MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS Bùi Xuân Tùng: Việt Nam phải có chiến lược khác nếu vốn FDI đổi hướng từ cuộc chiến Mỹ Trung

Khi các tranh chấp giữa các nước diễn ra, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục có những điều chỉnh nhỏ cho tới khi nào trật tự mới về thương mại thế giới được thiết lập.

Thị trường chứng khoán thế giới trong tháng 10 biến động rất mạnh do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Hơn 5.000 tỷ USD vốn hoá đã bốc hơi trên thị trường chứng khoán Châu Á từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư cũng chốt lời mạnh khiến Dow Jones và S&P500 mất hết thành quả từ đầu năm. Nhiều lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đến thị trường tài chính sẽ gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với giáo sư Bùi Xuân Tùng, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ QTKD cấp cao tại Việt Nam của Đại học Hawaii (Chương trình VEMBA) về ảnh hưởng của sự kiện này đến nền kinh tế Việt Nam.

GS Bùi Xuân Tùng: Việt Nam phải có chiến lược khác nếu vốn FDI đổi hướng từ cuộc chiến Mỹ Trung - Ảnh 1.

Giáo sư Bùi Xuân Tùng

Chiến tranh thương mại là cần thiết

- Giáo sư đánh giá như thế nào về tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đến nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường tài chính Việt Nam?

Cuộc chiến thương mại chỉ có 2 người chơi nhưng ảnh hưởng dây chuyền của nó lan khắp thế giới.

Hiện nay, trong cuộc thảo luận đa phương, sức mạnh của kẻ mạnh bị dung hòa bởi nhóm những người yếu. Vì vậy, trên chính trường thương mại, các nước nghèo dựa vào sức mạnh của WTO, liên kết lại để tạo ra tiếng nói chung.

Tuy nhiên khi Donald Trump lên nắm quyền, với tư duy của một doanh nhân coi nước Mỹ là trên hết, chính sách của Nhà Trắng bây giờ là ưu tiên song phương. Trong cuộc thương lượng song phương thì các nước lớn có tiếng nói hơn.

Những quy tắc thương mại, đối thoại quốc tế được thực hiện suốt 40 năm qua hiện nay đã lỗi thời. Trung Quốc không còn bé nhỏ như xưa, hiện nay nhiều ngành kinh tế, công nghệ của Trung Quốc đã là mũi nhọn. Thế mạnh về công nghệ của Mỹ và châu Âu không còn như trước. Ví dụ, khi Motordola mang chip sang sản xuất tại Trung Quốc. Một thời gian sau trên thị trường chợ đen đã xuất hiện chip nhái còn tốt hơn chip nguyên bản 20-30%. Nếu thương lượng tốt hơn để bảo vệ các công ty, Motorola có thể quay lại Trung Quốc. Trật tự về thương mại thế giới cần phải được điều chỉnh.

Mục đích cuối cùng của các nguyên tắc mới là tạo ra nền tảng kinh doanh mới khiến tất cả người tham gia đều cảm thấy công bằng hơn. Ngày nào thế giới còn chưa tìm ra những nguyên tắc mới thì tranh chấp vẫn diễn ra.

Về cuộc chiến thương mại, với những thông tin như hiện nay đều đưa đến nhận định bên thắng thế vẫn là Mỹ. Lý do là khi Mỹ tăng thuế nhập cảng 10% đối với các hàng hoá của Trung Quốc nhưng đồng USD tăng giá trị 7-8% so với nhân dân tệ, nên giá hàng hoá Trung Quốc khi đổi qua USD thấp xuống, người tiêu dùng Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng. Thứ hai tổng thống Donald Trump muốn hạ thuế thu nhập doanh nghiệp từ 30% xuống 21%, điều này sẽ khiến các công ty Mỹ có thể giảm giá bán do được lợi một phần thuế nên sẽ ít bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế của Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Mỹ xuống 2 tuần nay do đã tăng liên tục trong vòng 24 tháng qua nên nhà đầu tư chốt lời. 300 – 500 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế của cả 2 quốc gia so với thị trường và nền kinh tế Mỹ không thành vấn đề.

