GS Hàn Quốc: Người giàu Seoul còn đau đầu vì giá điện; các bạn định bảo vệ Hà Nội thế nào?
Đó là chia sẻ của GS Young Soo Choi, nguyên Giám đốc Khí hậu và Giám đốc Chất lượng không khí của Seoul (Hàn Quốc) với phóng viên Trí Thức Trẻ khi ông quay lại Hà Nội trong nỗ lực thúc đẩy "Lời hứa...
Hóa đơn tiền điện là chuyện thường được các bà nội trợ ở khu phố Sung Dea Gol, thành phố Seoul mang ra so sánh với nhau. Người có số tiền điện ít nhất sẽ được khen ngợi, được mời chia sẻ kinh nghiệm và được tôn trọng. Tiết kiệm tiền là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn, họ tôn vinh gia đình thắng cuộc vì đã biết sống xanh nhất và yêu Seoul nhất tháng vừa qua.
Và đó chỉ là một phần trong rất nhiều sáng kiến mà người dân Seoul trong 4 năm qua đã, đang áp dụng nhằm thực hiện trọn vẹn " LỜI HỨA CỦA SEOUL".
Vậy "Lời hứa của Seoul" là gì mà đến cả các bà nội trợ cũng thi nhau thực hiện và trở thành "nhân vật chính" chứ không phải các nhà quản lý, quan chức chính quyền?
Phóng viên Trí Thức Trẻ đã có cuộc trò chuyện với GS Young Soo Choi, nguyên Giám đốc Khí hậu và Giám đốc Chất lượng Không khí của Thành phố Seoul, thành viên Hội đồng quản trị "Lời hứa của Seoul" giai đoạn 2015 - 2020, người đang trực tiếp làm việc thành phố Hà Nội nhằm mục đích hỗ trợ Hà Nội tự tin hơn và đưa ra được một lời hứa của chính mình.
Phóng viên: Xin chào giáo sư! Tôi đã chứng kiến ông tự hào như thế nào khi chia sẻ về "Lời hứa của Seoul" trong buổi làm việc với các cơ quan ở Hà Nội. Ông có thể tóm lược lại để độc giả hiểu hơn về nội dung"Lời hứa của Seoul"?
Giáo sư Young Soo Choi: Tôi đến Hà Nội lần này là lần thứ 4. Và lần nào cũng là nhờ "Lời hứa của Seoul" mang tôi đến đây. Rất đáng tự hào đấy chứ.
Đầu tiên, "Lời hứa của Seoul" chính là 1 dự án xã hội do tất cả người dân Seoul cam kết, hay còn gọi là hứa, để từ đó tất cả chúng tôi cùng chung tay thực hiện. Lời hứa đó có rất nhiều yếu tố kỹ thuật, nhưng bạn có thể hiểu rằng, chúng tôi cùng hứa với nhau, bắt đầu từ năm 2015 cho đến 2020 sẽ chung một tầm nhìn là làm mọi việc để Seoul trở thành một thành phố bền vững cho tất cả cho tất cả mọi sinh vật sống.
Từ tầm nhìn chung đó, chúng tôi đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, toàn thành phố giảm được 25% mức carbon đã thải ra trong năm 2015, tương đương với 3,7 triệu tấn năng lượng tiêu thụ (TOE). Và Seoul trở thành một thành phố trong lành, an toàn, đủ khả năng chống chọi với các nguy cơ BĐKH cực đoan.
Đến hôm nay, chưa hết năm 2019, chúng tôi đã làm được những gì? Về mặt năng lượng, thành phố đã tiết kiệm được 3,66 triệu tấn TOE năng lượng, nghĩa là chúng tôi đã cán đích 2020. Seoul trở thành thành phố truyền cảm hứng cho rất nhiều thủ đô ở Châu Á trong việc bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH. Đấy là lý do mà nhờ "Lời hứa của Seoul", tôi đã 4 lần được đến với Hà Nội.
Chúng tôi đến đây để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trong việc cùng nhau lập kế hoạch làm sạch môi trường, thúc đẩy sự tự tin của thành phố các bạn, rằng chúng tôi đã làm được, làm tốt, thì không có lý do gì mà người Hà Nội là không làm được, không làm tốt.
"Lời hứa của Seoul" đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thành phố lớn trên thế giới trong quá trình hoạch định chính sách ứng phó với BĐKH. Ảnh: ICLEI
Phóng viên: Đúng là rất ấn tượng. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn hiểu lý do vì sao mà 1 thành phố phát triển như Seoul lại cần phải có 1 lời hứa cho tất cả mọi người dân?
Giáo sư Young Soo Choi: Bạn đến Seoul rồi đúng không?
Phóng viên: Vâng, trong 1 chuyến công tác 5 ngày.
Giáo sư Young Soo Choi: À phải rồi, Seoul là 1 thành phố của rất nhiều chuyến công tác, những họp hành, những vấn đề bận rộn và to lớn của châu Á cũng như thế giới. Mặc dù trên thực tế, Seoul chỉ rộng có 605km2 thôi, chiếm khoảng 0,6% diện tích lãnh thổ của Hàn Quốc. Tuy nhỏ bé như vậy nhưng dân số thành phố này lên đến hơn 10,2 triệu người và chiếm đến 20% dân số cả nước. Ai cũng hiểu được rằng đây là thành phố quá đông đúc.
Vậy vấn đề của Seoul là gì?
Chắc chắn không có gì khác ngoài ô nhiễm. Cũng tương tự như Hà Nội, Seoul từng là một thành phố ô nhiễm tất cả mọi thứ: từ không khí, nước, đất… Và cả rác thải… Tất cả đều là những vấn đề vốn rất nan giải ở Seoul.
Đã từng có 1 vụ án nổi tiếng ở Seoul khi 7 người dân nộp đơn lên Tòa án kiện chính quyền thành phố vì đã thụ động trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm không khí. Một trong số đó là bệnh nhân viêm phổi mãn tính đã được chứng minh do không khí ô nhiễm. Sau cùng, tòa đã phán quyết cho họ thắng kiện. Chính quyền đã phải bồi thường cho mỗi nạn nhân 3 triệu Won.
Như vậy, ngoài việc phải thay đổi mình ra Seoul còn làm được điều gì nữa đâu. Đó là lý do để hơn 10 triệu người dân thành phố này cùng tham gia vào "Lời hứa của Seoul".
Hơn 10 triệu người dân Seoul đã coi "Lời hứa của Seoul" là lời hứa của chính mình. Nguồn: Tài liệu Promise of Seoul.
Phóng viên: Vậy Seoul đã làm như thế nào để bắt đầu "Lời hứa của Seoul"?
Giáo sư Young Soo Choi: Chúng tôi lấy người dân làm ưu tiên hàng đầu. Mọi cuộc hội họp từ lúc mới bắt đầu cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn chỉ nhằm giải quyết một câu hỏi: Làm thế nào để tất cả cư dân Seoul cắt, giảm phát thải khí nhà kính trong cuộc sống hàng ngày? Và "Lời hứa của Seoul" phải được quản lý như thế nào để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động dân sự?
Từ đó chúng tôi trở thành một cộng đồng chung quyết tâm thích ứng với BĐKH, làm chậm lại những tác động tiêu cực của BĐKH.
Để làm được điều này, ban đầu, chúng tôi thu thập ý kiến của mọi người. Tôi phải nhấn mạnh là ý kiến của mọi cư dân trong thành phố. Tất cả hơn 10 triệu người đều được hỏi, lấy ý kiến và tôn trọng mọi sự khác biệt về cách nhìn và giải pháp. Sau đó, chúng tôi mới lập ra nhóm quản lý, mời người dân và các chuyên gia tham gia cùng để xây dựng và đề ra các cách thức thực hiện "Lời hứa của Seoul".
Phóng viên: Tôi rất muốn biết những giải pháp chính mà người dân Seoul thực hiện là gì?
Giáo sư Young Soo Choi: Đầu tiên, các nhóm quản lý được bầu vào Hội đồng quản trị "Lời hứa của Seoul". Ở vị trí này, chúng tôi không nhận thù lao hay bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Vì chúng tôi đều được trả lương cho công việc của mình rồi. Không ai cần trả tiền để thực hiện lời hứa của chính mình cả.
Hội đồng sẽ tổ chức các hoạt động đánh giá thực trạng rác thải, chất lượng nước, không khí, đất… của toàn thành phố. Khi có số liệu chắc chắn về các nguồn phát thải rồi, thì các chuyên gia, các doanh nghiệp, các NGOs, các cộng đồng dân cư sẽ cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để giảm dần các số liệu phát thải đó theo từng tháng, từng quý, từng năm. Tất cả các mốc thời gian này đều được đo đạc, ghi lại cẩn thận tỷ mỉ…
Các thống kê khoa học đã giúp chúng tôi nhìn thấy tỷ lệ phát thải theo nguồn rất rõ ràng. Nó chỉ ra các hoạt động tiêu thụ năng lượng chiếm 91% lượng phát thải ở Seoul, xử lý nước sạch chiếm 5,8%, các hoạt động sản xuất công nghiệp chiếm 3,1% còn các hoạt động từ nông nghiệp, rừng và đất tạo ra 0,1% lượng phát thải.
Và chúng tôi mổ xẻ các hoạt động phát thải trong lĩnh vực năng lượng thì thấy rằng, ngành xây dựng chiếm 72% tổng năng lượng tiêu thụ. Trong đó, riêng năng lượng điện, xây dựng đã tiêu thụ đến 87% tổng lượng điện của thành phố.
Số liệu này cho tất cả cư dân Seoul hiểu rằng, chúng tôi cần phải thay đổi ngay cách sản xuất và sử dụng năng lượng của mình. Từ đó, chúng tôi đưa ra các nhóm giải pháp quản trị lớn và hành động cụ thể trong mỗi một lĩnh vực.
Phóng viên: Vậy là có vẻ như nhờ thực hiện mục tiêu của Lời hứa mà người dân Seoul đã có được những hành động, những kỹ năng của riêng mình trong vấn đề thích ứng với BĐKH?
Giáo sư Young Soo Choi: Chính xác là như vậy! Có một giải pháp mà tôi nhận thấy rất hiệu quả trong việc chuyển đổi từ nhận thức đến hành động đó là tạo ảnh hưởng lẫn nhau.
Hàn Quốc hay Seoul luôn những chuyên gia rất giỏi trong nhiều lĩnh vực như môi trường, năng lượng, giao thông, điện tử, y tế… Và họ thường nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề. Thành phố Seoul lại rất khuyến khích các chuyên gia này, với những kiến thức chuyên sâu, hướng dẫn cho cộng đồng một cách dễ hiểu, dễ làm, để làm sao cùng nhau trở nên thông minh và bền vững hơn trong mọi vấn đề của đời sống, như là tiết kiệm năng lượng.
Ở chiều ngược lại, có một số bài học trong cuộc sống, mà tôi thấy rất đời thường thôi nhưng hiệu quả hết sức bất ngờ và là những gợi ý rất hay cho các chuyên gia nghiên cứu để nhân rộng mô hình.
Có một nơi được gọi là làng Sung Dea Gol, một khu phố nhỏ ven thành phố Seoul. Tại đây có một nhóm phụ nữ rất thú vị.
Các bà nội trợ là đối tượng rất tích cực trong việc thực hiện "Lời hứa của Seoul". Ảnh: The Korea Times
Thường thì ở Hàn Quốc, phụ nữ sau khi lập gia đình sẽ ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con cái. Nên có thể nói, họ chính là những người quản lý hay quản trị ngôi nhà của mình tốt nhất. Phụ nữ ở Sung Dea Gol thường hay so sánh hóa đơn tiền điện giữa các gia đình với nhau. Họ lưu lại số liệu rất chi tiết cho từng tháng kể từ ngày họ tham gia Lời hứa của Seoul.
Số liệu cho thấy, có những gia đình tiền điện rất cao, tuy nhiên lại có những nhà hóa đơn tiền điện rất thấp. Lúc đó, họ mới bắt đầu hỏi nhau tại làm sao mà chị lại có thể tiết kiệm được điện trong nhà mình như thế? Tôi đã tiêu dùng như thế nào để tháng này hóa đơn tiền điện lại tăng cao như vậy?
Rồi những người phụ nữ này quyết định chia sẻ với nhau bí quyết tiết kiệm điện trong gia đình.
Tôi rất thích những bí quyết nhỏ như thế, bởi vì tôi thấy rằng, điều giúp cho cuộc sống của chúng ta xanh hơn lại nằm ở hành động rất nhỏ của mình. Như chuyện nấu cơm hàng ngày chẳng hạn. Bí quyết này là tôi học được ở vợ mình, mà vợ tôi thì lại học từ chị em ở Sung Dea Gol.
Thông thường khi bật nồi cơm điện, chúng ta sẽ nghĩ "Vậy là xong!" Rồi chúng ta chẳng việc gì phải để ý đến nó nữa. Khi nào đến bữa ăn mới mở nồi, có thể rút ổ điện, có thể không. Điều này rất tiện lợi, nhưng cũng rất tốn điện năng.
Nồi cơm điện khi xong công đoạn nấu, sẽ chuyển sang chức năng làm ấm. Và nếu chúng ta cứ để chức năng làm ấm như vậy trong cả quãng thời gian dài, nó chính là nguồn cơn ngốn rất nhiều điện trong nhà bạn. Nồi cơm điện bản chất của nó đã có thể giữ ấm khi không mở nắp trong thời gian khá lâu. Vậy tại sao bạn phải dùng điện để giữ ấm?
Lại có một phụ nữ nhận ra rằng, bình nước nóng nếu để cả ngày thì nó sẽ trở thành vật tiêu thụ điện rất lớn. Vậy nếu như chúng ta chỉ bật bình nước nóng lên mười lăm phút, sau đó tắt nguồn rồi mới tắm. Hành động nhỏ này vừa giúp bạn an toàn lại vừa rất tiết kiệm điện.
Với các thiết bị gia dụng khác trong gia đình ví dụ như đầu thu phát sóng, tivi, máy tính, bóng đèn, máy sưởi… sự hiểu biết và ý thức của người sử dụng sẽ quyết định phần lớn khả năng sống xanh của bạn như thế nào.
Phụ nữ ở Seoul có rất nhiều bí quyết để tiết kiệm năng lượng cho gia đình. Ảnh: Mari Uye Hara.
Quay trở lại với các bà nội trợ ở khu phố Sung Dea Gol, người có tiền điện ít nhất trong tháng sẽ được khen ngợi, được mời chia sẻ kinh nghiệm và được tôn trọng. Tiết kiệm tiền là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn, ở đây họ tôn vinh gia đình thắng cuộc vì đã biết sống xanh nhất và yêu Seoul nhất tháng vừa qua.
Một gia đình tiết kiệm được khoảng 5 - 10% lượng điện hàng tháng, họ sẽ giảm được số tiền nhất định. Nhưng nếu hàng triệu gia đình, công ty ở Seoul giảm được 5 - 10% lượng điện trong tháng, có nghĩa là thành phố đã giảm được từng đó chi phí sản xuất, chi phí vận hành và năng lượng tiêu thụ. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho "Lời hứa của Seoul".
Phóng viên: Vậy trong số các thành phần dân cư ở Seoul, theo giáo sư đối tượng nào là đối tượng dễ tuyên truyền về các cái hoạt động phát triển bền vững cũng như làm thay đổi hành vi của họ để có thể thực hiện "Lời hứa Seoul" một cách hiệu quả nhất?
Giáo sư Young Soo Choi: Những người có thu nhập cao, người giàu ở Seoul đang là những người có nhiều mong muốn nâng cao chất lượng môi trường sống của thành phố này.
Thực tế là Hàn Quốc cũng áp dụng một thang tính giá điện lũy kế giống Việt Nam. Chúng tôi có đến 5 mức giá điện tùy thuộc vào lượng điện tiêu thụ của khách hàng. Người nào càng dùng nhiều điện thì mức chi trả sẽ càng tăng cao. Giá điện giữa mức IV và mức V ở Hàn Quốc là một mức chênh lệnh rất lớn. Và gần đây thì người giầu ở Seoul thường có xu hướng sử dụng rất nhiều thiết bị điện dẫn đến số tiền chi trả cho hóa đơn điện cũng rất nhiều.
Pin năng lượng mặt trời đang là giải pháp hữu ích cho Seoul trong việc phát triển năng lượng xanh trong thành phố. Ảnh: The Korea Times và Seoul Metropolitan Government
Giải pháp để hội đồng "Lời hứa của Soeul" tiếp cận người giàu đó là khuyến khích họ dùng các tấm pin năng lượng mặt trời và tái sử dụng các loại rác thải hữu cơ. Điều này sẽ giúp người ta có thể giảm lượng điện năng tiêu thụ ở mức V xuống mức IV, III hoặc thậm chí là II. Như vậy, người ta cũng đã tiết kiệm được rất nhiều tiền rồi.
Nghĩa là bản thân người giàu ở Seoul cũng rất quan ngại về chuyện trả tiền điện. Và họ cũng muốn tiết kiệm tiền điện, chứ không phải là người giàu mà người ta không quan tâm đến tiết kiệm. Hơn nữa, người giàu lại có nhu cầu rất cao về chất lượng cuộc sống, bao gồm cả chất lượng môi trường, không khí, nước sạch… Cho nên họ chính là đối tượng mà chúng tôi hướng đến như là những người tiên phong cho phong cách sống xanh, không phát thải. Và họ làm được nhiều điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Phóng viên: Còn cá nhân ông, những hành vi tiết kiệm năng lượng rồi giảm phát thải, giảm rác thải của chính giáo sư hiện nay trong cuộc sống là gì?
Giáo sư Young Soo Choi: Trong gia đình thì tôi có nhiệm vụ phân loại rác và đi vứt rác. Rác thải hữu cơ từ thức ăn thừa, vỏ rau quả… tôi dùng để làm đất cho vợ trồng rau. Còn rác vô cơ thì cứ hai tuần một lần, tôi tập hợp lại để mang đến nơi xử lý. Vợ vẫn gọi tôi là người diệt rác.
"Vợ vẫn gọi tôi là người diệt rác!" ảnh: Ambitious City Promises Ambitious City Promises
Còn trong công việc thì tôi là một giáo sư, những lúc đến trường, đi công tác… thay vì dùng sản phẩm từ nhựa, những đồ dùng một lần… tôi chuẩn bị cho mình bình nước cá nhân và nói không với việc tạo ra rác thải nhựa. Trên giảng đường, sinh viên sẽ luôn nhìn thấy bình nước của tôi, từ đó các bạn ấy cũng đang dần thay đổi.
Đôi khi tôi cũng yêu cầu sinh viên trình bày về những sáng kiến bảo vệ môi trường của họ. Nhiều ý tưởng lạ lắm, nhưng tôi nghĩ, chúng đều cần được tôn trọng.
Có một nữ sinh khiến tôi nhớ mãi. Và thực ra thì tôi vẫn nợ cô ấy một câu trả lời.
Nữ sinh này lựa chọn ăn kiêng để bảo vệ môi trường, tuy nhiên khó khăn mà cô đang phải đối mặt lại đến từ một chú chó nhỏ, thú cưng của cô ấy. Mặc dù bản thân không ăn thịt, nhưng với con chó thì cô phải cho nó ăn thịt. Khi chuẩn bị đồ ăn cho chó, mùi thức ăn luôn như muốn cám giỗ. Tuy đã cố gắng để chưa quay lại ăn thịt, song bạn ấy thực sự băn khoăn. Làm thế nào để có thể duy trì quyết tâm của mình?
Vậy đấy! Tôi chưa thể trả lời được câu hỏi này.
Phóng viên: Đến thời điểm này còn điều gì khiến ông băn khoăn về "Lời hứa của Seoul"?
Giáo sư Young Soo Choi: Seoul thực chất vẫn đang bị động trước mọi thay đổi của môi trường. BĐKH là không thể nào thay đổi, vậy mà chúng ta vẫn cứ chặt cây, phá rừng, đốt nhiên liệu, xả rác hết sức bừa bãi cho điều gì? Cho chúng ta giàu có hơn hay là cho chúng ta bệnh tật nhanh hơn?
Cho nên, khi thực hiện "Lời hứa của Seoul", thực chất là tôi muốn bảo vệ chính bản thân tôi. Tôi thực hiện lời hứa là để bảo vệ những điều quan trọng bên cạnh tôi rồi mới đến bảo vệ thành phố. Rõ ràng lúc này "lời hứa của Seoul" là một động lực rất lớn không phải chỉ cho cá nhân tôi mà còn cho tất cả người dân Seoul. Tôi rất tự hào, nhưng vì thế nên tôi cũng muốn "Lời hứa của Seoul" sẽ luôn tập trung vào những lĩnh vực nhỏ thôi, cụ thể thôi để có thể làm cho tốt hơn là mở rộng ra quá nhiều lĩnh vực.
Khi mà hội đồng thành phố quyết định sẽ mở rộng phạm vi của "Lời hứa của Seoul", tôi vừa mừng lại vừa lo.
Phóng viên: Sau những lần làm việc với Hà Nội, giáo sư đánh giá như thế nào về một lời hứa từ thành phố này?
Giáo sư Young Soo Choi: Vấn đề Hà Nội ô nhiễm hay BĐKH tác động như thế nào đến đời sống con người không cần phải chứng minh nữa, nó đã là điều hiển nhiên. Việc người dân thành phố này ai cũng phải đeo khẩu trang, ai cũng phải chật vật ngay cả với việc hít thở thôi đó là việc ai cũng biết. Không cần Seoul hay bất kỳ một nơi nào đó đến để nói cho Hà Nội về điều này nữa.
Tôi cho rằng Hà Nội phải thay đổi thôi. Đây là thành phố có quá nhiều thứ tuyệt vời để bảo vệ, từ lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, các di sản, các giá trị con người, tự nhiên… Các bạn đang được sống ở một thành phố mà rất nhiều người trên hành tinh này mong muốn. Vậy, các bạn muốn nó sẽ như thế nào?
Dù có muốn Hà Nội thành thế nào đi chăng nữa, thì các bạn vẫn cứ nên ngồi lại cùng nhau, bàn luận, trao đổi để thống nhất lựa chọn một tầm nhìn cho cả thành phố.
Tôi đã làm việc với rất nhiều nhóm cộng đồng, với các NGOs, các cơ quan chức năng của Hà Nội. Và điều mà tôi thấy lúc này là các bạn rất nhiều năng lượng, nhiều giải pháp, nhiều ý kiến... Vậy thì điều quan trọng là các bạn nên thống nhất chúng lại.
Giáo sư Young Soo Choi hỗ trợ Hà Nội kinh nghiệm tiếp thu ý kiến từ cộng đồng để xây dựng tầm nhìn chung bảo vệ môi trường. Ảnh: Ambitious City Promises
Tôi cũng thấy rằng những người đang sống ở Hà Nội đều rất yêu thành phố này. Và giống như Seoul, người Hà Nội sẵn sàng dùng hết khả năng của mình, thậm chí là hơn cả khả năng của mình để thành phố trở nên tốt hơn. Vậy vấn đề ở đây là thành phố cần có cách thức huy động sự tham gia của cộng đồng vào một tầm nhìn chung. Vai trò của người dân cần có được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.
Chúng tôi đã làm việc với UBND phường Nghĩa Tân để có thể cùng họ xây dựng mô hình cộng đồng, mà trong đấy tập hợp rất nhiều giải pháp liên quan đến thích ứng với BĐKH. Thật ra một mô hình không thể giải quyết được vấn đề gì cho các chỉ số môi trường của cả một thành phố. Nhưng rõ ràng nó là một ví dụ rất điển hình. Nó là bài học, là nguồn phát đi cảm hứng cho cộng đồng.
Ở đây, tôi thấy một điều đặc biệt, phường này chia sẻ "đặc sản" của họ không phải là kinh tế mà là giáo dục. Phường đã hỗ trợ phát triển một hệ thống các cơ sở đào tạo chất lượng cao nhờ đó họ có nhiều tiềm năng để giải quyết các vấn đề về môi trường. Họ rất tự hào vì điều đó. Do đó, tôi cũng rất kỳ vọng rằng địa phương này sẽ đạt được những mục tiêu tốt đẹp mà họ đề ra.
Còn về lâu dài, tự người dân Hà Nội sẽ quyết định xem họ có đủ tham vọng và đủ tin tưởng để cùng đưa ra một lời hứa, rồi cùng thực hiện nó hay không.
Phóng viên: Rất cảm ơn những chia sẻ từ giáo sư!
Clip giới thiệu các giải pháp mà "Lời hứa của Seoul" đã thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm cho các thành phố khác trên thế giới.
Trí thức trẻ