MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Hà Nội có quyền đề xuất dừng cấp phù hiệu cho Uber và Grab”

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ tại buổi tọa đàm trực tuyến “Quản lý taxi công nghệ và kinh nghiệm quốc tế” do Báo Giao thông tổ chức sáng 22/3.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, xu thế tất yếu của thế giới là ứng dụng công nghệ vào tất cả lĩnh vực, trong đó có cả giao thông vận tải (GTVT).

Theo ông, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước vào sản xuất, phát triển dịch vụ đã đem lại lợi ích rất thiết thực cho người dân, cho xã hội. Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Hiện chúng ta đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Chính phủ cũng giao Bộ GTVT tổng hợp đánh giá, đề nghị Quốc hội sửa Luật Giao thông đường bộ”, ông Thọ cho biết.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, Luật Giao thông đường bộ quy định có 5 loại hình vận tải hành khách, gồm: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, vận tải tuyến cố định và cuối cùng là vận tải hành khách du lịch.

5 loại hình này đều được cụ thể hoá bằng các nghị định, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có những đối tượng không đề cập hết, đặc biệt sau khi ứng dụng công nghệ trong GTVT xuất hiện.

Từ 2014, một số tổ chức cá nhân sử dụng phần mềm kết nối giữa chủ phương tiện và hành khách, kết nối giữa lái xe và hành khách. Thực tế này, theo ghi nhận đang bộc lộ một số điểm chưa phù hợp.

Ví dụ như việc lợi dụng ứng dụng công nghệ để trực tiếp điều hành quản lý vận tải, điều hành giá (trong khi theo quy định của Việt Nam phải quản lý chặt chẽ, công khai niêm yết giá, có nguồn thu phải nộp thuế), ứng dụng công nghệ phải đăng ký, quản lý…

“Bộ GTVT đang dự thảo trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 theo hướng quản lý chặt chẽ, công bằng, công khai, nghiêm minh các đối tượng kinh doanh vận tải cả về phương tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ… Các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm; Các cơ quan chức năng khác như ngành thuế cũng cần có những hướng dẫn, những quy định cụ thể để tạo sự đồng bộ và tạo sân chơi công bằng, lành mạnh trong hoạt động vận tải”, ông Thọ cho biết.

Tham dự hội thảo, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, 2 năm nay, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu đưa ra nhiều quy định để làm sao quản lý loại hình taxi công nghệ; trong đó có Uber , Grab . Năm 2017, Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP thông qua nghị quyết trong đó có định hướng quản lý loại hình này.

“Chúng tôi khẳng định ứng dụng công nghệ là rất tích cực, tuy nhiên cần phải quản lý để hạn chế tiêu cực. Không thể thả nổi loại hình này, đặc biệt trong điều kiện giao thông của thành phố vẫn đang quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc”, ông Hà cho biết.

Cũng theo ông Hà, Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT góp ý sửa đổi Nghị định 86.

“Chúng tôi luôn ủng hộ quan điểm phải đưa loại hình kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi vào quản lý giống như quản lý taxi”, ông Hà nói.

Trước vấn đề ông Hà nêu, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, việc cấp phù hiệu xe hợp đồng Uber, Grab, Hà Nội hoàn toàn có thẩm quyền, nếu cảm thấy điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng, cần thiết có thể đề xuất dừng cấp phù hiệu. Đây là thẩm quyền trong quản lý nhà nước của các Sở GTVT tại địa phương.

“Ví dụ, TP.Hà Nội đã cấp một lượng xe hợp đồng thí điểm nhất định nhưng giờ tính toán lại, nếu giao thông đã quá tải, Hà Nội có thể ngừng cấp. Đây chính là thẩm quyền quản lý nhà nước tại địa phương về quản lý vận tải. Không phải cái gì cũng phải đưa lên Bộ, lên Chính phủ. Trên cơ sở thực trạng của địa phương về quá tải, về tắc nghẽn giao thông, về hạ tầng không phù hợp, Sở GTVT cần có thể kiến nghị”, ông Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu quan điểm.

Theo Van Xuân

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên