Hà Nội đề nghị bổ sung giá đất cho 136 tuyến đường mới
UBND TP Hà Nội đề nghị bổ sung giá đất tại các vị trí cho các tuyến đường, phố mới được đặt tên bao gồm: 136 tuyến đường, phố mới thuộc địa bàn các quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh...
- 28-06-2023Vì sao lược bỏ hàng loạt phương pháp định giá đất trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi?
- 28-06-2023Bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn là cơ sở xác định giá đất
- 22-06-2023Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Bảng giá đất sẽ sát với thị trường, đảm bảo công bằng
UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND TP đề nghị, xem xét, thông qua chủ trương sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng đến ngày 31/12/2024.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số quy định liên quan đến bảng giá đất; nguyên tắc xác định giá đất; phương pháp định giá đất... đã được quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND.
UBND TP Hà Nội đề nghị bổ sung giá đất tại các vị trí cho các tuyến đường, phố mới được đặt tên bao gồm: 136 tuyến đường, phố mới; 2 khu đô thị thuộc địa bàn huyện Quốc Oai. 136 tuyến đường, phố mới thuộc địa bàn các quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh...
Cụ thể tại quận Long Biên có 23 tuyến phố: Phú Hựu, Phạm Khắc Quảng, Nguyễn Thời Trung, Gia Thượng, Bùi Thiện Ngọ, Ngô Viết Thụ, Ngô Huy Quỳnh…; Quận Cầu Giấy có 9 tuyến: Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Linh, Đinh Núp, Nguyễn Thị Duệ, Hạ Yên Quyết…; Quận Tây Hồ có 4 tuyến: Vũ Tuấn Chiêu, Tứ Liên, Nguyễn Văn Huyên, Nghĩa Đô; Quận Thanh Xuân có tuyến phố Hà Kế Tấn; Quận Hoàng Mai có 6 tuyến đường: Nguyễn Phan Chánh, Bùi Quốc Khái, Đạm Phương, Nam Sơn, Văn Tân, đường đê Nguyễn Khoái…
Theo UBND TP, khi giá đất của các tuyến đường, phố mới chưa được quy định trong Bảng giá đất thì nghĩa vụ tài chính về đất của các tổ chức, cá nhân được xác định theo giá đất của các tuyến đường lân cận.
Việc xây dựng bảng giá các loại đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường; dần tiếp cận với giá phổ biến trên thị trường, góp phần thiết lập cơ chế, chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai, làm cơ sở để thực hiện chính sách tài chính về đất, gắn mối quan hệ giá đất với việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn thành phố.
Dự kiến Nghị quyết thông qua chủ trương sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được xem xét tại kỳ họp giữa năm của HĐND TP tổ chức vào đầu tháng 7 tới.
Tiền phong