MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ đường huyết tưởng đơn giản mà cực nguy hiểm: Người uống rượu cần hết sức đề phòng

19-10-2020 - 15:12 PM | Sống

Hạ đường huyết là hiện tượng đường trong máu giảm xuống quá thấp và cần được phục hồi nhanh chóng.

Những nguyên nhân gây hạ đường huyết

Cách đơn giản là uống nước đường, nước ngọt nhưng liều lượng bao nhiêu mới giúp cơ thể phục hồi tốt nhất?

Dưới đây là những gì bạn cần biết về nguyên nhân và triệu chứng của hạ đường huyết và cách an toàn nhất để tăng đường huyết kịp thời.

Theo bác sĩ gia đình Evan Barnathan, TT Chăm sóc Sức khoẻ Maine (Lewiston, Mỹ), hạ đường huyết thường gặp ở người bệnh đái tháo đường, do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị, kiểm soát đường huyết trong máu. 

Những bệnh nhân không thực sự ăn đủ 3 bữa mỗi ngày (ăn kiêng, giảm cân) và vẫn uống thuốc hạ đường huyết sẽ rất dễ bị hạ đường huyết. Ít phổ biến hơn là u tuỵ nội tiết khiến lượng insulin sản xuất quá nhiều làm đường huyết giảm quá thấp.

Uống quá nhiều rượu cũng gây hạ đường huyết. Nguyên nhân là do: Thông thường, khi bạn không ăn và đường huyết giảm, tuyến tuỵ sẽ tiết ra một hooc môn để kích thích gan giải phóng glucose dự trữ vào máu, giúp tăng đường huyết. Nhưng khi bạn uống rượu nhiều, gan sẽ phải xử lý rượu - quá trình này sẽ gần như ngăn gan giải phóng glucose.

Các bệnh về gan, thiếu hooc môn, nhịn ăn kéo dài cũng có thể gây hạ đường huyết.

Hạ đường huyết tưởng đơn giản mà cực nguy hiểm: Người uống rượu cần hết sức đề phòng - Ảnh 1.

Khi hạ đường huyết ở mức độ nhẹ sẽ xuất hiện các triệu chứng: tim đập nhanh hay bất thường, mệt mỏi, da nhợt, run rẩy, lo lắng, đổ mồ hôi, đói, cáu gắt, ngứa hoặc tê môi, lưỡi hoặc má.

Nếu không được bổ sung đường kịp thời, sẽ có thể gây ra tình trạng lú lẫn, nhìn mờ, co giật, mất ý thức, thậm chí tử vong.

Cách tăng đường huyết nhanh bằng thực phẩm

Cách tốt nhất để tăng đường huyết là ăn hay uống một thứ gì đó liên quan đến cacbon-hydrate nhưng không được lạm dụng.

Hạ đường huyết tưởng đơn giản mà cực nguy hiểm: Người uống rượu cần hết sức đề phòng - Ảnh 2.

Thực phẩm tăng đường huyết nhanh nhất là đường - khoảng 15g, tương đương với nửa cốc nước hoa quả hay nước ngọt thông thường - loại không dành cho người ăn kiêng; 1 thìa đường, 1 thìa mật ong hay siro, 4-5 viên kẹo cứng hoặc kẹo dẻo hoặc kẹo cao su (cần kiểm tra nhãn để xem lượng đường có trong các loại kẹo này là bao nhiêu).

Sau đó đợi khoảng 15 phút và kiểm tra đường huyết trước khi ăn tiếp để tránh đường huyết tăng quá nhiều trong máu. Trong trường hợp tình trạng hạ đường huyết không đỡ, bạn cần đi khám ngay.

Còn khi bản thân nhận thấy đường huyết trong máu đang giảm xuống nhưng vẫn chưa đến mức gây ra các triệu chứng như nêu trên thì tốt nhất nên bổ sung ngay 1 lượng thực phẩm có đạm (protein) và chất béo, chẳng hạn như ăn một thanh năng lượng giàu protein hay một miếng bánh mỳ kẹp thịt.

Đạm và chất béo sẽ làm chậm quá trình tiêu hoá, giải phóng glucose vào máu một cách từ từ cũng như ngăn lượng đường tăng đột biến và giảm đột ngột sau đó. 

Vì lý do này, những người bị kháng insulin (đái tháo đường) nên thường xuyên bổ sung đạm và chất béo lành mạnh trong chế độ ăn.

Để phòng ngừa hạ đường huyết, bạn cần ăn uống đầy đủ 3 bữa mỗi ngày.

*Theo Insider/Medlineplus

Theo Nhân Hà

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên