MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Mở rộng phạm vi ưu đãi đầu tư đặc biệt sẽ giúp tăng sức cạnh tranh

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Trọng Hiếu

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Trọng Hiếu

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), các gói ưu đãi đầu tư đặc biệt đang được thiết kế không nên chỉ bó buộc trong phạm vi ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, mặt nước.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức họp Hội đồng Thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Môt số chuyên gia nhận định định nếu chính sách này được ban hành sẽ mở ra cơ hội đàm phán sòng phẳng cơ chế ưu đãi giữa nhà đầu tư và Chính phủ Việt Nam, để đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Đồng thời, tăng sức cạnh tranh về thu hút đầu tư của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.

Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) được mời tham dự cuộc họp trên và GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE đã tham gia cho ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Nguyễn Mại để có cái nhìn rõ hơn về quyết sách ưu đãi đầu tư đặc biệt này.

Thưa giáo sư, ông đánh giá thế nào về ‎ý nghĩa của việc xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã nêu giải pháp và nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, có tính cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW cũng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành dự thảo chính sách ưu đãi vượt trội với các yêu cầu như đã đề cập.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt đang được dự thảo là nhằm thể chế hóa nội dung hai Nghị quyết nêu trên. Việc xây dựng và ban hành quyết định này là rất cần thiết để hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, tạo cơ chế thu hút các dự án đầu tư mà Việt Nam đang mong muốn.

Theo ông, các ưu đãi đầu tư đặt ra như nội dung dự thảo đã hợp l‎‎ý?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Dự thảo đã xây dựng chi tiết các mức ưu đãi và tiêu chí để được hưởng ưu đãi. Mức ưu đãi được đặt ra cũng tương đối khả thi. Tuy nhiên, những ưu đãi trong dự thảo mới đề cập đến thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, thuê mặt nước. Để tăng tính cạnh tranh, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng phạm vi ưu đãi, như giảm thuế thu nhập cá nhân trong một vài năm, được trích khấu hao cơ bản nhanh hơn, được giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, đóng vào quỹ công đoàn,…

Nếu có thể, nên xem xét ưu đãi theo hướng cho trích khấu hao nhanh hơn. Như khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện nay là 7 năm có thể rút xuống 2-3 năm. Thời gian đầu giá thành sản phẩm có thể rất lớn nên không có lãi, thậm chí lỗ. Nhà nước có thể cho chuyển lỗ sang các năm sau, như vậy rõ ràng Nhà nước đã có trợ cấp về tài chính một cách gián tiếp.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nên cân nhắc kéo dài thời gian hưởng ưu đãi. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, những dự án đã được hưởng thuế suất ưu đãi trên 20 năm thì nên kéo dài thành ưu đãi cho cả thời gian thực hiện dự án.

Với loại dự án này, mỗi năm giỏi lắm Việt Nam cũng chỉ thu hút được một vài dự án, do đó không nên quá xét nét về việc hụt thu do ưu đãi mà nên quan tâm đến tác động tích cực mà dự án mang lại như chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Còn điều gì mà theo giáo sư cần phải lưu ý?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Các gói ưu đãi đầu tư đặc biệt chủ yếu được xây dựng áp dụng cho các dự án có quy mô vốn cực lớn. Trong khi đó, các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp đã được các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước triển khai khá rầm rộ trong những năm vừa qua.

Điều này đã tạo cơ hội cho hàng vạn kỹ sư, chuyên gia trẻ Việt Nam tiếp cận các phòng thí nghiệm hiện đại nhất thế giới, các phương thức nghiên cứu tiên tiến, được làm việc và học hỏi phong cách của chuyên gia nước ngoài.

Một số tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam như Vingroup, Viettel, FPT, Thaco, ... đã đầu tư rất nhiều để xây dựng các viện nghiên cứu công nghệ cao, thu hút nhân tài trong nước, Việt kiều và chuyên gia hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những trung tâm R&D là dự án FDI độc lập như dự án Trung tâm R&D của Samsung Electronics tại Hà Nội; Trung tâm R&D tại Tổ hợp SEHC ở TP. HCM; Trung tâm R&D của Hãng sản xuất máy tính Hewlett-Packard (HP); Trung tâm R&D; của công ty Robert Bosch Việt Nam hay Trung tâm R&D của Tập đoàn LG, …

Chính phủ cần có quy định ưu đãi đặc biệt đối với loại dự án này, không thể ghép vào như một phần của doanh nghiệp công nghệ cao.

Có lo ngại với tiêu chí cao như vậy, các ưu đãi đầu tư đặc biệt chỉ dành cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội khó tiếp cận do không đủ tiềm lực tài chính. Ông nhận định thế nào về việc này.

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Chính sách ưu đãi đặc biệt không chỉ doanh nghiệp FDI mới được hưởng, mà trên thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nội địa đáp ứng được các tiêu chí đặt ra.

Như đã đề cập ở trên, một số tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam đã đầu tư rất nhiều để xây dựng các viện nghiên cứu công nghệ cao hay trực tiếp tham gia vào các ngành thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư với quy mô vốn thỏa mãn tiêu chí, vấn đề còn lại chỉ là cam kết của doanh nghiệp với Nhà nước.

Ngoài ra, chính sách ưu đãi hấp dẫn sẽ thu hút được những nhà đầu tư chiến lược với những cam kết cụ thể. Điều này cũng chính là góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển vì khi đó doanh nghiệp trong nước sẽ được nhận chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI hay trở thành đối tác cung ứng dịch vụ, hàng hoá, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu vào của doanh nghiệp FDI.

Xin cảm ơn ông!


Theo Anh Phong

Theo Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên