MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi 10.000 tỷ đồng lấy lãi, doanh nghiệp hàng đầu về dịch vụ kỹ thuật dầu khí đang kinh doanh ra sao?

12-05-2023 - 14:59 PM | Doanh nghiệp

Công ty có khả năng thực hiện thiết kế chi tiết bởi 100% các kỹ sư Việt Nam cho các công trình dầu khí biển trong và ngoài nước.

Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - mã chứng khoán PVS) được thành lập trên cơ sở triển khai Quyết định số 458/TTg ngày 24/11/1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án xây dựng căn cứ dịch vụ dầu khí Vũng Tàu.

Doanh nghiệp này là tổng công ty hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí, công nghiệp tại Việt Nam, thương hiệu lớn trên thị trường dịch vụ dầu khí, công nghiệp trong khu vực.

PTSC là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cơ khí dầu khí cho các công trình ngoài khơi thuộc các dự án khai thác và phát triển mỏ tại Việt Nam. PTSC hiện tại đã có khả năng thực hiện thiết kế chi tiết bởi 100% các kỹ sư Việt Nam cho các công trình dầu khí biển trong và ngoài nước.

PTSC đã thực hiện gần 60 dự án EPC/EPCI đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả và được các khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao, như: Talisman, Premier Oil Vietnam, Petronas, British Petroleum, Cửu Long JOC, Hoàng Long JOC, Biển Đông POC, Thăng Long JOC, Lam Sơn JOC, Total E&P, ONGC,…

Gửi 10.000 tỷ đồng lấy lãi, doanh nghiệp hàng đầu về dịch vụ kỹ thuật dầu khí đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Theo báo cáo của PTSC, doanh thu thuần của công ty trong 3 tháng đầu năm đạt 3.704 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 3.769 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí đạt 336 tỷ đồng; dịch vụ cơ khí, đóng mới và xây lắp đạt 2.131 tỷ đồng; dịch vụ cung ứng kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO, FPSO) đạt 448 tỷ đồng, còn lại đến từ các dịch vụ khác.

Giá vốn bán hàng của công ty là 3.500 tỷ đồng, trong đó, giá vốn hợp đồng xây dựng là 2.053 tỷ đồng, giá vốn của dịch vụ đã cung cấp là 1.426 tỷ đồng, phần còn lại là giá vốn của hàng hóa đã bán.

Hoạt động tài chính mang về 147 tỷ đồng, tăng gần 71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phần lớn đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay, đạt 110 tỷ đồng. Lãi chênh lệch tỷ giá là 36,6 tỷ đồng.

Chi phí tài chính của PTSC cũng tăng 2,4 lần lên 51 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay chiếm gần 40% với xấp xỉ 20 tỷ đồng. Lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt hơn 157 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ.

PTSC ghi nhận lãi trước thuế 267 tỷ đồng và lãi sau thuế 228 tỷ đồng trong quý I, lần lượt giảm 14,3% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Theo giải trình của công ty, lợi nhuận quý 1 giảm do thu nhập khác giảm so với quý 1/2022 do trong quý 1/2022 có phát sinh thu nhập từ thanh lý tài sản cố định.

Theo thống kê, tính đến hết ngày 31/3, tổng tiền và các khoản tương đương tiền của công ty đạt hơn 5.270 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiền gửi ngân hàng (bao gồm cả ngoại tệ) có giá trị 3.654 tỷ đồng. Các khoản tương đương tiền của công ty thể hiện các khoản tiền gửi VND có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại với lãi suất từ 3,1 - 6,3%/năm.

Tiền gửi có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng tại ngân hàng thương mại với lãi suất 4,1 - 10,3%/năm của công ty đạt gần 4.925 tỷ đồng. Tổng số tiền mà PTSC đang gửi ở ngân hàng tổng cộng lên tới 10.196 tỷ đồng, chiếm 63% tỷ trọng giá trị tài sản ngắn hạn thời điểm cuối tháng 3 và chiếm gần 40% tổng tài sản của PTSC. Tổng nợ phải trả giảm nhẹ sau 3 tháng, ở mức 12.494 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 8.568 tỷ đồng.

Cơ cấu chủ sở hữu tính đến hết quý 3 của công ty, Tập đoàn Dầu khí Việt nam nắm giữ 51,38%, tương đương phần vốn góp là 2.455,65 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ cổ đông khác. Tổng vốn chủ sở hữu đạt hần 4.780 tỷ đồng.

Theo Pha Lê

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên