Hà Nội nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến ngày 15/6, Thành phố giải ngân được 17.175 tỷ đồng, đạt 21,2% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 là 1.244 tỷ đồng.
- 27-06-2024IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt gần 6% trong năm 2024
- 27-06-2024Không luật hóa việc thu phí giao thông nội đô
- 27-06-2024Hà Nội thông tin về việc thay thế tuyến buýt nhanh BRT
Ngày 26/6, tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế, xã hội quý II năm 2024, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, năm 2024, Trung ương giao kế hoạch vốn cho thành phố là 81.033 tỷ đồng, cao hơn 1,72 lần so với năm 2023. Đến ngày 15/6, Thành phố giải ngân được 17.175 tỷ đồng, đạt 21,2% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 là 1.244 tỷ đồng (năm 2023, lũy kết giải ngân đến ngày 30/6/2023 là 15.931 tỷ đồng).
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng thẳng thắn nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Đơn cử như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư. Đây là khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, một số dự án vẫn có khó khăn trong nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng (trong năm 2024 nhiều dự án lớn của thành phố đang được triển khai như dự án: Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình). Các dự án sử dụng vốn ODA gặp nhiều khó khăn: Dự án tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội (1 hiệp định vạy của nhà tài trợ ADB chưa được gia hạn); Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.
Ngoài ra, một số dự án còn gặp khó khăn trong thực hiện Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư: việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở của Tiểu dự án sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; việc thanh toán đối với tiểu dự án vốn nhà nước trong dự án PPP; việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, cùng với đó còn một số khó khăn, vướng mắc do hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án lĩnh vực di tích còn chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành cần phải xin ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên ngành.
Trước tình hình đó, ngày 7/5, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND về thúc đẩy triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của thành phố. Theo đó, các sở, ngành, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án (các dự án phê chủ trương đầu tư chưa phê dự án, các dự án hết thời gian thực hiện); tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện kế hoạch. Đặc biệt, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Làm rõ thêm thông tin về nội dung nêu trên, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, năm 2023, tổng vốn thành phố giao và giải ngân, số tròn là 51.064 tỷ đồng (đạt 108% kế hoạch Trung ương giao và 95,5% vốn HĐND thành phố giao). Tuy vậy, năm 2024, Trung ương giao cao hơn, theo đó Hà Nội được giao 81.000 tỷ đồng (tăng khoảng 30.000 tỷ đồng), song số giải ngân là 21,2% cao hơn so với cùng kỳ, có nghĩa là ngoài việc cao hơn lũy kế cơ học thì phải chịu phần tăng 30.000 tỷ đồng.
Như vậy, không phải là Hà Nội giải ngân thấp và năm nay thành phố đặt ra kế hoạch phấn đấu ít nhất bằng năm 2023 (hơn 95%).
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc kiểm tra, rà soát và phát hiện các sai phạm trong quá trình thi công Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, qua nắm tình hình, Công an TP Hà Nội phát hiện khu vực huyện Thanh Oai có dấu hiệu vi phạm liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng làm rõ thêm thông tin: Ngày 14/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra ở Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trên địa bàn thôn Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai.
Theo đó, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với: Lê Quang Điệp và Lê Xuân Nghĩa đều là cán bộ Trung tâm quỹ đất huyện Thanh Oai; cùng Phạm Thái Sơn là cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai. Đáng chú ý, sau sự việc xảy ra, Công an TP Hà Nội cũng đã tham mưu UBND Thành phố, các đơn vị liên quan cũng như những địa phương có đường Vành đai 4 đi qua tự phối hợp, tự phát hiện rà soát các phương án, tránh trường hợp xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật khi dự án hoàn thành.
VTV