Hà Nội kỳ vọng mở rộng thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không
Với nhu cầu cần khoảng 15.000 nhà cung ứng của Airbus, Hà Nội kỳ vọng thu hút các nhà đầu tư công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không đến với thủ đô.
Tại chương trình hội thảo, kết nối kinh doanh B2B nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực Công nghiệp Hàng không - Hà Nội diễn ra từ ngày 21-23/3 tại Hà Nội , đại diện của hãng máy bay Airbus tại Việt Nam-Lào- Campuchia đã chia sẻ nhu cầu của hãng cần khoảng 15.000 nhà cung cấp. Do vậy, Airbus rất chào đón các nhà cung cấp ở Việt Nam có năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng của Airbus.
Airbus đã giới thiệu đến các đối tác tiềm năng quy trình để xin phê chuẩn, đánh giá năng lực… các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ phải làm việc trực tiếp với Airbus để biết mình phải làm gì để đáp ứng được các yêu cầu.
Ngành công nghiệp hàng không là một ngành còn hết sức mới mẻ ở Việt Nam, hiện Việt Nam chưa có nhiều nhà sản xuất, cung cấp có đủ năng lực để tham gia vào chuỗi OEM cho các hãng sản xuất máy bay.
Tại Việt Nam những nhà sản xuất, cung ứng có đủ năng lực và được phê chuẩn chủ yếu là các doanh nghiệp FDI như: Meggit (của Mỹ), Hanwha (Hàn Quốc), Nikkiso (Nhật Bản)…, tuy nhiên con số này cũng không nhiều.
Hiện doanh nghiệp nội địa mới chỉ có Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật hàng không (AESC) được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn sản xuất một số thiết bị cho ghế máy bay bằng nhựa.
Theo ý kiến của các chuyên gia hàng không, năng lực sản xuất của các nhà cung cấp nội địa của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu cho ngành công nghiệp máy bay. Không như vật tư của các ngành công nghiệp khác, là ngành đặc thù, do vậy vât tư sản xuất cho ngành hàng không phải được sự phê chuẩn của cơ quan quản lý, của hãng sản xuất máy bay thì nhà cung cấp mới được sản xuất. Từ đó, bên bảo dưỡng, bên khai thác máy bay mới được phép lắp lên máy bay.
Một chuyên gia đến Maylaysia chia sẻ, thông qua chương trình kết nối kinh doanh B2B tại triển lãm, cho thấy một số chi tiết cơ khí của các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất ổn, nếu họ muốn xâm nhập vào chuỗi cung ứng công nghiệp hàng không họ sẽ phải làm việc trực tiếp với các hãng sản xuất máy bay để tìm hiểu và tiến hành các bước để đạt được sự phê chuẩn, tuy nhiên đây là một hành trình rất dài.
Trong ngành hàng không, thời gian bảo dưỡng, sửa chữa thay thế các chi tiết, linh kiện cho tàu bay được hoàn thành sớm sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh lớn cho các hãng hàng không. Do vậy, tìm kiếm nguồn linh kiện cung cấp tại chỗ là mong muốn của nhiều hãng hàng không trong khu vực.
Tuy nhiên, hiện nay đa phần các công ty sản xuất linh kiện tại các nước sở tại không được cung cấp trực tiếp đến người tiêu dùng mà sẽ phải xuất khẩu sang công ty mẹ. Đơn cử như Meggit Việt Nam mặc dù có mặt ở Việt Nam gần 30 năm nhưng công ty TNHH MTV VAECO thuộc Vietnam Airlines vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ Mỹ thay vì mua tại Việt Nam.
Về phía Công ty TNHH Meggit Việt Nam, ông Hồ Quang- Giám đốc điều hành sản xuất cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc B2B vừa qua tại triển lãm, cùng với Vietnam Airlines một số đối tác khác rất quan tâm chuỗi cung ứng trực tiếp. Chúng tôi là đơn vị sản xuất, theo chính sách của Tập đoàn Meggit tại Mỹ, chúng tôi không được bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên thời gian tới có thể công ty mẹ - Tập đoàn Meggit sẽ thay đổi chính sách khi mà thế giới ngày càng yêu cầu phải giảm phát thải carbon trong chuỗi sản xuất và cung ứng. Lúc đó, doanh nghiệp không thể vận chuyển linh kiện đi vòng quanh thế giới.
Cũng tại chương trình B2B này, công ty Onaga của Nhật Bản cũng đã gặt hái được nhiều thành công khi kỳ vọng sẽ ký được một số đơn hàng đầu tiên cho nhà máy của công ty sắp đi vào hoạt động tại Việt Nam.
Ông Ishida Takayuki - Quản lý chất lượng sản xuất Công ty Onaga Nhật Bản cho biết: “ Các linh phụ kiện, các mặt hàng cơ khí chúng tôi đều đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Hiện Onaga đang đầu tư một nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Hanssip Phú Xuyên (Hà Nội), dự kiến đến tháng 5/2023 hoàn thành. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ với một số đối tác như: Viettel, VAECO, GMF Areo Asia, Blue Fiel, Boing…. Có đối tác chúng tôi đã gửi báo giá và thống nhất ký kết hợp đồng cung cấp. Sau khi có đơn hàng, Onaga sẽ chuyển máy móc sang Việt Nam để tiến hành sản xuất ’.
Tham gia vào chương trình B2B, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, dầu nhờn, dây chuyền sản xuất linh kiện, thiết bị cho ngành công nghiệp hàng không cũng đạt được những thỏa thuận hợp tác, mở rộng thị trường ngay trong chương trình B2B tại sự kiện triển lãm lần này.
Đại diện CyberTech Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu chủ yếu là dịch vụ sau bán hàng của chúng tôi, những yêu cầu mà khách hàng đặt ra chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được.
Nói về triển vọng của ngành công nghiệp hàng không, ông Stephane Castet, Chủ tịch Công ty ABE - Cộng hòa Pháp cho biết: Với con số ước tính vào khoảng 8 tỷ hành khách và hàng chục nghìn máy bay được sản xuất trong năm 2037, ngành hàng không sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức (từ sản xuất, dịch vụ đến nguồn nhân lực và tích hợp công nghệ mới). Tôi tin rằng Việt Nam có thể và sẽ trở thành một trung tâm hàng không, nơi sản xuất, trao đổi, bảo trì và đào tạo trong ngành hàng không vũ trụ trong tương lai.
Theo ông Hồ Quang, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, mình không phải đi từ đầu, các doanh nghiệp có thể đi tắt đón đầu, điều này cần sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Bà Trần Thị Phương Lan- Quyền giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội nhấn mạnh: " Triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực Công nghiệp Hàng không- Hà Nội là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Với hơn 160 đối tác doanh nghiệp theo định dạng B2B 1-1, Hà Nội kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp hàng không của thủ đô, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Qua sự kiện này Hà Nội mong muốn thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hàng không đến với Hà Nội ".
Thành phố Hà Nội với lợi thế về quy mô doanh nghiệp, nhân lực lao động chất lượng cao, nhiều cơ sở nghiên cứu về khoa học - công nghệ, thuận tiện về giao thông kết nối với các cảng biển Hải phòng, Quảng Ninh, đặc biệt có sân bay quốc tế Nội Bài. Thành phố đang phát triển các khu, cụm công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế, với giải pháp hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển mới các cụm công nghiệp, chú trọng nội địa hóa sản phẩm công nghiệp, xanh hóa ngành công nghiệp; nâng cấp chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp để công nghiệp Thủ đô tăng tốc tham gia mạng lưới cao cấp giá trị toàn cầu.
Công thương