Google rút sản xuất phần cứng khỏi Trung Quốc
Bloomberg ngày 12-6 dẫn nguồn tin cho biết Tập đoàn Google đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất bo mạch chủ từ Trung Quốc sang Đài Loan.
Các quan chức Mỹ trước đó lo ngại bo mạch chủ sản xuất tại Trung Quốc có thể gây ra vấn đề bảo mật. Tuy nhiên, Google không đề cập tới vấn đề này khi thảo luận với các nhà cung cấp của họ.
Ngoài bo mạch chủ, Bloomberg cho biết Google cũng chuyển hoạt động sản xuất thiết bị màn hình thông minh sang Đài Loan và Malaysia cùng với phần cứng dành cho máy chủ.
Bo mạch chủ phải đối mặt với mức thuế 25% nếu chúng được nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ, trong khi toàn bộ máy chủ vẫn chưa bị ảnh hưởng. Nhiều máy chủ tại Mỹ được lắp ráp tại Mexico hoặc ngay trong nước.
Hồi tháng 3, Google thông báo kế hoạch thành lập một khuôn viên mới ở Đài Bắc, đồng thời mở rộng đội ngũ nhân viên tại đây. Không rõ hoạt động này có liên quan đến việc đa dạng hóa sản xuất hay không.
Trụ sở của Tập đoàn Google tại Mỹ. Ảnh: Drone Below
Bên cạnh Google, nhiều công ty nước ngoài cũng đang tìm cách chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Với việc Trung Quốc dường như tìm cách nhắm mục tiêu vào các tập đoàn Mỹ, từ Ford Motor đến FedEx, các công ty Mỹ - từ lâu đã quen với việc sử dụng Trung Quốc làm xưởng chế tạo – đang phải tìm kiếm các nguồn thay thế khác.
Thiết bị màn hình thông minh Nest Hub Max của Google. Ảnh:Bloomberg
Theo Bloomberg, các nhà sản xuất hợp đồng ở Đài Loan sản xuất hầu hết thiết bị điện tử trên thế giới, bao gồm cho đối tác Foxconn của Tập đoàn Apple (Mỹ). Ngày 11-6, Foxconn tuyên bố họ đủ khả năng sản xuất toàn bộ điện thoại thông minh iPhone cho Apple mà không cần Trung Quốc nếu cần thiết. Tuy nhiên, cho đến nay, Apple vẫn chưa yêu cầu những thay đổi như vậy.
Trong khi hoạt động sản xuất phần cứng của Google tại Trung Quốc mờ nhạt hơn so với Apple, tập đoàn này cũng kiếm được một khoản doanh thu quảng cáo từ Trung Quốc. Thời báo Tài chính tiết lộ Google còn vận động hành lang để chính quyền Washington cho phép họ tiếp tục cung cấp hệ điều hành Android cho sản phẩm của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc).
Google từng cắt đứt nguồn cung cấp phần cứng và một số dịch vụ phần mềm cho Huawei sau khi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen.
(Theo Bloomberg)
Người Lao động