Hà Nội: Kiên quyết ‘đánh’ hàng nhái, hàng giả
Nói về giải pháp xử lý hàng giả, hàng nhái, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết bên cạnh việc nâng cao chất lượng cán bộ vững mạnh, tinh nhuệ, cơ quan chức năng sẽ “đánh” mạnh các đối tượng đầu nậu, ổ nhóm buôn bán, sản xuất lớn.
- 12-08-2016Lật tẩy “đường dây” tuồn hàng giả vào Việt Nam
- 08-08-2016Dân 'ham của rẻ', hàng giả vẫn nhiều
- 05-08-2016Hàng giả đầy chợ Bến Thành
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, từ ngày 20/12/2015 đến 31/7/2016, Chi cục đã kiểm tra và xử lý 1.885 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu về và tiêu hủy hàng hóa vi phạm tổng trị giá hơn 33 tỷ đồng.
Ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, thực tế hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng, hàng điện tử, quần áo, giày dép, túi xách, thực phẩm, mỹ phẩm…
Riêng với nhóm hàng thực phẩm chức năng, ông Trịnh Quang Đức cho rằng, việc làm giả nhóm hàng này đang diễn biến phức tạp, loại hàng giả không có công dụng và giá trị ngày càng nhiều.
“Bảy tháng đầu năm 2016 trên địa bàn nổi lên tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả về nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa (giả tên thương nhân khác trên bao bì, giả về chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ, giả mã vạch); hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (không có chất chính hoặc các thành phần không như công bố chất lượng); đăng ký tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để lừa dối người tiêu dùng”, lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội cho hay.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bùng phát” hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Thủ đô là do sự phân hóa giàu nghèo giữa các khu vực của Hà Nội sau khi sáp nhập đã nảy sinh tình trạng người có khả năng kinh tế thì chọn mặt hàng đắt tiền còn người “eo hẹp” hơn thì buộc phải chọn mua hàng rẻ tiền, chất lượng thấp. Lợi dụng tình trạng này, một số cá nhân, tổ chức đã tự sản xuất hoặc câu kết với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hàng giả, hàng nhái cho các đối tượng kinh tế thấp, cụ thể là các nhãn hiệu nổi tiếng của các mặt hàng xa xỉ phẩm.
Hơn nữa, không ít hộ gia đình nhỏ lẻ do thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật nên đã trở thành điểm sản xuất hàng giả hoặc trở thành điểm gia công hàng hóa thuê cho các đối tượng vi phạm.
Về mặt pháp lý, lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội cho hay, một số cơ sở sản xuất hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nằm trên địa bàn nhưng hàng hóa lại đem tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khác mà lực lượng QLTT Hà Nội không có thẩm quyền kiểm tra. Điều này làm cho công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả không triệt để và kịp thời.
Mặt khác, mặc dù hiện đã có chế tài với mức phạt tiền cao song trên thực tế lại chưa đủ sức răn đe nếu so với mức lợi nhuận bất hợp pháp lớn mà các đối tượng có thể thu được khi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Nhiều doanh nghiệp khi bị xâm phạm về nhãn hiệu thường có tâm lý e ngại về thủ tục hành chính nên không làm đơn đề nghị kiểm tra, xử lý. Thậm chí, ông Trịnh Quang Đức còn cho biết, cá biệt một số vụ Đội QLTT kiểm tra và tạm giữ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhưng khi liên hệ doanh nghiệp là chủ nhãn hiệu (hoặc đại diện được ủy quyền của chủ nhãn hiệu) đề nghị hỗ trợ xác nhận hàng thật hay hàng giả thì doanh nghiệp không hợp tác và không trả lời.
Nói về giải pháp xử lý hàng giả, hàng nhái, ông Trịnh Quang Đức cho biết, bên cạnh việc nâng cao chất lượng cán bộ vững mạnh, tinh nhuệ, gắn trách nhiệm người đứng đầu thì việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ trinh sát nắm thông tin kết hợp với vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm nhằm giúp cơ quan phát hiện đầu mối, đối tượng nghi vấn là việc quan trọng.
“Bảo đảm đánh đúng, đánh trúng các đối tượng đầu nậu, ổ nhóm buôn bán, sản xuất lớn. Đồng thời kiểm soát và kiểm tra các cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác, cơ sở cung ứng nguyên vật liệu, hóa chất có vi phạm vì đây là nguồn cung cấp bán sản phẩm làm hàng giả ít bị kiểm tra nhất”, ông Đức nói.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất cũng là việc cần thiết. Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng cần thường xuyên hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và phân biệt hàng giả, hàng thật thông qua đài, báo, các buổi triển lãm hàng thật-giả được tổ chức thường niên. Đưa vấn đề vi phạm trong việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả lên thành vấn đề đạo đức, cần bị xã hội lên án.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) khẳng định, lực lượng QLTT mong muốn và kêu gọi sự hợp tác của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh chân chính trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chinhphu.vn