MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời

22-03-2019 - 09:49 AM | Sống

Rồi sẽ đến một ngày bạn nhận ra, hạnh phúc của cuộc đời chỉ đơn giản là đi bộ mà không cần nạng, được ăn uống mà không cần ai chăm bón, được thở bằng mũi miệng của chính mình mà không cần bất cứ dụng cụ nào cài cắm lên người.

Câu chuyện #1:

Trong một lần đi công tác tại Đà Nẵng, tôi được gặp anh Dũng - một nhiếp ảnh gia sở hữu loạt artworks vô cùng ấn tượng. Với tài năng, sự cầu tiến cùng thái độ làm việc chăm chỉ này, lẽ ra Dũng đã phải có một sự nghiệp hoành tráng hơn thay vì chỉ là một freelancer như thời điểm đó. Thậm chí nếu ở Sài Gòn, tôi dám cá tên của anh sẽ xuất hiện ở mọi album lookbook của các shop lớn nhỏ khác nhau.

Trước thái độ tò mò của tôi, Dũng kể lại câu chuyện một năm về trước. Khi đó anh vừa vào một công ty quảng cáo. Môi trường làm việc đòi hỏi sự chuyên nghiệp, đã vậy còn là ma mới nên Dũng cố gắng làm việc hết 200% sức lực để chứng tỏ bản thân. Anh cắt giảm tối đa giờ ngủ xuống chỉ còn 3 tiếng/ ngày, cứ 4h sáng chợp mắt rồi 7h lại bật dậy hùng hục với guồng quay công việc. Sáng uống cà phê cho tỉnh táo, trưa nốc bò húc rồi nhai vội vài miếng snack, tối gặm bánh mì uống bò húc, khuya thì ăn mì gói và… vẫn là bò húc. Lâu lâu đổi vị thì ăn fastfood.     

Một hôm vừa về đến nhà, Dũng bỗng thấy miệng mình có vị mặn mặn, khạc thử thì thấy cả một bãi máu tươi. Chỉ vài giây sau, anh rơi vào trạng thái “hộc máu sấm sét”. Tức kiểu máu trào qua đường miệng liên tục và không thể dừng được. 3 phút sau, Dũng đã bất tỉnh ngay trên vũng máu vừa tuôn ồng ộc từ chính mình.

Lúc đó may là anh được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ bảo chỉ trễ 10 phút nữa thôi là tiêu luôn rồi. Xét nghiệm thì phát hiện bị lao màng phổi. Đây là kiểu bệnh gần như ai cũng có, nhưng mà khi người yếu, thiếu chất, áp lực, lao lực thì nó sẽ bùng phát mạnh.” - Dũng kể lại.

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời - Ảnh 1.

Trước khi câu chuyện này xảy ra, Dũng còn là kiểu người hết sức YOLO và vẫn tin rằng “sống chết có số". Tuy nhiên khi đã thực sự cận kề với cái chết, anh mới thức tỉnh và học cách giảm tốc độ lại. Sau khi ra viện, anh tốn 9 tháng tiếp theo để uống kháng sinh và khử độc khỏi cơ thể. Toàn thân phù nề, da vàng khè, mồ hôi lúc nào cũng đầm đìa là những phản ứng phụ mà Dũng phải chịu đựng trong thời gian đó.

Cái mà nhiều người trẻ bây giờ gọi là làm việc nhiều và năng suất thật sự chỉ là ảo vọng tự mình nghĩ ra rồi biện hộ cho lối sống buông thả của bản thân. Trước đây anh sống kiểu nghĩ rằng mình không có gì để hối tiếc, nhưng đến lúc hộc máu và suýt tắc thở, cuốn phim cuộc đời như được tua lại, thấy còn quá trời thứ mình chưa làm được. Lúc đó hối hận lắm. Mở mắt ra thấy trần nhà trắng bóc tưởng chết rồi, định thần lại thì thấy đang ở bệnh viện. Khóc quá trời luôn.

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời - Ảnh 2.

Câu chuyện #2:

Ai từng làm việc tại Y. - một kênh thông tin dành cho giới trẻ hẳn đều biết đến chị Th., người phụ trách mảng graphic design cho đơn vị này. Tính chất công việc cũng như khối lượng các nhiệm vụ dày đặc bắt buộc chị phải làm việc liên tục, có khi quần quật đến 20 tiếng/ ngày. Và tất nhiên, càng vào những dịp lễ tết hay có sự kiện thì áp lực càng nhiều hơn gấp bội.

Hai năm trước, 29 Tết, chị treo status: “Cố lên, sắp xong việc rồi. Chỉ một chút nữa thôi là sẽ được về quê với mẹ.” Tối hôm đó, chị đột quỵ ngay tại bàn làm việc trên công ty. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu chính chuỗi ngày chiến đấu không ngơi nghỉ vừa rồi đã khiến chị phải chợp mắt một giấc dài đến thế.

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời - Ảnh 3.

Đọc lại những dòng tự động viên của chị mà nhiều đồng nghiệp trong công ty thẫn thờ. Chẳng ai ngờ rằng “một chút" kia đã lấy đi của họ một người đồng nghiệp tốt tính, đã cướp mất của một gia đình nơi phương xa đứa con gái thân thương ngay trước thềm giao thừa. Và có lẽ đến cả những cái tết về sau, sự mất mát quá lớn này vẫn sẽ khó mà nguôi ngoai cho hết.   

Câu chuyện #3:

Ở tuổi 25, khi đang trên đà phát triển sự nghiệp và chuẩn bị được đề bạt lên một vị trí cao hơn thì chị K.- sếp cũ của tôi, quyết định tạm dừng tất cả những gì đang làm để thực hiện một việc vô cùng quan trọng với chị. Đố bạn biết đó là gì? Đi du học? Lấy chồng? Start-up? Phẫu thuật thẩm mỹ? Không không, câu trả lời chính là đi… tập thể dục.

Suốt 7 năm ở vị trí Biên tập viên của một tờ báo, sếp tôi đã làm việc bằng cả năng lượng tuổi trẻ. Những kì báo sắp in luôn đi kèm theo những đêm trắng chong đèn chỉnh sửa cả ngàn chữ. Việc ngồi quá nhiều mà không có thời gian vận động, ăn uống lại thả cửa khiến cơ thể chị luôn trong trạng thái tăng cân vùn vụt. Ngày tôi vào toà soạn, tên chị còn thường bị vài anh chị khác vô tư ghép với một loạt những tính từ không mấy lọt tai như “mập", “ù", “lùn", “heo"...

Khi đã cảm thấy quá chán ngán với tất cả, chị buông bỏ những gánh nặng và bước vào phòng gym để đi tìm một phiên bản tốt hơn của mình. Những ngày đầu chắc chắn là chật vật. Hai tháng đầu tiên sếp tôi chỉ muốn bỏ chạy. Buổi tập nào cũng mồ hôi pha với nước mắt, người ngợm thì đau nhức, ê ẩm vì căng cơ. Nhưng sau 9 tháng, chị trút bỏ được 14 kg mỡ thừa ra khỏi cơ thể trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người.

Đến nay đã được 3 năm, người sếp “béo xinh" mà tôi biết năm nào giờ đã lột xác thành một cô gái khoẻ mạnh, thon gọn và hạnh phúc. Chị không phải thỏ thẻ hỏi nhân viên trong các shopping mall về những bộ quần áo size L hay XL, cũng chẳng phải nghe bất kì ai gọi mình bằng những biệt danh khiếm nhã. Cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần thoải mái giúp chị có nhiều năng lượng để vẫy vùng và sáng tạo hơn trong công việc.

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời - Ảnh 4.

Từ một người bị công việc “giật tóc móc mắt” và suýt trở thành nô lệ của guồng quay bận rộn, sếp tôi đã phản kháng lại mạnh mẽ để có thể trở thành một người phụ nữ vừa hạnh phúc với sự nghiệp nhưng vẫn không bỏ quên bản thân mình như ngày hôm nay.

Con đường này rất dài, gian nan là tất yếu, chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên quan trọng trong cuộc đời mình.

Trong 8 năm đi làm, không biết bao nhiêu lần tôi được nghe người khác rủ rỉ báo những tin kiểu như anh A đột quỵ vì lao lực hay chị B phải đi truyền nước biển vì mất sức. Như nhiều người trẻ khác, tôi từng xem nhẹ những chuyện như thế vì nghĩ rằng đó là vấn đề xa tít đâu đâu, chẳng liên quan gì đến mình. Nhưng rồi nỗi sợ hãi trước bệnh tật, trước thuốc men và cả cái chết sẽ hiện lên rất rõ khi bạn thấy chiếc ghế bên cạnh mình giờ đây chẳng còn ai ngồi, khi không còn những dòng tin nhắn đến từ một cái tên quen thuộc nào đó, hay người vừa ngã xuống chính là cậu bạn thân nhất của bạn chẳng hạn.

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời - Ảnh 5.

Anh Dũng, chị Th. và chị K. đều là đại diện quen thuộc của những người trẻ thành thị. Họ có năng lực, được làm việc trong môi trường tốt và muốn thể hiện bản thân hết mình. Cả 3 đều đã từng sống chết với công việc, trút hết cả mồ hôi, nước mắt và máu để làm tròn bổn phận của bản thân. Có người thì kịp chậm lại để còn nhìn thấy trời xanh trước mắt, có người phải bị “vật" một lần cho tởn thì mới tỉnh ngộ, nhưng cũng có người đã lỡ bước hụt một chân và mãi mãi không thể trở lại nữa rồi.

Thật buồn cười khi bạn nói với ai đó ở độ tuổi 20+ rằng hãy làm việc vừa phải thôi, điều đó chẳng khác gì việc dặn một đứa trẻ đang tập đi là phải ngồi im một chỗ. Nhưng liệu chúng ta có thật sự cần phải hi sinh cuộc sống cá nhân, đánh đổi sức khoẻ, thậm chí đặt cược cả mạng sống của mình cho đam mê, cho công việc hay không? Ông bà ta có câu “sinh nghề tử nghiệp", tôi đoán rằng đây chính là một cách nói khác cho câu “chết vì đam mê" mà nhiều người vẫn ra rả bên tai chúng ta mỗi ngày.   

Trong buổi phỏng vấn với CEO của một start-up đang lên, khi được hỏi về áp lực và cường độ cao ở những công ty khởi nghiệp, anh đã trả lời rằng: “Công việc có thể căng thẳng vì chúng tôi cầu toàn và có những chuẩn mực cao. Nhưng sau 6h chiều, tôi muốn nhân viên của mình phải dẹp bỏ hết những trách nhiệm này để sống một cuộc đời không dính dáng gì đến công ty.

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời - Ảnh 6.

Lao đến phòng tập gym, nghỉ ngơi thư giãn, bar pub hay gì cũng được. Con đường này rất dài, gian nan là tất yếu, chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên quan trọng trong cuộc đời mình. Sếp nào cũng muốn nhân viên làm việc hết mình, tôi cũng vậy. Nhưng tôi không muốn mọi người đánh mất sức khoẻ, sự sáng tạo cũng như tinh thần. Đó là di sản của mỗi cá nhân, là thứ không thể mua được bằng tiền và cần phải được tái tạo, trau dồi.

Ngày hôm nay, bạn có thể chọn làm việc 16 tiếng và nghĩ rằng “chỉ một ngày thôi, mai sẽ khác.” Nhưng đừng quên rằng cuộc sống là tổng số của mọi lựa chọn. Nếu cứ âm thầm cơi nới những chuẩn mực, co kéo từng giờ ăn, giấc ngủ vì không muốn bị bỏ lại phía sau thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ là người đầu tiên phải dừng bước vì kiệt quệ.

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời - Ảnh 7.

Sự nghiệp, công việc mà bạn đang có thật ra cũng chẳng khác gì một đường chạy. Bạn muốn mình là một vận động viên chạy bền, kiên trì và ngày một tiến xa hơn hay trở thành một vận động viên cắm đầu cắm cổ chạy đến đứt cả hơi nhưng rồi cũng chỉ được một quãng ngắn?

Việc hôm nay chưa xong cũng không nhất thiết phải giải quyết ngay lúc 3, 4h sáng (hỏi thật, bạn nghĩ sẽ có người check-mail cho bạn vào rạng sáng à?). Đang đi xe mà có điện thoại báo gì đó gấp cũng không cần một tay vừa lái một tay vừa trả lời tin nhắn. Đã ngồi vào bàn ăn thì tập trung nhai kĩ và ăn cho ngon chứ không nghĩ ngợi lung tung đến buổi họp trước mắt.

Công việc có tốt đến mấy, có giúp bạn kiếm nhiều tiền nhiều đến bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại những tổn thất về sức khoẻ, tinh thần hay tình cảm và sự gắn bó với những người xung quanh. Rồi sẽ đến một ngày bạn nhận ra, hạnh phúc của cuộc đời chỉ đơn giản là đi bộ mà không cần nạng, được ăn uống mà không cần ai chăm bón, được thở bằng mũi miệng của chính mình mà không cần bất cứ dụng cụ nào cài cắm lên người.

Bi kịch của người trẻ: Thành tựu công việc luôn tỉ lệ nghịch với tình trạng sức khoẻ và chỉ số hạnh phúc.

“YOLO" - Bạn chỉ sống một lần. Với nhiều người, đó như một câu khích lệ cứ liều lĩnh và dại khờ đi. Nhưng cũng chính vì chỉ có một lần để sống, nên đừng quên rằng mình cần phải trân trọng cơ hội duy nhất này.

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời - Ảnh 8.

Xung quanh bạn và tôi, có rất nhiều người trẻ đang sống như một con thiêu thân, luôn lao về phía có ánh sáng, bất chấp mọi đau đớn, hiểm nguy. Chúng ta được khuyên rằng hãy lao động thật nghiêm túc, hãy cố gắng hết sức vì tuổi trẻ không chờ không đợi. Nhưng chẳng một ai dạy ta rằng hãy nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi, hãy quan tâm đến sức khoẻ và lắng nghe bản thân. Mỗi một cái nhói nhẹ, vài phút choáng váng hay cơn đau lưng chớp nhoáng - đó đều là những dấu hiệu từ bên trong cho thấy bạn đang không ổn.

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời - Ảnh 9.

Giữa cái thời đại mà ai cũng muốn chứng tỏ năng lực, cũng muốn có một thứ gì đó để người khác nhớ đến thì mỗi cá nhân lại càng phải hi sinh gấp 2, gấp 3. Thành tựu công việc luôn tỉ lệ nghịch với tình trạng sức khoẻ và chỉ số hạnh phúc - đây chính là bi kịch của nhiều người trẻ hiện đại. Job kéo đến lia lịa nhưng cả tháng trời không được nói chuyện với bố mẹ. Có tiền để sắm đủ thứ hàng hiệu nhưng nuốt một dĩa cơm cũng nơm nớp lo sợ. Đi du lịch toàn những nơi sang xịn nhưng thời gian nghỉ ngơi thật sự chắc chỉ tính bằng phút. Mua được một cái giường thật to nhưng chưa từng có một giấc ngủ đủ 8 tiếng.

Gửi những người đang làm việc như thiêu thân: Gian nan là tất yếu nhưng chúng ta phải học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời - Ảnh 10.

Không thể phủ nhận rằng "hard work paid off", rằng chăm chỉ, cần cù sẽ trao tặng cho bạn những giá trị khác tương xứng. Sự đánh đổi không phải lúc nào cũng tệ, nhưng đánh đổi bao nhiêu là đủ, và lúc nào nên dừng lại thì lại là một câu hỏi làm khó nhiều người.  

Xin được kết thúc bằng một câu nói đáng nhớ của bác sĩ Paul Kalanithi - tác giả của cuốn sách “Khi hơi thở hoá thinh không” lúc ông phát hiện ra mình sắp chết vì căn bệnh ung thư phổi cấp độ IV: “Hầu hết các tham vọng đều có thể đạt được hoặc bị bỏ rơi; dù theo cách nào, chúng vẫn thuộc về quá khứ. Tiền bạc, địa vị, và tất cả những hư vô mà các nhà truyền giáo mô tả đều chứa rất ít bận tâm: quả thật, đó là theo đuổi những thứ vô hình.

Theo Nhật Chung/ DESIGN: TUẤN MAXX,

Helino

Trở lên trên