Hà Nội có một tiệm bánh rán bi 30 năm, ngày bán 10.000 chiếc, chủ quán phải dậy từ 3h sáng để chuẩn bị bột và nhân
Bán bánh rán từ năm 1993, tuy nhiên, tới nay, chủ quán chỉ bán duy nhất 2 loại bánh mà thôi.
- 11-05-2022Báo nước ngoài vinh danh một quán cà phê tối giản tại TP.HCM, đươc lọt luôn top 100 quán cà phê đẹp trên thế giới
- 09-05-2022Quán lẩu băng chuyền độc nhất vô nhị: Phục vụ rau… cả bó, khách đi ăn như lựa đồ đi chợ
- 07-05-2022Quán gà tần siêu rẻ, siêu đông ở Hà Nội: Giá chỉ 20.000 đồng, có ngày bán 1.000 suất
Được mẹ chồng truyền lại cho công thức làm bánh rán, chị Nguyễn Thị Minh Phương, chủ tiệm bánh rán số 52 Hàng Chiếu (Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể trên Vietnamnet: "Khi đó, tôi làm bánh cho gia đình thưởng thức. Ai nấy cũng khen ngon. Tôi quyết định làm để bán, ngày ấy bán ở thị xã Sơn Tây (tỉnh Hà Tây, nay thuộc về Hà Nội) hơn 10 năm. Đến năm 2005, tôi chuyển về 52 Hàng Chiếu để bán".
Tiệm bánh rán của chị Phương chỉ bán duy nhất có 2 loại là bánh rán đường và bánh rán mật. Ngày trước, giá của mỗi chiếc bánh rán bi chỉ có 200 đồng/chiếc. Còn hiện tại, qua thời gian, giá của mỗi chiếc bánh rán đã tăng lên là 5.000 đồng, tuy giá "nhỉnh" hơn các hàng khác nhưng bù lại, nhân bánh nhiều và to hơn.
Được biết, chị Phương phải dậy từ 3h sáng mỗi ngày chuẩn bị bột và nhân để 7h có bánh kịp cho khách mua. Thời gian mở cửa của tiệm mỗi ngày từ 7h sáng tới 5h30 chiều. Theo Tuổi trẻ, mỗi ngày tiệm bán ra hơn 10.000 chiếc bánh rán, tuy nhiên vào những ngày mưa, số lượng bánh bán ra được ít hơn, chỉ khoảng 5.000 chiếc.
Vì không gian tiệm nhỏ, hơn 10m2 nên khách chỉ có thể mua mang về. Bột bánh khá dẻo, ngọt và thơm, được làm từ 100% bột nếp, còn nhân đỗ bên trong được làm từ những hạt đỗ xanh tách vỏ, sau đó được đồ thật kĩ để đậu thật nhuyễn ra, rồi đem trộn với dừa xay và đường. Công thức để làm được nhân đỗ ngon là lấy 1 kg đỗ xanh trộn với 0,3 kg dừa.
Để phục vụ nhu cầu của khách hàng kịp thời, nhân bánh được nặn trước thành các viên nhỏ. Mỗi chiếc bánh rán bi được nặn thành các viên tròn có đường kính khoảng 6-7cm. Bánh sau khi nặn được thả vào những chảo dầu lớn, trung bình, mỗi mẻ khoảng 100 chiếc. Bánh đều được chao qua đường hoặc mật trước khi tới tay của thực khách.
"Mùa đông mỗi mẻ bánh phải rán 40 phút, mùa hè phải rán tầm 25-30 phút. Bánh rán phải từ từ không được nhanh. Ngoài ra, chiếc bánh khi rán phải ngập dầu, chao mật hoặc đường phải đủ độ sao cho mật và đường bám quyện vào bánh", chị Phương chia sẻ với Khám phá.
Những chiếc bánh màu cánh gián là những chiếc bánh đạt đến độ chín tới. Để có một chiếc bánh ngon, chị Phương yêu cầu nhân viên của mình phải tỉ mỉ trong từng công đoạn và quan trọng nhất, quá trình làm phải sạch sẽ. Bánh rán mật là mặt hàng được yêu thích hơn cả và trong những năm gần đây, bánh rán của tiệm nhà chị Phương còn xuất đi một số tỉnh thành như Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên…
Chị Phương tâm sự: "Nhờ vào sự đam mê giữ gìn nét ẩm thực truyền thống này, tôi theo đuổi nghề từ những năm ngồi bán bánh cả ngày chỉ được vài nghìn đồng. Ngoài ra, khách hàng luôn ủng hộ cũng là động lực để tôi tiếp tục duy trì nghề làm bánh rán của gia đình".
Trí thức trẻ