Hà Nội: Lễ khởi công đường Vành đai 4 sẽ diễn ra tại 4 địa điểm vào ngày 25/6
Dự kiến, Lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra lúc 6h30 ngày 25/6, tại 4 địa điểm trên địa bàn TP. Hà Nội.
- 15-06-2023Tăng gấp 4 lần rồi giảm 30%, thị trường bất động sản ven Vành đai 4 diễn biến “lạ”
- 14-06-2023Người dân mong công bố giá đất tái định cư dự án Vành đai 4
- 13-06-2023Ngày 25/6, khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 170/KH- UBND về việc tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo kế hoạch, UBND TP. Hà Nội sẽ tổ chức khởi công tại 4 vị trí trên địa bàn thành phố. Cụ thể, vị trí khởi công số 1: Là điểm cầu chính tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường gom Đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận xã Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Vị trí khởi công số 2: Tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 (Km1+445 lý trình đường Vành đai 4) với Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội);
Vị trí khởi công số 3: Tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 (Km45+700 lý trình đường Vành đai 4) với trục phía Nam tỉnh Hà Tây (thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội);
Vị trí khởi công số 4: Tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với QL1A cũ, thuộc địa phận xã Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội).
Dự kiến, Lễ khởi công sẽ diễn ra lúc 6h30, ngày 25/6/2023 (Chủ nhật).
Theo UBND TP. Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô thuộc nhóm Dự án quan trọng quốc gia; được Quốc hội quyết định đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ- CP ngày 18/8/2022 để triển khai Nghị quyết của Quốc hội.
Đối với Hà Nội, dự án là cơ sở để thực hiện công tác Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng, tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; tổ chức lại cơ cấu dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị; tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên). Đồng thời, phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có.
Cũng theo UBND TP. Hà Nội, dự án đã hoàn thành trên 70% công tác giải phóng mặt bằng, vượt chỉ tiêu tiến độ yêu cầu (dự kiến hết tháng 6/2023 đạt >80%). Hiện tại, công tác thiết kế kỹ thuật - dự toán dự án thành phần; công tác lựa chọn nhà thầu thi công các gói thầu dự án thành phần đã hoàn thành...đủ điều kiện để khởi công dự án.
Tiền phong