hơn đối với phương Tây khi Nga tiếp tục tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Washington đã công khai bày tỏ lo ngại về mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc của Moscow với các đối thủ của Mỹ trong vài năm qua.

Các nhà phân tích RUSI nhận định, Ukraine đã tìm cách làm giảm lợi thế pháo binh vốn có của Nga và đang thực hiện ngày càng nhiều các biện pháp làm suy yếu nguồn dự trữ đạn pháo của nước này bằng cách sử dụng máy bay không người lái tầm xa để tấn công các kho đạn bên trong nước Nga, nhưng vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để phá vỡ lợi thế này của Nga.

Theo Hữu Hiển

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên