GS. Nguyễn Mại: “Cảnh giác với vốn FDI từ Trung Quốc là cần thiết, nhưng cần chọn lọc”
Tại Tọa đàm trực tuyến “Định hướng thu hút FDI trong thời gian tới” do Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức, GS. TSKH. Nguyễn Mại đã nhấn mạnh vai trò không thể chối bỏ của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời đưa ra các khuyến nghị đối với chính sách thu hút FDI trong thời gian tới, trong đó có dòng vốn từ Trung Quốc.
- 29-03-2017Hải Phòng có thêm 6 dự án FDI, mức đầu tư gần 60 triệu USD
- 06-10-2016Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Tôi thực sự giật mình với con số 1.750 dự án FDI làm phân phối"
- 02-02-2016Nhìn lại 35 dự án FDI quy mô "tỷ đô" đổ vào Việt Nam trong 10 năm qua
“Đánh giá FDI cần có cái nhìn lịch sử”
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng hiện nay có ba luồng ý kiến khi đánh giá về vai trò của thu hút FDI trong 30 năm qua kể từ khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài.
Luồng ý kiến tích cực về FDI cho rằng khu vực đầu tư nước ngoài có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, chuyển dịch và hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Ngược lại, ý kiến phản đối cho rằng FDI hầu như không có đóng góp đáng kể nào vào kinh tế Việt Nam mà thậm chí còn tạo ra nhiều tiêu cực, và các doanh nghiệp FDI chèn ép các doanh nghiệp trong nước, gây ô nhiễm môi trường và đóng góp quá ít vào thu ngân sách và GDP.
Trong khi đó, nhóm ý kiến trung dung thừa nhận rằng khu vực FDI có đóng góp tích cực, nhưng ẩn chứa những vấn đề tiêu cực, nếu không theo dõi sẽ gây ra các tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.
Tự xếp mình vào nhóm ý kiến thứ nhất, GS. Nguyễn Mại cho rằng đánh giá vai trò của FDI cần có cái nhìn lịch sử, và lấy các số liệu thống kê để chứng minh cho nhìn nhận của mình, nhất là giai đoạn 2000-2016.
Ông cho rằng, trong 26 năm từ 1991 đến 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân 162 tỷ USD. Tính bình quân mỗi năm giai đoạn 1991-2000 đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 7 năm gần đây là 12 tỷ USD, bằng 6,1 lần của giai đoạn 1991-2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001-2010.
Kể từ năm 2001, sau khi trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, đã có thêm nhiều dự án lớn công nghệ cao, dịch vụ hiện đại của Intel, Nokia, Canon, Samsung, LG làm tăng thêm tỷ trọng của khu vực FDI trong giá trị sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu.
Trong 5 năm gần đây, nhiều dự án có quy mô lớn với vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên, biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao của thế giới như smartphone, máy tính bảng, công nghệ thông tin.
Dẫn các số liệu, GS. Nguyễn Mại cho biết năm 2016, khu vực kinh tế FDI chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, smartphone, linh kiện điện tử... có tỷ trọng cao hơn nhiều.
Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này. Khu vực này không chỉ bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD; đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.
Nếu như thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài chỉ đạt 5,2% trong tổng thu ngân sách năm 2000, thì tỷ trọng này đã tăng lên 18,6% trong năm 2016. Ngoài ra, đóng góp của khu vực FDI vào tổng đầu tư xã hội đã tăng lên 23,8% trong năm 2016.
GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh rằng, những con số thống kê trên thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài ngày càng cao.
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Quang Sơn/BizLIVE
Cần có định hướng và chính sách mới về FDI, tránh ô nhiễm môi trường
Vị chuyên gia về đầu tư nước ngoài nhấn mạnh rằng bối cảnh cả trong nước và ngoài nước đang có nhiều thay đổi, nên cần có những định hướng và chính sách mới về FDI.
Việt Nam đã chuyển thành nước có thu nhập trung bình (thấp), qua đó vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới được nâng cao. Năm 2017, Việt Nam có trên 670.000 doanh nghiệp, với hàng trăm tập đoàn kinh tế mạnh. Ngoài ra, Chính ohur đang có định hướng tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế theo hướng xanh.
Môi trường kinh doanh khu vực cũng biến động khi dòng vốn từ Trung Quốc đang chuyển dịch sang Indonesia và Việt Nam. Đáng chú ý, dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ nổi lên thành đối thủ cạnh tranh mạnh hơn đối với Việt Nam khi quốc gia này có lợi thế về lao động giá rẻ và nhân lực trình độ cao.
GS. Nguyễn Mại cũng trăn trở rằng dự án đầu tư FDI có vốn dưới 1 triệu USD còn chiếm tuyệt đối, nhiều nơi cấp phép cho dự án quy mô dưới 100.000 USD. “Nếu còn có dự án nhỏ ở các địa phương như vậy thì thật sự đáng tiếc”, ông nói.
Xét các yếu tố đó, GS. Nguyễn Mại cũng cho rằng cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương.
Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển thì có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da dày nhưng phải bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường.
Còn đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng thì cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, ông nhấn mạnh.
Giáo sư khuyến nghị điều chỉnh thu hút FDI đối với các ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường như nhiệt điện, gang thép, xi măng và hóa dầu.
Trước việc EVN có kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện, GS. Nguyễn Mại cho rằng Việt Nam không nên tiếp tục đầu tư vào nhiệt điện, bởi theo dự báo, nhập khẩu than mỗi năm lên đến 100 triệu tấn than đến 2025. Thay vào đó, Chính cần tập trung cho năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.
Lấy ví dụ thêm về ngành hóa dầu, GS. Mại cho biết Việt Nam đang có và dự kiến xây dựng 3 nhà máy lọc dầu ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng công suất của các nhà máy này sẽ lên đến 30 triệu tấn dầu/năm, gấp đôi sản lượng khai thác trong nước là 15 triệu tấn.
Chọn đối tác nào để thu hút?
Theo GS. Mại, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã làm thay đổi việc thu hút FDI từ các nước ASEAN và ngoài ASEAN. Do đó cần có định hướng mới về thu hút FDI trong khuôn khổ AEC.
Ông cho rằng Việt Nam cần có chương trình riêng để thu hút FDI từ Nhật Bản và Hàn Quốc để tận dụng công nghệ và kinh nghiệm từ hai nước này. Hiện quan hệ giữa Việt Nam và hai nước đó đang rất tốt, dựa trên lòng tin vững chắc, nên nước ta có triển vọng lớn để thu hút nhiều hơn các tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ hai nước đó.
Đối với các nước EU và Mỹ, GS. Mại cho rằng FDI từ hai đối tác này vẫn còn quá khiêm tốn dù có những chuyển động tích cực trong hai năm gần đây. Ông khuyến nghị cần có chính sách mới nhằm gia tăng từ các nước phát triển, nhất là trong các ngành công nghệ hiện đại phù hợp với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Đối với FDI từ Trung Quốc hiện có xu hướng gia tăng, GS. Mại cho rằng cảnh giác là cần thiết, nhưng cần có định hướng để vừa tận dụng được lợi thế của Việt Nam đối với quốc gia đó về địa lý, quan hệ truyền thống về thương mại và đầu tư, đồng thời đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Có chung quan điểm này, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho rằng cần cảnh giá với đầu tư từ Trung Quốc, nhất là liên quan đến an ninh – quốc phòng, bên cạnh yếu tố môi trường và tác động lan tỏa.
BizLive