Nhưng ngược lại thị trường Trung Quốc lại bị ảnh hưởng rất cao. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Thượng Hải mất hơn 30%, thiệt hại lớn cho kinh tế nước này. Một thống kê cho thấy hơn 11% doanh nghiệp Trung Quốc phải dùng chứng khoán của họ để thế chấp cho việc đi vay vốn, nếu giá chứng khoán xuống hơn 30%, các ngân hàng sẽ ép doanh nghiệp bán cổ phiếu để trả bớt số tiền đi vay. Điều này sẽ khiến thị trường ngày càng đi xuống. Bây giờ rất nhiều người e ngại thị trường chứng khoán Thượng Hải sẽ còn xuống nữa, kéo thị trường thế giới xuống, tạo thành cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Chiến tranh thương mại cũng sẽ làm thay đổi dòng vốn đầu tư. Đối với nhà đầu tư không có biên giới quốc gia, ở đâu sinh lời tốt họ sẽ đến.

Theo tính toán, cuộc chiến thương mại làm kinh tế toàn cầu giảm đi 1-3%. Lý do rất rõ ràng, khi nền kinh tế ổn định, các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào doanh nghiệp, doanh nghiệp phát triển nhiều hơn. Khi nền kinh tế thế giới bất ổn, các nhà đầu tư sẽ có tâm lý thăm dò, phân vân nên giữ tiền mặt hay đầu tư. Tư duy giữ tiền mặt rất nguy hiểm.

- Theo giáo sư cuộc chiến thương mại sẽ leo thang đến đâu?

Chưa biết được chiến tranh sẽ leo thang đến đâu, chiến lược của 2 bên thế nào. Cả phía Mỹ và Trung Quốc đều không biết rõ. Tuy nhiên, Donald Trump với bản tính cơ bản là một doanh nhân, ông ta sẽ có các phép thử để đàm phán có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Nếu nền kinh tế Mỹ đi xuống quá hoặc gặp sự phản đối lớn của đối phương, Trump sẽ đủ sự uyển chuyển, thông minh để rút lại các ý tưởng. Dù vậy, xác định tương lai của cuộc chiến thế nào rất khó, nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Trong bối cảnh xấu nhất, chiến tranh về thương mại sẽ gây ra chiến tranh về hối đoái và tài chính, khi đó sẽ tạo ra sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Trong tình huống khả thi hơn, khi 2 nước “đánh nhau”, họ bị thương đến một mức nào đó hoặc đến thời điểm kinh tế xuống quá sẽ dừng lại.

Về lâu dài, cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ là rất cần thiết.

Tác động đến Việt Nam

- Vậy cuộc chiến sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam thưa giáo sư?

Cuộc chiến có thể tốt cho Việt Nam trong trường hợp xu hướng FDI đổ dồn về Việt Nam nhiều hơn để tránh đầu tư vào Trung Quốc. Hàng chục tỷ USD sắp đầu tư có thể đổi hướng để tránh “bão” Trung Quốc hoặc chính FDI tại Trung Quốc sẽ di chuyển sang Việt Nam. 6 thángđầu năm 2018 FDI vào Việt Nam tăng hơn 11%. Theo lý thuyết FDI vào càng nhiều càng tốt cho Việt Nam.

Ngược lại, Trung Quốc có xu hướng duy trì sản xuất càng nhiều để tránh tình trạng thất nghiệp, trong khi khó xuất sang Mỹ khi đó hàng hóa Trung Quốc sẽ sang Việt Nam nhiều hơn. Tất cả những ngành mà Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc như quần áo, đồ gỗ, dệt may, sắt thép… chắc chắn sẽ gặp bất lợi vì giá thành của Viêt Nam tương đối kém so với Trung Quốc, thiết bị sản xuất cũng chưa chắc bằng.

Không ai biết được tương lai như thế nào nhưng các doanh nghiệp Việt sản xuất những hàng hóa cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn.

- Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm này?

Kể từ khi nền kinh tế mở cửa sau năm 1987, Việt Nam cần vốn phát triển kinh tế nên thời điểm đó mình chấp nhận mọi điều kiện của đối tác nước ngoài. Năm xưa chúng ta không quan tâm đến các vấn đề về sinh thái, môi trường, nhưng thời điểm hiện tại sau 30 năm nhận vốn FDI chúng ta cần rút ra kinh nghiệm khi nhận vốn đầu tư. Thay vì chấp nhận ồ ạt thì chúng ta phải biết chọn lựa, đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm sạch, công nghệ cao, nâng cao quy trình sản xuất trong nước.

Điểm yếu của Việt Nam hiện nay là kỹ năng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao chưa được tốt. Tôi có xem trên truyền hình có một bạn start up đồng hồ rất đẹp, nhưng họ chỉ ghi design in Vietnam nhưng mọi thứ đều phải sản xuất ở Trung Quốc. Bạn đấy thừa nhận Việt Nam chưa thể sản xuất được các linh kiện như vậy. Một người bạn tôi ở Quảng Đông cũng muốn chuyển nhà máy về Việt Nam để tránh cuộc chiến thương mại nhưng chưa được do kỹ năng sản xuất của Việt Nam chưa đủ tinh vi. Nên nếu có cơ may đón hàng chục tỷ USD FDI, khi ngồi vào bàn thương lượng với đối tác nước ngoài chúng ta phải có chiến lược để có được sự phát triển bền vững lâu dài hơn, đưa chất lượng hàng Việt Nam cao hơn cũng như nhận chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường chất lượng vào sản phẩm của mình, xuất khẩu sang các thị trường tốt như thị trường Mỹ, châu Âu. Kim ngạch thương mại Việt – Mỹ rất tốt với khoảng 38 tỷ USD nhưng thị trường châu Âu chưa được khai thác hết.

Một lần nữa trong thương mại, nguyên tắc cơ bản của thương lượng là bình đẳng, đối thoại tránh đối đầu. Việt Nam đang nằm trong danh sách đen của Mỹ do thặng dư thương mại lớn. Thực tế, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đều là những sản phẩm điện tử của các công ty Mỹ sản xuất tại Việt Nam ghép vào sảnphẩm của họ. Như vậy, thặng dư của các doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam không phải đối thủ cạnh tranh. Nếu chúng ta thay đổi tầm nhìn, làm tốt trong thương lượng sẽ không sợ bất bình đẳng.

- Như vậy có lo ngại về một cuộc khủng hoảng năm 2019 không thưa ông?

Bây giờ đừng lo về khủng khoảng. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là lòng tin vào nền kinh tế, giữ thị trường tài chính ổn định. Nếu không có lòng tin vào nền kinh tế, nhà đầu tư sẽ sợ hãi và rút vốn. Như vậy rất nguy hiểm.

Sẽ có những biến động liên tục trên thị trường chứng khoán trong 2 năm tới, nhưng thà có nhiều biến động nhỏ còn hơn một biến động mạnh.

Tại Việt Nam, nếu muốn duy trì ổn định thị trường chứng khoán, tránh các hậu quả, Nhà nước, các công ty lớn nhất Việt Nam phải đưa ra thông điệp trấn an thị trường.

- TTCK Việt Nam lại phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới. Trong khi nguy cơ về cuộc chiến thương mại vẫn còn ở đó, nhà đầu tư có thể tin vào năm 2019 mọi thứ sẽ tươi sáng hơn không thưa ông?

Nếu nói về đầu tư phải trở lại nguyên tắc cơ bản nhất: mục đích đầu tư là gì? Nếu muốn đầu tư an toàn sẽ có những thị trường an toàn hơn. Nếu mình muốn đầu tư thu lợi nhuận cao kể cả có rủi ro một chút thì thị trường Việt Nam rất thích hợp. GDP tăng trưởng tốt, nền kinh tế có nhiều ngành mũi nhọn phát triển.

Việt Nam cần xác định trong 5 năm nữa ngành mũi nhọn nào phát triển tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Những nhà đầu tư thích cảm giác mạnh, đủ kỹ năng nghiên cứu thì đầu tư vào các ngành mũi nhọn sẽ tốt hơn. Nếu không có thể chọn các thị trường an toàn.

Xin cảm ơn ông.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên