MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được !

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được !

Trao đổi với Trí Thức trẻ nhân dịp đầu năm mới, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris) nhiều lần nhấn mạnh thông điệp quan trọng: “Không gì là không thể”, khi nói về tiềm lực bứt phá mà Việt Nam đã, đang và sẽ có trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế đang giữ vị trí Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) chia sẻ: "Tôi thường khá lạc quan vào môi trường kinh tế. Khi nắm rõ những bất định, chúng ta sẽ có giải pháp trước. Tất cả đều phụ thuộc vào khả năng tư duy để có đối sách phù hợp đảo ngược tình thế. Cứ lo về khủng hoảng rồi chờ đợi thì không giúp được nền kinh tế đâu".

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được ! - Ảnh 1.

Năm 2020, Việt Nam trải qua những thử thách chưa từng có nhưng cũng tạo ra những kết quả khó tin với rất nhiều lời khen ngợi như điều kỳ diệu châu Á, phép màu…. Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông thấy có kỳ diệu nào không?

Điểm có thể gọi là "phép màu" chính là việc Việt Nam vừa có khả năng kiểm soát được sự lây lan của bệnh dịch, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế, tức là thực hiện thành công mục tiêu kép.

Rất nhiều chuyên gia cho rằng không thể vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế được. Nhưng kết quả cuối cùng cho thấy, không có gì là không thể nếu như có những giải pháp hợp lý cho cả nền kinh tế và việc chống khủng hoảng về y tế.

Đây là phép màu mà cộng đồng quốc tế đã đánh giá Việt Nam rất cao. Mới đây, Brand Finance đã đánh giá Việt Nam là nước có bước nhảy về thương hiệu quốc gia lớn nhất. Họ nhận định, Việt Nam có khả năng thích nghi cao, chống dịch tốt, vẫn duy trì để phát triển nền kinh tế và đảm bảo ổn định vĩ mô…

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được ! - Ảnh 2.

Nếu chọn 3 điểm ấn tượng nhất về kinh tế Việt Nam năm 2020, ông sẽ chọn những điểm nhấn nào?

Năm 2020, thế giới bước vào một cuộc khủng hoảng về sức khỏe, dẫn đến khủng hoảng về kinh tế. IMF còn gọi nền kinh tế toàn cầu năm 2020 là nền kinh tế đại phong tỏa.

Hầu hết các dự báo kinh tế đều cho rằng tất cả các nước sẽ gặp khó khăn. Ngay cả những nước có khả năng chống chịu cao với cú sốc từ bên ngoài hay những nền kinh tế có trình độ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo bậc cao cũng gặp khó khăn lớn và rơi vào suy thoái liên miên.

Không ai hình dung được, một quốc gia như Việt Nam lại có khả năng chống chịu cao hơn và có khả năng chèo lái nền kinh tế của mình một cách thành công như vậy. Đó là điểm nhấn thứ nhất.

Thứ hai, Việt Nam năm 2020, bên cạnh môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, không có nhiều biến động về tỷ giá, và lạm phát được kiểm soát ở mức ổn định tương đương với mức trung bình của cả nhiệm kỳ, thì Việt Nam có một bước tiến kỷ lục về xuất siêu.

Cán cân thương mại của Việt Nam năm nay dự kiến thặng dư khoảng 20 tỷ USD, đó là một bước tiến lớn, khi năm thành công nhất trước đó của chúng ta chỉ thặng dư 11 tỷ USD. Ít người có thể hình dung trong điều kiện kinh tế toàn cầu như vậy, nhất là khi tất cả các đối tác thương mại và kinh tế lớn của Việt Nam đều suy thoái sâu, thì Việt Nam lại vẫn có thể đạt mức xuất siêu kỷ lục như vậy.

Tìm hiểu sâu hơn, có thể thấy rằng, chúng ta dần tiến đến xu hướng nhập tốt hơn và xuất tốt hơn. Nhập tốt hơn là tập trung nhập nhiều nhóm ngành hàng công cụ sản xuất, máy móc, thiết bị mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được. Việc phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đang dần có xu hướng giảm đi khi Covid-19 thúc đẩy chúng ta phải tìm cách hạn chế phụ thuộc vào bên ngoài. Xuất tốt hơn ở chỗ, với những mặt hàng chủ lực xuất khẩu của chúng ta, phần giá trị gia tăng được sản xuất tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Thứ ba, một nghiên cứu mới đây của World Bank vào tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam vào nhóm 16 quốc gia mới nổi thành công nhất trong việc chuyển dịch lên nhóm các quốc gia có năng suất cao nhất trên thế giới bên cạnh các nước hàng đầu trong khối OECD.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được ! - Ảnh 3.

Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm hoặc suy thoái rất nặng. Theo anh đâu là nguyên nhân của sự khác biệt đó?

Với việc kiểm soát nhanh chóng được dịch bệnh, chúng ta có nhiều không gian hơn để duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế. Ngoại trừ những nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như hàng không, du lịch… thì những nhóm ngành khác vẫn đạt mức tăng trưởng cần thiết, như nông nghiệp, vốn là bệ đỡ của kinh tế Việt Nam, hay lĩnh vực như chế biến, chế tạo máy móc, thiết bị cũng gia tăng.

Tiếp đến, Việt Nam đã có một năm thành công về xuất nhập khẩu. Lý do là khi kinh tế toàn cầu suy giảm, chúng ta vẫn có những thị trường mục tiêu cần hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là nhiều quốc gia cần thay thế nguồn nhập khẩu của họ từ Trung Quốc. Triển vọng trở thành một trung tâm sản xuất mới ở Châu Á không chỉ giúp tranh thủ được dòng vốn rời Trung Quốc khi các quốc gia khác bắt đầu định vị lại chiến lược sản xuất ở nước ngoài mà còn thúc đẩy các đơn đặt hàng và thương mại quốc tế.

Các quốc gia này cũng mong muốn lựa chọn những đối tác có thể tin cậy được và không ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Việt Nam, với nền tảng chiến lược hợp tác đa phương, hai bên và nhiều bên cùng có lợi, đã tạo được lòng tin chiến lược với các quốc gia khác, rất có lợi thế trong việc thu hút đối tác.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được ! - Ảnh 4.

Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, rất nhiều những điểm yếu về mặt cơ cấu của nền kinh tế của Việt Nam được bộc lộ rõ hơn và yêu cầu phải thay đổi cũng khẩn cấp hơn rất nhiều. Theo ông, những vấn đề nào cần được đặt ưu tiên hàng đầu trong năm tới sau khi Việt Nam cũng phải sử dụng nhiều biện pháp mạnh để kích thích tăng trưởng trong năm 2021?  

Tôi nghĩ đến 3 điểm lớn. Thứ nhất, năm tới đây, bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải tìm kiếm cho mình mô hình tăng trưởng, vừa đáp ứng được tính bền vững, lâu dài, vừa tăng cường năng lực chống chịu của quốc gia với những cú sốc đến từ bên ngoài. Yêu cầu tự chủ được về nguồn nguyên liệu, chuỗi cung ứng chính là bài học lớn nhất mà Covid-19 để lại cho chúng ta.

Đồng thời, chúng ta cũng cần có định vị cao hơn trong chuỗi, không chỉ gia công mà phải xác định sẽ Make in Việt Nam nhiều hơn để đảm bảo giá trị gia tăng cao và vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi.

Thứ hai, chúng ta phải tập trung khai thác thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Rất nhiều mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam có thể được thay thế bằng hàng sản xuất nội địa.

Chính sách tốt sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực sản xuất để cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập vào kinh tế khu vực, kinh tế quốc tế, nhất là thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở rộng không gian cho cạnh tranh lành mạnh cho cả hai phía. Tôi tin người Việt Nam sẽ sẵn sàng và tự hào khi được sử dụng hàng Việt Nam.

Nếu không có thị trường nội địa mạnh, lực lượng doanh nghiệp khoẻ thì Việt Nam sẽ thua thiệt và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng bị bỏ xa. Trong tình huống xấu, cuộc chơi lớn về lợi ích kinh tế sẽ rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là khi họ đang có xu hướng đến Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận từ sự năng động của kinh tế Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được ! - Ảnh 5.

Thứ ba, thế giới sẽ hướng nhiều vào việc ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sâu rộng. Nên cần phải chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực và có chính sách điều phối sự chuyển dịch cơ cấu lao động tốt. Lực lượng lao động không thể mãi mãi tập trung quân số lớn trong ngành nông nghiệp.

Phải tìm cách đào tạo, tạo ra những việc làm mới ở những lĩnh vực khác và chuyển dịch lao động dần sang những khu vực kinh tế có tính chất trọng điểm, đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn. Đó chính là bài toán của chuyển đổi cơ cấu lao động của Việt Nam.

Cần đặt trọng tâm chiến lược và thực hiện quyết liệt như chống dịch. Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ thua thiệt, sợ lạc hậu, sợ mãi mãi đứng ở số 130-140 trong bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người như sợ Covid-19. Lúc đó mới có thể phát triển kinh mạnh mẽ như chống dịch được.  

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được ! - Ảnh 6.

Tại sao nhất thiết phải là Make in Vietnam khi trước đó Made in Vietnam vẫn ổn?

Có hai giá trị quan trọng nhất của Make in Vietnam. Thứ nhất là tinh thần làm chủ khoa học công nghệ, tự làm được những thứ cần thiết nhất cho Việt Nam. Thứ hai, khi đã làm chủ khoa học công nghệ, chúng ta có thể đẩy mạnh lên mức vừa bắt kịp thế giới, vừa tham gia vào nhóm các nước tiên phong trong đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ mới để phục vụ cho việc tăng năng lực canh tranh trong tương lai. Đặc biệt là có thể hợp tác bình đẳng với các quốc gia hàng đầu. Chỉ một bên có lợi thế công nghệ sẽ tạo ra sự không lành mạnh trong hợp tác.

Cách làm phải linh hoạt, không phải mang tất cả về làm ở Việt Nam, mà sẽ làm những thứ quan trọng đối với cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển năng lực cạnh tranh dài hạn của Việt Nam trong tương lai và phát triển những lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Phải tăng tính tự cường của mình lên.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được ! - Ảnh 7.

Sản phẩm công nghệ 5G "Make in Vietnam" là niềm tự hào của đất nước hình chữ S.

Được phát động từ năm 2019, theo quan sát của anh, mức độ hiệu quả Make in Vietnam đến đâu?

Trước hết, Make in Vietnam đã khởi động tinh thần của các doanh nhân Việt Nam rồi. Họ cảm thấy được Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn trong việc thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Như vậy là đã đạt được bước số 1 rồi.

Thứ hai, lĩnh vực này cần có một hệ sinh thái phát triển đầy đủ, phải có những người sử dụng công nghệ, người đầu tư để phát triển công nghệ như các quỹ đầu tư mạo hiểm, có những người chuyên quản trị về đổi mới sáng tạo, có hệ sinh thái xúc tác như các cơ quan nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách, rồi tới các chủ thể chính là các startup. Điều đó chúng ta đã làm được.

Make in Vietnam là một chiến lược lâu dài, cho nên những năm đầu tiên, chúng ta cần làm được những thứ người khác làm được. Đây cũng là kinh nghiệm của Trung Quốc và Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng bắt đầu từ việc làm những thứ mà người Nhật làm được. Trung Quốc thì làm theo tất cả các quốc gia hàng đầu. Từ đó tạo ra nền tảng, hiểu và nắm bắt tất cả các công nghệ hiện hữu.

Giai đoạn sau, có lẽ phải 5 năm nữa, chúng ta mới bắt đầu trở thành bạn hàng hoặc đối tác có khả năng song hành và tiên phong trong một số lĩnh vực. Đó là lúc chúng ta vươn ra toàn cầu mạnh mẽ.

Việt Nam đã làm được nhiều điều khó tin với phòng chống dịch bênh Covid-19, vậy điều này có thể xảy ra với phát triển kinh tế hay không? Nếu có thể thì nó dựa trên những cơ sở nào cho tăng trưởng cao, liên tục trong nhiều năm như Hàn Quốc, Trung Quốc…?

5 năm vừa rồi, so với nhiệm kỳ trước thì kinh tế Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6,8% trong nhiệm kỳ. Tình hình kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn, mức lạm phát trung bình dưới 4% trong khi giai đoạn trước trên 6%, bội chi ngân sách giảm, giá trị đồng nội tệ ổn định so với các đồng tiền lớn. Điều đó thể hiện sức mạnh tài chính. Việt Nam cũng có  bước tiến lớn về tăng năng suất, kể cả năng suất nhân tố tổng hợp và năng suất lao động.

Đầu năm 2016, khi bước vào nhiệm kỳ mới, chúng ta thấy một loạt các thách thức, khó khăn. Sau 4-5 năm, tất cả các chỉ số quan trọng nhất của Việt Nam đều cải thiện và có bước tiến quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn năm 2045 trở thành nước phát triển bền vững, thu nhập cao.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được ! - Ảnh 8.

Thông điệp quan trọng nhất là: "Không có gì là không thể". Năm 2016, chúng ta nghĩ có những mục tiêu là không thể. Nhưng nếu dựa vào những kết quả, thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 5 năm vừa qua, có thể thấy, việc "Không gì là không thể" phải đến từ sự đồng thuận của Nhà nước và nhân dân. Các chính sách đưa ra không chỉ phù hợp với điều kiện tình hình mới mà còn bắt kịp và dự báo được xu hướng thay đổi trong tương lai.

Bên cạnh chương trình chuyển số quốc gia được ra đời, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ còn thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang mô hình hiện đại hơn, dựa nhiều vào tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ở thời điểm lịch sử này tinh thần dân tộc Việt Nam đang bước vào giai đoạn thăng hoa. Người Việt Nam đã có những tiềm năng, đã có những thành tích rất lớn trong bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước trong 4.000 năm lịch sử. Sức mạnh và khát vọng của một dân tộc như thế sẽ trở thành động lực tích cực để con người Việt Nam sáng tạo nhiều hơn, tự cường hơn.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được ! - Ảnh 9.

Một nền kinh tế mở cao như Việt Nam mà bối cảnh thế giới với dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay thì khả năng phục hồi hình chữ V của nền kinh tế sẽ có triển vọng ra sao?

Xác suất có phục hồi hình chữ V là rất cao. Bởi có thể nói là cao trào của dịch bệnh cũng đã đến ngưỡng, thế giới cũng đã bắt đầu quen với môi trường bình thường mới và không còn sợ sệt nữa. Các quốc gia bắt đầu mở cửa lại hoạt động kinh tế, từ đó sẽ đạt được việc tăng trưởng trở lại, dù cho dịch bệnh có kéo dài.

Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng cao đến đâu thì còn phụ thuộc vào một chữ V nữa – đó là vaccine. Vaccine hiệu quả đến đâu, mức độ tiếp cận thế nào và số lượng người dân toàn cầu được tiêm chủng ra sao sẽ quyết định đến cả tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam – với nền kinh tế mở và độ phụ thuộc lớn.

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Việt Nam phải sợ nghèo đói, sợ lạc hậu và thua thiệt… như sợ Covid-19 thì phát triển kinh tế mới mạnh mẽ như chống dịch được ! - Ảnh 10.

Trong năm 2020, làn sóng chuyển đổi số ở các cơ quan chính phủ diễn ra rất mạnh và các giải pháp số cũng được triển khai ở nhiều doanh nghiêp. Nếu đánh giá một cách khách quan, ông thấy đó là một xu hướng có thể tạo ra một nền công nghiệp dịch vụ số mạnh ở VIệt Nam hay đơn thuần là một trào lưu do Covid-19?

Chuyển đổi số là giai đoạn bắt buộc của kinh tế Việt Nam, chứ không phải chạy theo xu thế. Covid-19 là một cú huých. Đó là một trong những cây cầu bắt buộc phải đi qua để tăng hiệu quả của doanh nghiệp, tổ chức và nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu muốn tạo ra nền kinh tế dịch vụ số mạnh ở Việt Nam, thì cần có nhiều yếu tố khác nữa. Cần có tầm nhìn về chính sách đủ rộng, đủ xa để các chủ thể không bị vướng mắc khi khi tham gia vào khu vực kinh tế số, một lĩnh vực còn mới ở nước ta. Điều mà Việt Nam cần làm tốt hơn nữa chính là thiết lập một sân chơi công bằng, minh bạch, tạo điều kiện tốt cho những doanh nghiệp công nghệ Make in Vietnam.

Dự báo cá nhân của ông về kinh tế Việt Nam năm 2021 là gì?

Xác suất cao là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 2,91% của năm nay rất nhiều, ít nhất là phải 6%.

Hiện tại vẫn còn một số yếu tố bất định chúng ta chưa nắm được. Một là tình hình dịch bệnh, tốc độc phổ cập vaccine. Thứ hai là chính sách về thương mại của các quốc gia khi Mỹ có hệ thống lãnh đạo điều hành mới trong 4 năm tới, khi mà Trung Quốc vẫn đang có rất nhiều căng thẳng về biên giới, về địa chính trị với tất cả các quốc gia còn lại trong khu vực và khối kinh tế lớn trên thế giới.

Một nền kinh tế mở như Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các đối trọng về thương mại, vào việc các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu sử dụng những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như thế nào trong thời gian tới đây để khôi phục nền kinh tế của họ.

Hoàng An - Hoàng Ly
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Hoàng An – Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên