GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: Nếu thấy cái gì thế giới hay cũng về áp dụng, Việt Nam sẽ biến thành lực sĩ nhưng mặt hoa, da phấn!
"Việt Nam phải đi con đường riêng của mình chứ không phải theo một nước nào khác. Chúng ta phải có hệ thống quan điểm rõ ràng, rành mạnh, thích ứng với thời đại nhưng kế thừa truyền thống, tinh hoa dân tộc", TS. Nguyễn Quang Thái nói.
- 29-10-2019Giá xăng dầu, thịt lợn tăng kéo CPI 10 tháng tăng 2,48%
- 28-10-2019Việt Nam sẽ có hơn 15.000 triệu phú USD vào năm 2023
- 28-10-2019Ôm trăm triệu USD đau đớn chết bất ngờ, đại gia nổi nhanh lụi sớm
- 28-10-2019Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án nhà máy điện khí hơn 36.000 tỷ đồng
3 hình mẫu tăng trưởng ở châu Á có sự tương đồng với Việt Nam
Nghiên cứu mới nhất của trường ĐH Kinh tế Quốc Dân đã đưa ra 3 hình mẫu tăng trưởng ở châu Á phù hợp với Việt Nam do có sự tương đồng lịch sử.
Cụ thể, đó là Hàn Quốc – đất nước từng có chiến tranh và bị chia cắt; Malaysia – từng bị thực dân đô hộ; và Trung Quốc – có nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Khi phân tích mô hình phát triển của 3 quốc gia này, nhóm nghiên cứu của ĐH Kinh tế Quốc Dân đã phát hiện ra một số đặc điểm chung.
Theo đó, các nền kinh tế đều tăng trưởng liên tục trên 10% trong vòng 20 năm. Đây là mức mà Việt Nam chưa bao giờ đạt được. Nền kinh tế Việt Nam có độ dài tăng trưởng hơn 40 năm nhưng bình quân chỉ khoảng 6%.
Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất khẩu không phải thay thế nhập khẩu của 3 nước này đang đúng với chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay.
Về sức cạnh tranh, 3 nền kinh tế này đều vượt trội ở 3 trụ cột gồm: cơ sở hạ tầng; đổi mới sáng tạo và sự năng động trong kinh doanh.
Về tính riêng biệt, Hàn Quốc tăng trưởng đột phá với chính sách kinh tế linh hoạt, với chu kỳ 5 năm lại có một sự đột phá. Trọng tâm của nền kinh tế này là đầu tư vào R&D, giáo dục bậc cao và cơ sở hạ tầng.
Malaysia lại tăng trưởng ổn định, chu kỳ thường 10 năm, chênh lệch tăng trưởng giữa các năm chỉ 2%.
Trung Quốc là sự tăng trưởng nóng kéo dài hơn 30 năm, nhưng biên độ tăng trưởng lại rất lớn, trải từ 8% - 14%. Trung Quốc cũng là quốc gia thành công từ tiếp thu khoa học công nghệ từ khu vực FDI.
Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Nghiên cứu của ĐH Kinh tế Quốc Dân cho rằng nếu Việt Nam tăng trưởng đột phá như Hàn Quốc thì sẽ phù hợp với bối cảnh hiện nay là công nghệ 4.0.
Tuy nhiên, điểm trừ là Việt Nam cần có một khoảng thời gian để huy động nguồn lực, tiếp cận các cơ hội nghiên cứu, sáng tạo và có thể gặp rủi ro nếu chọn sai hướng đi của công nghệ.
Với tăng trưởng nóng như Trung Quốc, ưu điểm là tạo được thành tự hấp dẫn, tạo khát vọng và động lực cho cả quốc gia và người dân.
Điểm trừ là chỉ áp dụng được với quy mô kinh tế lớn, để lại nhiều hậu quả.
Còn nếu làm theo cách của Malaysia, Việt Nam sẽ tăng trưởng bền vững, kết quả khả quan. Nhưng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ chậm hơn do đòi hỏi phát triển nhiều mặt, nguồn lực bị phân tán.
Bình luận về nghiên cứu này, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái cho rằng con đường đi của Việt Nam phải dựa theo một mô hình đúng đắn của riêng mình.
"Việt Nam theo mô hình một ít của Hàn Quốc, một ít của Malaysia hay một ít của Trung Quốc thì có lẽ đấy chỉ là một định lượng. Nhưng Việt Nam phải đi theo con đường của Việt Nam chứ không phải con đường của một nước nào khác", ông nói.
Theo đó, ông Thái cho rằng Việt Nam cần phải có hệ thống quan điểm rõ ràng, rành mạch và thích ứng với thời đại nhưng kế thừa tất cả truyền thống, tinh hoa dân tộc.
"Còn nếu chúng ta cứ nhìn ra thế giới có gì hay mà áp vào thì Việt Nam đang biến mình thành lực sĩ nhưng mặt hoa da phấn. Việt Nam phải tìm cái gì thích ứng với mình", ông nhấn mạnh.
Mặt khác, TS. Nguyễn Quang Thái đồng tình với quan điểm Việt Nam phải phát triển cao và nhanh. Mức tăng trưởng trung bình 6% trong 30 năm theo ông thì không phải nhanh khi nhìn ra thế giới, các quốc gia có tiềm năng đều tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm.
"Nếu chúng ta không đẩy nhanh tốc độ và con số tăng trưởng cao thì không thể nào bứt phá, đuổi kịp các nước được", ông nói.
Dù vậy, tăng trưởng phải đi kèm chất lượng, ông nhấn mạnh. Nghĩa là tăng trưởng nhanh, cao nhưng phải bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường...
Quan điểm này theo ông Thái sẽ đòi hỏi đổi mới về thể chế, đổi mới toàn diện đất nước. Việt Nam cũng không chỉ tiến lên một cách mạnh mẽ mà còn phải phát triển đồng hành cùng thế giới.
"Việt Nam độc lập tự chủ nhưng phải trong hội nhập. Mình không thể đứng một mình được mà phải tham gia vào chuỗi toàn cầu", ông nói.