Gọi vốn 'cá mập' vào chứng khoán
Đến cuối tháng 6/2024, Việt Nam có hơn 8 triệu tài khoản chứng khoán, đa phần thuộc về nhà đầu tư cá nhân. Để tăng tính ổn định của thị trường chứng khoán, giới phân tích cho rằng, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức cần được nâng lên, dư địa hút vốn từ nhóm này còn rất lớn.
- 23-07-2024Margin toàn thị trường cao kỷ lục, room cho vay của các Công ty chứng khoán còn bao nhiêu?
- 23-07-2024Số dư tiền của nhà đầu tư tại các Công ty chứng khoán bất ngờ giảm mạnh sau 4 quý tăng liên tiếp, về dưới mốc 100.000 tỷ
- 22-07-2024"Đại gia” bán vàng, trang sức PNJ thu gần 10.000 tỷ trong quý 2, lãi tăng mạnh 27% so với cùng kỳ
Gỡ vướng cho nhà đầu tư ngoại
Chia sẻ tại cuộc Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” (do CLB Nhà báo chứng khoán tổ chức 19/7), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: “Thị trường muốn phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn. Hiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường gần 8 triệu. Nhưng, nhìn về cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn. Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhận ra vấn đề này từ lâu, báo cáo Chính phủ và xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường giai đoạn tới là phát triển nhà đầu tư tổ chức.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cho biết sẽ tạo điều kiện, mở ra hoạt động cho các dạng quỹ đầu tư. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Bộ Tài chính được giao rà soát, đánh giá, báo cáo sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ hưu trí tự nguyện. “Chúng ta cần có quy định để khuyến khích, huy động được nguồn lực này vì còn dư địa rất lớn”, ông Chi cho biết.
Trong điều hành, Bộ Tài chính đặt trọng tâm phải cởi bỏ những điều kiện chặt chẽ, để nhà đầu tư tổ chức tham gia thuận lợi, dẫn dòng tiền vào nhiều hơn trên thị trường chứng khoán. Ví dụ, UBCKNN đã lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% khi mua cổ phiếu tại Việt Nam.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN cũng cho rằng việc nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng hơn trên 90% cũng là một trong những yếu tố khiến thị trường chứng khoán chưa ổn định, chịu ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý nhà đầu tư. Như các thị trường phát triển, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức thường chiếm tới 50-60%.
Chủ tịch UBCKNN cũng nhấn mạnh, việc nâng hạng phụ thuộc vào đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài, cần sự chung sức của nhiều bên.
"Thị trường muốn phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn. Hiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường gần 8 triệu. Nhưng, nhìn về cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn”.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi
Dư địa lớn để hút vốn
Tại chương trình đối thoại tháng 7, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, việc xây dựng giải pháp thu hút nhà đầu tư tổ chức, cần tập trung và ưu tiên một số nhóm nhà đầu tư tổ chức nhất định. Việt Nam hiện có khoảng 110 quỹ nội địa nhưng giá trị tài sản quản lý mới đạt 74.000 tỷ đồng, quá nhỏ trong khi tiềm năng rất lớn. Nhóm các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư bảo hiểm có tổng tài sản 906 nghìn tỷ đồng (tính đến cuối năm 2023), nhưng tỷ lệ phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu còn rất nhỏ.
“Đã có 10 quỹ hưu trí tự nguyện được thành lập và hoạt động nhưng quy mô còn rất hạn chế, trong khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa được phép đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Tổng tài sản của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến cuối năm 2023 đạt 1.233 nghìn tỷ đồng, quỹ hưu trí là 7,34 nghìn tỷ đồng”, ông Thuân thông tin.
Cũng theo ông Thuân, tỷ lệ sở hữu được tự do chuyển nhượng (free-float) trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính khoảng 45,5%. Cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.
Dự thảo Thông tư về thanh toán bù trừ mới được UBCKNN công bố đã bỏ điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ đủ 100% trước khi giao dịch. Đây là một trong những điểm nghẽn trong tiến trình nâng hạng thị trường, được các tổ chức xếp hạng khuyến nghị Việt Nam gỡ bỏ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), các nhà đầu tư tổ chức trong và nước ngoài muốn tham gia mua bán cổ phần nhà nước không dễ. Nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn thực hiện giao dịch theo phương thức thỏa thuận trong khi việc thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện thông qua đấu giá, công bố thông tin theo quy định.
“Gần đây, SCIC tiếp cận một số quỹ đầu tư vùng Vịnh. Quan điểm của họ là thực hiện giao dịch thỏa thuận nhưng quy trình chúng ta lại là thực hiện đấu giá, không theo quy trình nước ngoài”, ông Tuấn nêu ví dụ về trở ngại và cho rằng, để gỡ vướng cho quy trình bán vốn, cần thay đổi phương thức bán và một số nội dung chính sách. Chẳng hạn, Bộ Tài chính nên rà lại quy định sắp xếp sử dụng đất. Nếu coi đất của doanh nghiệp đều là thuê của Nhà nước, quy trình sẽ dễ dàng hơn.
Ở góc nhìn tổ chức đầu tư, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết, 4 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 4 tỷ USD, riêng năm 2024 đã bán ròng hơn 2 tỷ USD. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ được nhiệt huyết với Việt Nam. “Dường như câu chuyện về Việt Nam gần đây không có yếu tố mới, yếu tố thú vị để thu hút sự quan tâm của dòng vốn đầu tư tài chính quốc tế, trong khi nhiều thị trường khác lại có”, ông Dominic Scriven thẳng thắn.
Tiền Phong