MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội lên tiếng về dự án cạnh Hồ Gươm ôm 'đất vàng' ngủ quên

18-07-2019 - 15:59 PM | Bất động sản

Theo UBND TP Hà Nội, các dự án chậm triển khai ở Hàng Bài, Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) mà cử tri phản ánh, chủ yếu là dự án khách sạn, thương mại. Lý do, dự án chưa triển khai thực hiện do vướng mắc về quy hoạch 4 quận nội thành trung tâm Thành phố.

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri quận Hoàn Kiếm liên quan đến những dự án ôm “đất vàng” chậm triển khai trên phố Hàng Bài, Lý Thường Kiệt gây lãng phí, bức xúc dư luận.

Theo UBND TP, về các dự án chậm triển khai ở Hàng Bài, Lý Thường Kiệt mà cử tri phản ánh, chủ yếu là dự án khách sạn, thương mại. Theo đó, dự án chưa triển khai thực hiện do vướng mắc về quy hoạch 4 quận nội thành trung tâm Thành phố.

Hà Nội lên tiếng về dự án cạnh Hồ Gươm ôm đất vàng ngủ quên - Ảnh 1.
Nằm ở vị trí đắc địa gần Hồ Gươm, khu "đất vàng” hơn 4.000m2 bỏ quên gần chục năm của "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản khiến dư luận bức xúc.

Cụ thể, đối với Dự án xây dựng công trình hỗn hợp, thương mại, văn phòng và nhà ở tại số 22-24 phố Hàng Bài và số 25-27 phố Hai Bà Trưng (tên thương mại là dự án D’.San Raffles), UBND TP đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 24/06/2010, cấp điều chỉnh lần 1 năm 2015 cho Công ty cổ phần thời đại mới T&T (thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh) để thực hiện dự án.

Dự án có diện tích sử dụng đất 4.072,9m2, quy mô đầu tư theo quy hoạch được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận ngày 9/1/2015 với chiều cao công trình 8 tầng với tổng vốn đầu tư 992,679 tỷ đồng. Theo kế hoạch tiến độ dự án thực hiện từ 2015-2018.

Dự án này, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản ngày 27/3/2015 xác nhận dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thủ tục dự án, nhà đầu tư đã có đề nghị điều chỉnh về quy hoạch kiến trúc, báo cáo để đẩy nhanh tiến độ, cho phép tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch kiến trúc đã được chấp thuận trước đây và được UBND TP chấp thuận.

"Lý do chậm triển khai là sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty cổ phần thời đại mới T&T đã đề nghị xin điều chỉnh dự án về chức năng, chiều cao công trình", UBND TP cho biết.

Ngày 1/9/2017 Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về một số công trình tại khu phố cũ, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND Thành phố và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá các đề xuất đối với các công trình tại khu phố cũ. Tháng 10/2018, Công ty lập hồ sơ điều chỉnh tổng mức đầu tư và tiến độ Dự án; giữ nguyên quy mô, chức năng công trình đã được chấp thuận tại Giấy chứng nhận đầu tư.

Hà Nội lên tiếng về dự án cạnh Hồ Gươm ôm đất vàng ngủ quên - Ảnh 2.
Phối cảnh Dự án D’.San Raffles tọa lạc tại số 22-24 Hàng Bài và số 25-27 Hai Bà Trưng.

Cũng theo UBND TP, một dự án khác trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang "ngâm" đất là dự án Tổ hợp nhà ở tái định cư tại số 23 phố Hàng Bài do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Tam Sơn làm chủ đầu tư.

Lý do chậm triển khai là do phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa được các hộ dân thống nhất và cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. Tháng 1/2019, Công ty đã lập hồ sơ điều chỉnh tổng mức, tiến độ dự án.

Lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để chây ỳ? Trước đó, đặt vấn đề với Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội (QH&KT) trong phiên giải trình về việc quản lý dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại biểu Đoàn Việt Cường nêu vấn đề thực tế qua giám sát của HĐND thành phố có hiện tượng các chủ đầu tư dự án lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để chây ỳ, kéo dài, không triển khai dự án. Về việc này, ông Lê Vinh - Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho rằng, để triển khai một dự án, đầu tiên phải là công tác quy hoạch. “Vì vậy, khi dự án chậm, nguyên nhân là do chủ đầu tư cố tình chứ không phải do công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch”, ông Vinh nói. Giám đốc Sở QH&KT cũng thừa nhận, trong thực tiễn đúng là có một số chủ đầu tư khi có dự án rồi thì lại tính đến chuyện không triển khai, xin điều chỉnh để kéo dài.

Tuy nhiên, theo ông Vinh ở góc độ chỉ riêng sở QH&KT vẫn chưa đủ để kết luận chủ đầu tư có lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thực hiện hay không mà phải tổ chức thanh tra liên ngành. Trong khi đó, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cũng từng khẳng định: “Chúng tôi có trong tay rất nhiều bằng chứng, nhiều chủ đầu tư chẳng liên quan gì đến quy hoạch phân khu, ngay trong khu vực nội thành này thôi, nhưng mà xin điều chỉnh từ 1 đến 3 lần, thậm chí 5 lần”. “Mỗi lần xin điều chỉnh đều theo hướng tăng mật độ, tăng chiều cao, tăng diện tích sử dụng. Lấy cớ đó, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch cho kéo dài thời gian nên cứ 2- 3 năm lại xin một lần. Có dự án nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, trung tâm quận Hai Bà Trưng, ít nhất 3 – 4 lần điều chỉnh quy hoạch, nhưng vẫn nằm im chưa sử dụng” – ông Nam nói.


Theo Ninh Phan

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên