MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS. Hà Tôn Vinh giải mã nhân tố “bí ẩn” có thể khuynh đảo bầu cử Mỹ

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, Giáo sư Hà Tôn Vinh nhấn mạnh việc không thể dựa vào các cuộc thăm dò dư luận để dự báo kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ mà phải đợi "giờ chót".

GS. Hà Tôn Vinh là người Mỹ gốc Việt, đã sinh sống nhiều năm ở Mỹ và là thành viên của Đảng Cộng hoà. Ông từng tham gia vận động bầu cử cho nhiều Thượng nghị sĩ và Dân biểu bang Virginia, và Tổng thống Ronald Reagan và George Bush.

Theo ông, điều gì làm nên điểm đặc biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này?

Đầu tiên đó là sự căng thẳng chưa từng có trên chính trường Mỹ giữa hai Đảng, hai phe: Dân chủ và Cộng hoà. Trước đó, khi ông Trump thắng cử năm 2016, dường như tất cả phía Dân chủ, báo chí đều không tính toán được, hầu như mọi cuộc thăm dò dư luận đều sai. Thành ra, ông Trump trở thành một hiện tượng ở Mỹ.

Sau khi nhậm chức, ông Trump đã đả phá rất nhiều truyền thống cũ về truyền thông, những người làm chính trị và tạo nên ác cảm từ nhiều nhà làm luật, làm chính trị ở Washington, giới báo chí Mỹ.

Tổng thống Trump cũng lật ngược nhiều chiến lược, hoạt động, thỏa ước mà ông Obama trước đây đã đồng ý, như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp định TPP… Điều này tạo nên một làn sóng chống đối ông Trump vô cùng kịch liệt. Đặc biệt gần đến ngày bầu cử, họ đánh rất mạnh vào ông Trump.

Chính vì thế, tôi chưa bao giờ thấy một cuộc bầu cử tổng thống diễn ra mà việc tố cáo nhau, rồi đưa ông Trump ra tòa án luận tội... làm rất mạnh, rất kịch liệt đến như vậy.

GS. Hà Tôn Vinh giải mã nhân tố “bí ẩn” có thể khuynh đảo bầu cử Mỹ - Ảnh 1.

Ông có nhận xét gì về những cuộc thăm dò dư luận sát ngày bầu cử ở Mỹ?

Thứ nhất, dân số Mỹ có khoảng 330 triệu người thì khoảng 257 triệu người đủ tuổi bầu cử và 240 triệu người đủ điều kiện để đi bầu. Mỗi lần, một hãng thăm dò dư luận thì có khoảng từ 800 đến 1.000 người và đó là những người đăng ký đi bầu. Bởi vậy, kích cỡ của các cuộc điều tra, thăm dò dư luận quá bé so với tổng số những người đi bầu.

Thứ hai, đại đa số cử tri đi bầu chọn bầu cử thầm lặng, và không trả lời hoặc không có cơ hội trả lời. Do vậy, chuyện các hãng dự báo sai dựa trên các cuộc thăm dò dư luận như năm 2016 cũng không có gì khó hiểu.

Liệu có nhân tố "bí ẩn" nào có thể ảnh hưởng đến cục diện bỏ phiếu ngày 3/11 năm nay hay không?

Nếu có nhân tố "bí ẩn" thì chỉ là việc người Mỹ đi bỏ phiếu trước đó nửa tiếng, một tiếng, 2 tiếng, 1 ngày, 2 ngày. Đây là điều không thể biết trước. Đó cũng là lý do tại sao ông Trump thắng vào giờ chót năm 2016 khi tất cả các hãng truyền thông, cũng như thăm dò dư luận đều nói trước đó, rằng bà Hillary Clinton sẽ thắng.

Vào những ngày cuối của cuộc bầu cử, đích thân cựu Tổng thống Obama đi vận động cho ứng cử viên Joe Biden ở nhiều bang quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về động thái này và khả năng ảnh hưởng đến phần thắng của Joe Biden?

Nếu nhìn vào chuyện Obama rất tích cực giúp Biden, tôi đoán Obama biết rằng Biden yếu và khó có thể thắng được. Nếu thực sự ông Biden có cơ hội thắng cao thì chắc chắn ông Obama không phải đi từng nơi, từng bang chiến trường để vận động ủng hộ cho Biden như vậy. Thực ra, trong lịch sử bầu cử Mỹ cũng đã có những trường hợp tương tự như vậy, nhưng thường không tích cực như ông Obama.

GS. Hà Tôn Vinh giải mã nhân tố “bí ẩn” có thể khuynh đảo bầu cử Mỹ - Ảnh 2.

Ông nghĩ gì về cơ hội thắng cử của Joe Biden?

Không ai biết trước được điều gì, phải đợi đến giờ chót thôi. Nhưng tôi nghĩ ông Trum có thể thắng cử chứ. Năm 2016, không ai nghĩ rằng Trump sẽ thắng đúng không?

Bà Hillary Clinton đã ở 8 năm trong Nhà Trắng với tư cách Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, rồi còn là Thượng nghị sĩ bang New York, 4 năm làm Bộ trưởng Ngoại trưởng Mỹ, là người có 16 năm có kinh nghiệm trong chính trường... Rất ít ứng viên Tổng thống Mỹ có nhiều kinh nghiệm chính trường như thế được.

Trong khi đó, ông Trump lúc đó không có kinh nghiệm gì về chính trường của Mỹ, cũng như không kinh nghiệm gì ngoại giao và quân sự... Nhưng ông Trump đánh đúng vào tâm lý cũng như tiềm thức của dân Mỹ, muốn hùng mạnh, muốn nhất, muốn hàng đầu thế giới và muốn "trở lại".

Tuy nhiên, không giống như cuộc bầu cử năm 2016, Đảng Dân chủ đã chuẩn bị rất kỹ và không thể chủ quan. Nếu ông Trump có thắng thì đó có thể sẽ là một kết quả sít sao.

Năm nay, kết quả bầu cử Tổng thống sẽ không thể có ngay như mọi năm. Trước ngày 3/11, tổng số người đã đi bầu và bỏ phiếu qua thư là 93 triệu: 61 triệu đã gửi thư và 32 triệu là cá nhân đi bầu trước ở các bang. Vào ngày 3/11, khi bỏ phiếu xong thì phải kiểm từng phiếu một, nên tôi nghĩ phải đến 1 hay 2 tuần nữa mới có kết quả.

Quỳnh Lê – H.L. Đồ họa: Hoài Linh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên