MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS. Đặng Hùng Võ: Luật Đất đai sửa đổi phải có những chính sách, cơ chế thực sự cởi mở về đất đai, thuế, đầu tư… để du lịch phát triển

06-10-2023 - 07:58 AM | Bất động sản

GS. Đặng Hùng Võ: Luật Đất đai sửa đổi phải có những chính sách, cơ chế thực sự cởi mở về đất đai, thuế, đầu tư… để du lịch phát triển

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung những dự án đô thị, du lịch quy mô vào danh sách thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đi đúng định hướng Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Luật Đất đai 2003 đã từng đưa các dự án phát triển du lịch vào diện Nhà nước thu hồi đất, tuy nhiên sau đó đến Luật Đất đai năm 2013 đối tượng này lại bị loại bỏ. Lý do loại bỏ các dự án phát triển du lịch khỏi danh mục thu hồi đất khi đó là gì, thưa ông? Và việc loại bỏ này gây tác động như thế nào đến việc thu hút đầu tư phát triển du lịch?

Các dự án phát triển du lịch đã được đưa vào diện Nhà nước thu hồi đất trong Luật đất đai 2003. Nghị định 84 năm 2007 cũng đã Luật hóa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đủ điều kiện được Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, đến Luật Đất đai năm 2013 thì quy định này bị loại bỏ.

Lý do là bởi thời điểm đó, không căn cứ vào mục tiêu phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà rất dè dặt trong việc đưa vào Luật Đất đai danh sách các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng các tổ hợp vui chơi giải trí, phục vụ du lịch mang tính kinh doanh. Chính vì vậy, Luật đất đai 2013 đã đưa các dự án phát triển du lịch ra khỏi danh sách các dự án nằm trong diện được thu hồi đất.

Trong khi đó, như chúng ta đã biết giai đoạn từ 2015-2019, du lịch phát triển mạnh mẽ. Nhiều tỉnh thành xem phát triển du lịch là hướng đi tốt, xác định du lịch là mũi nhọn, là ngành kinh tế không khói. Hiểu được tầm vóc, vai trò quan trọng đó của du lịch nên mới dẫn đến câu chuyện, dù pháp luật quy định bất động sản du lịch không thuộc diện được Nhà nước thu hồi đất nhưng do xác định các dự án du lịch là dự án trọng điểm nhiều tỉnh vẫn thu hồi đất và giao đất cho doanh nghiệp. Hệ quả là sau giai đoạn 2019 thì những câu chuyện liên quan pháp lý cho bất động sản du lịch bắt đầu nảy sinh. Khi có yêu cầu rà soát, hàng loạt dự án bị treo do vướng quy định về giao đất. Và hệ quả đến bây giờ những dự án đó vẫn đang tiếp tục treo để chờ khung pháp lý mới.

Hiện nay, Điều 79 về Thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng không đề cập đến các dự án du lịch. Trong khi đó, phát triển hạ tầng du lịch là 1 trong những giải pháp quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như NQ 08 của BCT đã đề ra. Như vậy, rõ ràng cần nhìn nhận các dự án phát triển hạ tầng du lịch là để thúc đẩy kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị vẫn tiếp tục khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay, dù Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh sửa nhiều lần nhưng vẫn bỏ quên các dự án du lịch, khiến những quy định pháp luật đang đi ngược lại với thực tiễn. Chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, như Nghị quyết 18-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, tôi cho rằng Luật đất đai cần phải có quy định cụ thể về đất du lịch. Đồng thời có những chính sách, cơ chế thực sự cởi mở về đất đai, thuế, đầu tư… để du lịch phát triển.

Việc phát triển kinh tế mỗi giai đoạn đều có sự ưu tiên khác nhau. Chúng ta đã xác định kinh tế du lịch là mũi nhọn, thì các dự án du lịch, tổ hợp du lịch phải thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Tôi đã nhiều lần phát biểu góp ý vấn đề này trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, kiến nghị các dự án du lịch như khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng… phải được bổ sung vào diện thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội.

Thực tế trong suốt thời gian qua, hạ tầng du lịch Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, những dự án du lịch lớn có thể quy mô lên tới hàng trăm ha, nếu để nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân sẽ rất khó đạt kết quả. Theo ông, nếu nhà nước đứng ra thu hồi đất để thực hiện các dự án du lịch, đô thị du lịch thì sẽ mang lại lợi ích gì?

Khi dự án thúc đẩy kinh tế du lịch đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội thì phải thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Thậm chí, tôi cho rằng có những dự án được đưa vào Nghị quyết của HĐND tỉnh, Đảng bộ tỉnh thì đây vẫn là một phần lợi ích quốc gia công cộng. Ở những dự án này, chúng ta không nên để nhà đầu tư phải tự thương thảo với người đang sử dụng đất mà nên có những cơ chế hỗ trợ. Ví dụ, nếu nhà đầu tư đã thỏa thuận được với người dân 2/3 diện tích đất, thì 1/3 còn lại Nhà nước sẵn sàng có cơ chế thu hồi đất để đẩy nhanh thời gian triển khai dự án.

Khi Nhà nước thu hồi đất, doanh nghiệp sẽ tiếp cận quỹ đất nhanh hơn so với việc nhà đầu tư phải đi thương thảo với tất cả những người đang sử dụng đất. Chúng ta đều biết, hiện nay thường nhà đầu tư không bao giờ thương thảo được với 100% người dân. Nhưng nếu có cơ chế thu hồi đất thì chắc chắn Nhà nước có thể thu hồi đất để doanh nghiệp tiếp cận đất đai nhanh, đảm bảo phát triển kinh tế cho địa phương.

Thưa ông, cũng tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, hiện các dự án du lịch, đô thị quy mô lớn như vậy cũng chưa có quy định được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong khi đó, những dự án này lại rất cần chọn nhà đầu tư kỹ lưỡng do quy mô lớn, tính chất quan trọng. Cho nên đấu thầu được cho là hình thức phù hợp để chọn nhà đầu tư vừa có tiềm lực tài chính, vừa có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Tôi cho rằng, đấu giá đất là phương pháp bán làm sao được giá cao nhất nhưng tiềm ẩn nhiều hệ luỵ, hậu quả cho nền kinh tế. Quan điểm của tôi là không ủng hộ giao đất thông qua đấu giá. Giao đất thông qua đấu giá sẽ khiến giá đất ngày càng cao, làm cho đầu vào của quá trình sản xuất càng tăng. Từ đó, chi phí giá thành sản xuất hàng hoá tăng càng cao. Hàng hoá sản xuất trong nước mà có giá thành cao thì nền kinh tế trở nên yếu ớt về năng lực cạnh tranh, hậu quả sẽ rất lớn.

Trong phát triển, không nên chỉ chăm chăm chú trọng thu được lợi ích từ việc đấu giá đất mà cần kết hợp hài hoà lợi ích giữa kinh tế, xã hội và môi trường trên cơ sở giải bài toán chi phí lợi ích kinh tế. Một dự án phải có tổng chi phí thấp hơn tổng lợi ích, hay nói cách khác, lợi ích càng cao, dự án càng hiệu quả. Chúng ta nên đi theo cách đó. Còn đấu giá quyền sử dụng đất, chính là ai trả cao thì người ấy thắng. Ngoài chuyện tăng chi phí sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, còn tiềm ẩn việc thao túng thị trường đất đai, đầu cơ thông qua đấu giá, gây hỏng cả thị trường. Thậm chí, nếu chúng ta đẩy mạnh giao đất qua đấu giá sẽ phát sinh nhiều nhà đầu cơ.

Trong khi đó, nếu áp dụng phương thức đấu thầu dự án, chúng ta có thể phân tích được lợi ích toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường… phản ánh đúng những yêu cầu của phát triển đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nam Anh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên