Gửi cả trăm nghìn tỷ vào ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhận được bao nhiêu tiền lãi?
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tăng mạnh thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.
- 10-11-2022Lấy tiền bồi thường gửi ngân hàng để hưởng lãi
- 09-11-2022Lãi suất tăng cao, gửi 3 năm hưởng lãi gần 30%: Người dân ồ ạt gửi tiền ngân hàng
- 07-11-2022Cảnh báo rủi ro việc ngân hàng thu hút tiền gửi bằng lãi suất
Do đặc thù kinh doanh, các doanh nghiệp bảo hiểm là những đơn vị sở hữu lượng tiền gửi rất lớn tại ngân hàng. Số tiền này được hạch toán vào các khoản đầu tư tài chính và tiền gửi thanh toán dùng để chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Trên sàn chứng khoán, hiện có 9 cổ phiếu bảo hiểm đang niêm yết, gồm Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Bảo hiểm PVI (PVI), Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo hiểm Quân Đội (MIG), Bảo Hiểm Bảo Minh (BMI), Bảo hiểm Petrolimex (PGI), Tái bảo hiểm PVI (PRE), Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR) và Bảo hiểm BIDV (BIC).
Tại Tập đoàn Bảo Việt , tiền gửi ngân hàng là bộ phận tài sản lớn nhất với gần 102.600 tỷ đồng, tăng gần 15.300 tỷ so với cuối năm trước (tương đương 17,5%). Trong đó, tiền gửi ngắn hạn là gần 92.000 tỷ và tiền gửi dài hạn ở mức hơn 10.600 tỷ. Ngoài ra, tập đoàn này còn sở hữu 678 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng dưới dạng tiền gửi thanh toán, tương đương tiền.
BVH cho biết, ngoài các hợp đồng tiền gửi tại ALCII, VFC đã quá hạn, các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tại các tổ chức tín dụng có thời hạn gốc trên 3 tháng và thời gian đáo hạn không quá 1 năm và có mức lãi suất từ 3,9% đến 7%/năm. Các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND có thời gian đáo hạn trên 1 năm và được hưởng lãi suất từ 5,2%/năm đến 10,5%/năm.
Trong 9 tháng đầu năm, BVH ghi nhận khoản lãi tiền gửi gần 3.919 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp hơn một nửa doanh thu tài chính của doanh nghiệp này. Riêng quý 3, BVH được hưởng khoản lãi tiền gửi gần 1.406 tỷ đồng, tăng gần 25,7% so với cùng kỳ.
Báo cáo tài chính quý III cho thấy, Bảo hiểm PVI có gần 5.518 tỷ tiền gửi có kỳ hạn ngắn và 603 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngày còn sở hữu hơn 494 tỷ đồng tiền gửi thanh toán. Tổng cộng, PVI đang có 6.615 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng vào cuối tháng 9, giảm 657 tỷ so với hồi đầu năm.
Trong 9 thàng đầu năm, PVI ghi nhận khoản lãi tiền gửi và cho vay lên tới 312,2 tỷ đồng, chiếm gần một nửa doanh thu của hoạt động tài chính.
Với Bảo hiểm Bưu điện , công ty này sở hữu 3.561 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn và hơn 134 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi tại thời điểm cuối tháng 9. Ngoài ra, PTI cũng gửi gần 73 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dài và hơn 90 tỷ tiền gửi không kỳ hạn. Tổng cộng, Bảo hiểm Bưu điện có 3.858 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng, giảm 372 tỷ so với cuối năm 2021.
Trong 9 tháng đầu năm, PTI nhận được gần 85 tỷ đồng lãi tiền gửi, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đóng góp hơn 73% tổng doanh thu tài chính của công ty.
Tại Bảo hiểm Quân Đội , công ty sở hữu gần 43 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và 1.847 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại thời điểm cuối quý III. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn ngắn của MIG đang được hưởng lãi suất dao động 4,8 – 7,15%/năm, còn kỳ hạn dài nhận lại suất 7 – 8,25%/năm.
Báo cáo tài chính cho biết, MIG thu về 93,6 tỷ đồng lãi tiền gửi và ủy thác đầu tư, chiếm 65% doanh thu hoạt động tài chính trong 9 tháng đầu năm.
Vào cuối quý III, Bảo hiểm Petrolimex có hơn 2.984 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm và hơn 84 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, tăng hơn 250 tỷ so với hồi đầu năm. PGI không công bố số tiền lãi nhận được từ các khoản tiền gửi ngân hàng, song doanh nghiệp này ghi nhận 57,7 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính trong 9 tháng đầu năm với chủ yếu do lãi tiền gửi đóng góp.
Với Tái bảo hiểm PVI , công ty này có gần 58,6 tỷ tiền gửi không kỳ hạn, 1.237 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và 68 tỷ đồng tiền gửi dài hạn vào cuối tháng 9. Ba quý vừa qua, PRE thu được 54,8 tỷ đồng lãi tiền gửi, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tái Bảo hiểm Quốc gia vào cuối tháng 9 có hơn 85,3 tỷ đồng tiền gửi thanh toán, 2.453 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn và 66,3 tỷ đồng tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dài. Doanh nghiệp này không thông tin chi tiết về các khoản lãi tiền gửi nhận được trong báo cáo tài chính quý III.
Trong khi đó, Bảo hiểm Bảo Minh và Bảo hiểm BIDV không thuyết minh chi tiết số tiền gửi tại ngân hàng tại thời điểm cuối quý III và số tiền lãi thu về trong 9 tháng đầu năm.
Lãi suất tiền gửi tăng mạnh, doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi
Theo giới phân tích, doanh nghiệp bảo hiểm là nhóm hưởng lợi nhiều nhất trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng. Cụ thể, do doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư tiền vào các tài sản có thu nhập cố định như tiền gửi và trái phiếu nên nhận được các khoản thu thường xuyên mà không cần quan tâm quá nhiều đến kết quả kinh doanh của đơn vị phát hành.
Theo Agriseco Research, trong môi trường lạm phát tăng cao, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm thường khởi sắc hơn. Nguyên nhân là do (1) Lạm phát làm tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế khiến nhu cầu về bảo hiểm lại tăng lên; (2) Tỷ trọng các khoản tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp các doanh nghiệp này được hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất có thể tăng lên để kiềm chế lạm phát. Đáng chú ý, với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như BVH, lãi suất kỹ thuật (lãi suất TPCP kỳ hạn trên 10 năm) tăng sẽ giúp chi phí trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng kí mới giảm, và qua đó giúp cải thiện lợi nhuận và gia tăng vốn chủ sở hữu.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán FPT mới đây cũng nhận định, lãi suất tiền gửi được dự báo quay trở lại mức trung bình trước dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2023 sẽ tác động tích cực đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Tính đến hết tháng 6/2022, tiền gửi đang chiếm 74% tổng danh mục đầu tư của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết.
Nhịp sống Thị trường