Hà Nội gỡ khó '3 tại chỗ', nhiều doanh nghiệp thở phào
Thành phố Hà Nội vừa ban hành một số chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp và DN vận tải, để thúc đẩy sản xuất an toàn trong tình hình mới.
- 29-09-2021Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: 'Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra'
- 29-09-2021Thủ tướng giao nghiên cứu kiến nghị của TP. HCM xin áp dụng quy định riêng để mở cửa kinh tế
- 28-09-2021Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc chuyển từ 'Evergrande' sang 'khủng hoảng điện': Việt Nam sẽ bị tác động ra sao?
Ngày 28/9, đại diện Ban quản lý Các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Hà Nội cho biết, đơn vị vừa có phương án sản xuất an toàn trong tình hình mới gửi các DN hoạt động trong KCN. Theo đó, đối với DN trong các KCN, Ban quản lý đề nghị các DN thành lập tổ xét nghiệm tự nguyện tại DN, phối hợp các đơn vị đủ điều kiện để định kỳ xét nghiệm COVID-19 cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Quản lý chặt chẽ người lao động làm việc tại DN, phối hợp chính quyền địa phương kiểm soát di biến động của người lao động, báo cáo tăng, giảm lao động đến Ban quản lý, UBND các quận, huyện nơi DN hoạt động. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, phương án ứng phó khi có các trường hợp ho, sốt, khó thở, F1, F2, ca mắc COVID-19 và tổ chức diễn tập tại DN.
Đối với người lao động tại các KCN, Ban quản lý đề nghị, đối với lao động đang cư trú tại các tỉnh, thành phố khác, phải tổ chức đưa đón tập trung. Khuyến khích lao động ngoại tỉnh ở lại tạm thời Hà Nội, giảm thiểu việc di chuyển giữa các tỉnh. Đối với lao động lưu trú ở Hà Nội, đối với các vùng có nguy cơ cao (vùng đỏ theo quy định trước đây), phải tạm dừng sử dụng lao động hoặc phải thực hiện “3 tại chỗ” nếu có nhu cầu sử dụng.
Đại diện một công ty thực phẩm ở huyện Hoài Đức nói rằng, giải pháp mới hỗ trợ sản xuất của Hà Nội như phao cứu sinh giúp DN vượt qua khó khăn. Theo công ty này, việc thực hiện “3 tại chỗ” không những khiến chi phí DN tăng rất nhiều mà còn ảnh hưởng tâm lý của công nhân, khiến năng suất lao động giảm đến 50% so với bình thường. “Các công nhân đang thực hiện hai điểm xanh là nơi sản xuất xanh và công nhân ở vùng xanh”, vị đại diện nói.
Lái xe phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin
Đối với lĩnh vực vận chuyển, giao nhận hàng hóa, Sở Công Thương thành phố Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Sở Công Thương yêu cầu đơn vị vận tải kiểm tra, bảo đảm an toàn kỹ thuật của phương tiện; kiểm tra giấy phép lái xe; các giấy tờ khác theo yêu cầu quản lý của đơn vị và giao nhiệm vụ vận chuyển cho lái xe.
Trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, mũ, găng tay, bao giày cho người trên phương tiện... Ngoài ra, các đơn vị vận tải cần xây dựng phương án tổ chức vận tải của đơn vị (số lượng phương tiện, số người đi theo xe, thời gian thực hiện, hành trình vận chuyển, địa điểm giao nhận hàng hoá, loại hàng hóa vận chuyển, địa điểm nghỉ ngơi, địa điểm dự kiến lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên hành trình...) và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện đúng phương án.
Người điều khiển phương tiện, người xếp dỡ hàng hóa theo xe phải khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và được tiêm tối thiểu một mũi vắc-xin phòng COVID-19. Những người này cần có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2...
Đối với các khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu theo quy định của UBND thành phố Hà Nội.
Tiền phong