MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS Đặng Hùng Võ: “Chúng ta đang bị chia cắt bởi thể chế mà mỗi bộ đều muốn quyền lực của mình cao nhất”

Đây là ý kiến của GS Đặng Hùng Võ trước quan điểm tỏ ra không đồng thuận với Dự thảo Luật quy hoạch đang được trình lên Quốc hội.

Sự chia cắt không phải về pháp luật

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhận định rằng Dự thảo Luật quy hoạch đang không nhận được sự đồng thuận và có rất nhiều ý kiến đề nghị phải sửa đổi. Theo ông, nguyên nhân của việc này không đến từ chia cắt về pháp luật, mà do mỗi bộ ngành, địa phương đều muốn quyền lực của mình phải cao nhất.

“Hiện nay chúng ta không phải bị chia cắt về pháp luật, cách xây dựng quy hoạch, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Chúng ta đang bị chia cắt bởi thể chế mà mỗi bộ đều muốn quyền lực của mình cao nhất, tính quyết định của mình cao nhất. Địa phương cũng như vậy, mỗi địa phương cũng muốn tính quyết định của mình cao nhất. Đấy chính là nguyên nhân hiện nay đang có rất nhiều ý kiến, góc này góc khác không đồng thuận và đề nghị dự thảo luật quy hoạch phải sửa” – ông Đặng Hùng Võ đánh giá.

Chia sẻ một câu chuyện nghe được, ông Đặng Hùng Võ cho biết các bộ và địa phương sợ rằng khi Luật quy hoạch được ban hành thì mình sẽ mất việc. Họ phải tìm mọi dẫn chứng để nói rằng quy hoạch như hiện nay vẫn tốt. Tuy nhiên, đây là cách nhìn thiếu khách quan.

“Bộ này bộ kia sợ rằng luật quy hoạch lập ra thì mình mất việc. Tìm mọi cách để nói rằng quy hoạch cứ như trước thì tốt hơn. Cái “tốt” được nói tới đang nhìn dưới góc độ là không có ý kiến phản ứng, phê bình gì. Nhưng không bị phê bình chỉ có 2 trường hợp: Một là là làm rất tốt; Hai là rất vô tích sự, chả ai cần cả thì sẽ không bị phê bình” – ông Đặng Hùng Võ giải thích.

Đề cập đến nội dung Dự thảo Luật quy hoạch, ông Đặng Hùng Võ cho rằng “không ai giành việc của ai”, nhưng quy hoạch sẽ được “chồng lên nhau” (tích hợp) trước khi trình lên cấp trên phê duyệt. Việc này sẽ khắc phục được hạn chế “quy hoạch trống quy hoạch, quy hoạch chồng quy hoạch” hiện nay.

“Tôi cho rằng bộ nào nào làm việc nào vẫn cứ tiếp tục làm việc ý, không ai giành cái việc đó cả. Chỉ có điều, phải chồng lên nhau đã, thấy khớp và có lý thì mới trình lên 1 bản quy hoạch chung đã được tích hợp. Không trình lẻ tẻ quy hoạch này, quy hoạch khác. Cái chung sẽ bị thiệt hại khi bị chia cắt, phân ra bởi ý định muốn giữ quyền lực của mình nhiều nhất” – ông Đặng Hùng Võ nói.

Phải thay đổi để phù hợp


Đồ họa: Hoài Linh

Đồ họa: Hoài Linh

Đề cập đến tính cần thiết, PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội, thành viên ban soạn thảo cho rằng Luật quy hoạch nên sớm được thông qua để phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện tại. Theo ông Hanh, cách thức lập quy hoạch ở Việt Nam không giống với bất cứ nơi nào trên thế giới vì chính sách hiện nay đã ra đời từ những năm 1990 nhằm phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung.

“Mỗi bộ ngành, địa phương làm một quy hoạch. Hơn 20 bộ là 20 chính phủ, cũng như 63 tỉnh là 63 quốc gia. Ai làm quy hoạch thì rất thích. Nhưng người dân không chịu nổi nữa. Có quá nhiều quy hoạch không biết làm thế nào. Không cải cách sẽ chết” – PGS.TS Trần Trọng Hanh nêu quan điểm.

Thực tế, để được xây nhà, người dân và doanh nghiệp phải tiến hành rất nhiều bước: Tra cứu xem mảnh đất của mình có thuộc khu vực đất ở không tại cơ quan Tài nguyên và Môi trường; tới cơ quan xây dựng để xem quy hoạch hạ tầng,... Nếu mảnh đất thuộc khu vực đất ở nhưng theo bản vẽ của cơ quan xây dựng là một con đường, việc xây nhà sẽ bị dừng lại. Sự mâu thuẫn trong các quy hoạch làm nảy sinh vấn đề tiêu cực - “chạy bản vẽ”.

Ông Trần Trọng Hanh cho biết phương pháp tích hợp đa ngành (được đề cập trong dự thảo Luật quy hoạch) sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề chồng chéo quy hoạch. Một cách đơn giản, có thể hiểu vấn đề này như việc xếp chồng các quy hoạch lên nhau. Nếu có những điểm không trùng khớp thì phải tiến hành sửa chữa ngay trên giấy, tránh xây dựng rồi điều chỉnh và đập bỏ.

Các thành viên biên soạn cũng đã lường trước những khó khăn từ trước khi Dự thảo Luật quy hoạch được trình lên Quốc hội. 7 khó khăn đó là: sự chia cắt sâu sắc; lợi ích một số ngành bị thay đổi; bộ máy Chính phủ đang phù hợp và tương thích với quy hoạch hiện tại; cơ chế phối hợp gặp khó khăn; chưa có điều kiện cần và đủ để tích hợp; năng lực tư vấn; năng lực nhà quản lý. “Nhưng tất cả đều khắc phục được, chỉ còn khó ở nhận thức” – ông Trần Trọng Hanh nói.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên