MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Google “chặn” nguồn thu quảng cáo của các trang vi phạm bản quyền thông tin

Google “chặn” nguồn thu quảng cáo của các trang vi phạm bản quyền thông tin

Không chỉ hạn chế mức độ hiển thị trên công cụ tìm kiếm, các trang web vi phạm bản quyền còn bị Google đưa vào “danh sách đen” “cắt” nguồn thu quảng cáo từ Adsense trong tương lai.

Tại buổi trao đổi trực tuyến về kỹ năng xuất bản nội dung và bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trên nền tảng công nghệ số do Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Google Châu Á- Thái Bình Dương tổ chức, đại diện Google cho biết đã gỡ khoảng 4 tỷ trang web vi phạm bản quyền và mỗi ngày có khoảng 2 triệu trang web như thế bị xử lý. Đã có hơn 80.000 trang web vi phạm không ưu tiên hiển thị hoặc hiển thị rất thấp trên công cụ tìm kiếm. Đây là một trong những giải pháp mạnh tay mà hãng công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới này xử lý, chống tình trạng vi phạm bản quyền trên mạng.

5 TRỤ CỘT CƠ BẢN VI PHẠM BẢN QUYỀN

Chia sẻ về các nguyên tắc, biện pháp, cách thức giải quyết xử lý, chống vi phạm bản quyền của Google, ông Jean Jacques Sahel, Trưởng nhóm thông tin và chính sách nội dung cho biết, có 5 trụ cột cơ bản trong nguyên tắc giải quyết các vấn đề cơ bản về vi phạm bản quyền.

Theo đó, Google luôn đảm bảo cho người dùng truy cập các thông tin hợp pháp. Mục tiêu của Google khi đưa ra các nền tảng chính là cung cấp cho người dùng những trải nghiệm và có nguồn thu từ hoạt động sáng tạo. Ông Jean Jacques Sahel cho biết, một xu hướng rất đáng mừng là người dùng hiện quan tâm nhiều đến các nội dung tính hợp pháp hơn là những nội dung vi phạm, không có bản quyền bởi vì các nội dung hợp pháp, có bản quyền ngày càng cung cấp nhiều hơn trên internet.

Nguyên tắc thứ hai là Google làm cho những người vi phạm bản quyền sẽ nhận được rất ít nguồn thu khi đưa các thông tin lên internet. Cách thức để Google ngăn chặn tình trạng này đó là cắt bớt các con đường dẫn đến việc nhận được doanh thu của các đối tượng vi phạm và sản xuất các nội dung vi phạm bản quyền. Google cũng sẽ không cho các trang web hoặc đối tượng vi phạm bản quyền không được hưởng doanh thu từ hoạt động quảng cáo.

Môi trường internet rất rộng lớn với hàng tỷ trang web. Do đó, Google đã sử dụng các công cụ để có thể giải quyết, ngăn chặn tình trạng này với quy mô lớn. Ông Jean Jacques Sahel thông tin, hãng đã đầu tư lớn tới hàng trăm triệu USD nên hàng ngày có thể giải quyết hàng triệu trường hợp vi phạm bản quyền.

Mặt khác, Google cũng có phương thức để không xử lý sai những trường hợp lạm dụng báo cáo khiếu nại giả mạo, cạnh tranh không lành mạnh. Hãng này cũng luôn đảm bảo tính minh bạch, các nguyên gỡ bỏ và chính sách xử lý vi phạm bản quyền.

Đại diện Google thông tin, đến nay đã gỡ bỏ kết quả tìm kiếm khoảng 4 tỷ trang web vi phạm bản quyền và mỗi ngày có khoảng 2 triệu trang web vi phạm như thế bị xử lý. Trung bình thời gian xử lý các trường hợp vi phạm từ khi nhận được khiếu nại của người yêu cầu đến khi giải quyết khoảng 6 tiếng. Hãng này tính toán đã có khoảng 95% trong số các yêu cầu đều đã được gỡ ngay lập tức. 5% còn lại chưa được gỡ bỏ ngay là do khiếu nại giả tạo.

HẬU QUẢ NẶNG KHI CÁC WEB BỊ ĐƯA VÀO "DANH SÁCH ĐEN"

Liên quan đến nền tảng tìm kiếm, hãng này cho biết nếu nhận được nhiều lần khiếu nại vi phạm bản quyền hoặc có nhiều nội dung vi phạm của một trang web nào đó thì thứ hạng, mức độ hiển thị của trang web này sẽ giảm xuống còn rấp thấp và gần như người dùng sẽ không nhìn thấy trên kết quả tìm kiếm.

Tương tự với những kênh vi phạm trên YouTube bị báo cáo nhiều lần nhưng vẫn đưa thông tin vi phạm sẽ không thể hoạt động tiếp.

Theo thống kê, đến nay đã có đến hơn 80.000 trang web vi phạm không ưu tiên hiển thị hoặc hiển thị rất thấp trên công cụ tìm kiếm và trung bình mỗi ngày con số này khoảng 500 trang. Các trang web này có thể sẽ chỉ hiển thị ở trang thứ 10 trở đi trên công cụ tìm kiếm sẽ rất ít người dùng tìm kiếm xem. Điều này cũng có nghĩa các trang web sẽ bị mất khoảng 90% lượng truy cập.

Không chỉ hạn chế mức độ hiển thị trên mạng, các trang web vi phạm bản quyền còn bị “cắt” nguồn thu từ quảng cáo. Ông Jean Jacques Sahel nhấn mạnh, khi Google đã nhận được các thông báo yêu cầu đề nghị gỡ bỏ vì vi phạm, các trang web này sẽ bị đưa vào “danh sách đen” và sẽ không nhận được quảng cáo từ Adsense trong tương lai. Ngoài ra, Google cũng sẽ gỡ bỏ những quảng cáo bị nghi ngờ đang quảng cáo cho các trang web vi phạm bản quyền.

Là thành viên của các tổ chức hoạt động trong ngành quảng cáo, Google cho biết sẽ cùng nỗ lực làm sạch môi trường quảng cáo cũng như vi phạm bản quyền trên mạng.

Tuy nhiên, đại diện Google cũng nhấn mạnh, để xử lý vi phạm bản quyền thông tin, trước hết hãy liên hệ với trang web đưa thông tin vi phạm. Google chỉ gỡ bỏ những thông tin vi phạm trên nền tảng của mình. Nhưng điều này không có nghĩa là các thông tin vi phạm đó sẽ được loại bỏ hoàn toàn trên internet. Do đó, các đơn vị bị vi phạm phải liên hệ đến chính các trang vi phạm bản quyền để gỡ bỏ từ gốc nguồn thông tin đưa lên.

Cũng tại buổi trao đổi, bà Dương Nguyễn, Quản lý hợp tác sản phẩm tin tức, xuất bản khu vực Đông Nam Á Google cũng chia sẻ các yếu tố tiêu chí xếp hạng tin tức hiển thị trên Google như: mức độ liên quan, sở thích, vị trí, sự nổi bật và tính thẩm quyền cũng như tính mới mẻ, cập nhật và tầm quan trọng của thông tin…

Liên quan đến vấn đề nội dung trùng lặp, thậm chí có những trang có nội dung sao chép nhưng lại có mức độ xếp hạng cao hơn nội dung gốc trên Google, bà Dương Nguyễn cho biết, có hai trường hợp, thứ nhất là có sự đồng thuận giữa 2 bên cho phép được tái sử dụng nội dung. Nhưng nếu cả hai bên không cung cấp được thẻ thông tin cho Google thì hãng này sẽ đánh giá mỗi trang dựa vào các tiêu chí mức độ đầy đủ, đa dạng, chất lượng chuyên môn của bài để xác định trang gốc…

Theo Phan Anh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên