Gửi Thủ tướng hàng trăm kiến nghị mới về vấn đề đã cũ
Cộng đồng doanh nhân đang chờ những câu trả lời mới, để họ không phải tiếp tục gửi đi những kiến nghị mới về những vấn đề cũ...
- 21-04-2016Góc nhìn doanh nhân: Mong sớm có buổi Thủ tướng mới gặp doanh nhân
- 19-04-2016Doanh nghiệp sắp đón nhận tin vui từ Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Khoảng 50 trang, 10 nhóm vấn đề với hàng trăm nội dung, nhưng hầu hết là những vấn đề đã cũ, đó là tập hợp từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp nhân hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ diễn ra sáng 29/4.
Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nhân đang chờ những câu trả lời mới, để họ không phải tiếp tục gửi đi những kiến nghị mới về những vấn đề đã cũ.
Doanh nghiệp phải xoay vốn từ “chợ đen”
Liên quan đến nhóm kiến nghị về vốn, tiếp cận vốn, Hội Doanh nghiệp quận Hải An (Hải Phòng) phản ánh, hiện nay, đa số các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đều gặp khó khăn về tài chính. Nếu như 76% số doanh nghiệp lớn vay được vốn được từ ngân hàng thì tỷ lệ này dành cho doanh nghiệp vừa là 72%, doanh nghiệp nhỏ là 60% và doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ là 38%.
Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực từ việc bắt buộc phải có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn lại phiền hà.
Do vậy, doanh nghiệp buộc tự cứu mình bằng cách tìm đến bạn bè, thị trường tín dụng (chợ đen). Nếu như các doanh nghiệp lớn tìm cách xoay xở, vay được vốn từ thị trường “chợ đen” với mức 1% thì những doanh nghiệp nhỏ phải xoay xở từ thị trường tín dụng này ở mức 6% trên tổng số vốn đầu tư.
Rõ ràng các doanh nghiêp nhỏ và vừa đang thiếu vốn, trong khi việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng lại chậm và chưa đều khắp. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều đang phải tự thân vận động, Hội doanh nghiệp Hải An nêu rõ.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội thì tiếp cận vốn vay còn gặp khó khăn do điều kiện của ngân hàng và doanh nghiệp chưa đồng thuận. Ví dụ, doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm thì không được thế chấp đất đai để vay vốn gây khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn vốn hạn hẹp không mở rộng được sản xuất.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định đề xuất các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam được vay ngoại tệ như các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không được vay ngoại tệ, các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.
Ngân hàng nên nhận tiền gửi bằng ngoại tệ có lãi suất để huy động được vốn trong và ngoài nước, số ngoại tệ này được quay vòng cho các doanh nghiệp trong nước vay để tránh ngoại tệ chuyển ra nước ngoài, Hiệp hội này đề nghị.
Một tháng tiếp 4 - 5 đoàn thanh tra
Thanh tra, kiểm tra tránh để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp đã từng được là vấn đề được nêu từ lâu trên nhiều diễn đàn.
Nay, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình phản ánh, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp rất bức xúc vì Bộ Tài nguyên và Môi trường có triển khai quá nhiều các đợt thanh tra, có doanh nghiệp vừa mới thanh tra cuối năm 2014 kết luận trong năm 2015, thì năm 2016 lại có quyết định thanh tra tiếp, trong đó có nhiều doanh nghiệp ở Thái Bình.
Thanh tra các doanh nghiệp không có tính luân phiên mà chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Một số thành viên trong đoàn thanh tra có những biểu hiện thiếu tôn trọng doanh nghiệp nên đã gây bức xúc không cần thiết trong quá trình thanh tra.
Tần suất thanh tra không nên quá dày, đồng thời cần có sự nghiên cứu thống nhất với ý kiến của các trưởng đoàn đã kết luận tại doanh nghiệp trước đó và sở tài nguyên môi trường tỉnh, Hiệp hội này nêu ý kiến.
Hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình cũng cho rằng, các doanh nghiệp đã thanh tra xong sau khi có kết luận thì không nên thanh tra tiếp mà giao cho sở tài nguyên và môi trường tiếp tục theo dõi kết quả khắc phục của doanh nghiệp và báo cáo về Bộ, cụ thể là đối với các doanh nghiệp ở Thái Bình vừa mới thanh tra trong năm 2014, 2015 thì năm 2016 không nên thanh tra.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh mỗi năm tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có tháng 1 doanh nghiệp tiếp tới 4-5 đoàn thanh tra. Mà đối tượng thanh tra đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vẫn biết thanh kiểm tra là việc làm cần thiết để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra quá nhiều, cùng một nội dung của nhiều ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thậm chí, tâm lý của phần lớn người Việt Nam cứ thấy thanh tra là lo lắng, khách hàng không ủng hộ, cổ đông rút vốn, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp bị giảm sút, doanh nhân Vĩnh Phúc "than thở".
Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo ngành thanh tra cần có kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể để tránh chồng chéo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Hiện nay, đặc biệt là cấp cơ sở, tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn mang tính phổ biến, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nam Định phản ánh.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp còn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, tiền lương, thuế, hải quan, đất đai, xây dựng…
VnEconomy