Hà Nội phân cấp, ủy quyền xây dựng đô thị thông minh: Bài 1 - Khâu đột phá chiến lược
Hà Nội là “siêu đô thị” với xấp xỉ 10 triệu dân, nhiều việc phát sinh đòi hỏi cần phải giải quyết cấp bách.
- 28-11-2023Nâng tỷ lệ vốn nhà nước thu hút đầu tư dự án PPP giao thông đặc thù
- 28-11-2023Để thị trường carbon trở thành đòn bẩy hữu hiệu cho mục tiêu Net Zero
- 28-11-2023Triển khai Quy hoạch Điện VIII: Việt Nam bước gần hơn đến mục tiêu Net Zero năm 2050
Trong khi đó, cơ chế “quyền anh, quyền tôi”; “cua cậy càng, cá cậy vây”, kèm với tư tưởng ăn sâu bám dễ “Hà Nội không vội được đâu” nên việc nhỏ như thay thế bóng đèn đường cũng phải xin ý kiến rất nhiều ngành. Hay, có nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền xây trường học cho huyện nhưng trình hồ sơ làm thủ tục mà 3 năm các cơ quan thành phố không trả lời, đẩy đi đẩy lại.
Trong rất nhiều việc cần phải làm, Hà Nội đã chọn khâu đột phá, mấu chốt đó là phân cấp, ủy quyền gắn với cải cách hành chính theo tinh thần: Giảm tầng nấc trung gian, nơi nào gần dân nhất thì nơi đó giải quyết; người dân cần được tiếp cận chính sách nhanh nhất; hiệu quả nhất.
Việc phân cấp ủy quyền của Hà Nội cũng nằm trong tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”.
Chính phủ có Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 chỉ đạo: “UBND cấp tỉnh thực hiện phân cấp đối với cấp UBND huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn trực thuộc…”.
Cùng với đó, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nêu: “Xây dựng quy định phân cấp mạnh mẽ hơn cho các quận, huyện, thị xã về quản lý kinh tế - xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi”.
Với cơ sở trên, Hà Nội đã đi trước cả nước về phân cấp, ủy quyền, tạo một làn gió mới, bước tiến dài trong cải cách hành chính. Và đây là “cái gốc” ngăn chặn đùn đẩy trách nhiệm, né việc khó của một số cán bộ vì phân cấp để: rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả; sắp xếp được vị trí việc làm, tạo sự chủ động sáng tạo cho cấp dưới nhưng vẫn thống nhất trong quản lý. TTXVN có 5 bài viết về quyết tâm, thuận lợi, khó khăn, từ đó nêu ra bài học cũng như đề xuất giải pháp của Thủ đô trong phân cấp, ủy quyền gắn với cải cách hành chính hướng đến xây dựng thành phố thông minh.
Bài 1 - Khâu đột phá chiến lược
Còn nhớ năm 2006, UBND thành phố Hà Nội cũng đã phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới một số lĩnh vực nhưng việc này được làm nửa vời do động chạm đến quyền lợi của một số cán bộ, một số bộ phận chuyên môn, cố tình ôm đồm, cài cắm lợi ích của cá nhân, sở, ngành mình vào công việc.. . dẫn đến việc phân cấp, ủy quyền chưa thể thực hiện. Nhiều công việc do cơ quan quản lý nhà nước giải quyết chậm muộn nhưng người dân phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” không biết lỗi thuộc về cấp nào để phản ánh; ảnh hưởng chung đến sự phát triển.
Nhưng từ năm 2021, Hà Nội đã chọn việc khó, khâu đột phá phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ 15 lĩnh vực cho cấp huyện và sở, ngành. Để phân cấp ủy, quyền thực chất, tránh hình thức, Hà Nội đã phải ra chỉ tiêu, định mức với từng sở, ngành phải cắt giảm từ 20-40% công việc để phân cấp xuống các quận, huyện. Việc làm quyết liệt của Hà Nội gỡ bỏ quan niệm “quyền anh, quyền tôi”, ban phát trong công việc.
Dân cần nhưng “quan” chưa vội
Hệ thống chiếu sáng công cộng là một trong những công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị quan trọng phục vụ mục đích công, đảm bảo trật tự an ninh và an toàn cho người dân Thủ đô. Từ năm 2008 - 2011 hệ thống chiếu sáng từ đường phố đến ngõ xóm do thành phố quản lý. Từ năm 2017 đến nay, theo Quyết định số 41/2016 của UBND thành phố, hệ thống chiếu sáng công cộng được thành phố quản lý tập trung, bao gồm cả hệ thống chiếu sáng công cộng và ngõ xóm trên 12 quận nội thành.
Theo tinh thần của Quyết định trên, trách nhiệm quản lý Nhà nước về hệ thống chiếu sáng thuộc Sở Xây dựng, còn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên chiếu sáng và thiết bị đô thị thành phố có nhiệm vụ, điều hành, duy tu, duy trì.
Do thành phố có nhiều con ngõ, cộng với ý thức bảo vệ tài sản công không tốt nên nhiều bóng đèn bị cháy hỏng, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh cũng như an ninh trật tự ở khu dân cư nhưng việc thay thế, sửa chữa lại chưa được như mong mỏi của người dân.
Bà Lê Thị Kim Chung, sinh sống tại ngõ 515 phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, khi phát hiện bóng đèn cháy hoặc dây hư hỏng, người dân phản ánh tới tổ dân phố. Qua nhiều tầng nấc, việc thay thế thiết bị hỏng phải mất 1 tuần. Trong những ngày chờ cấp trên “soi xét”, dân phải chịu cảnh đi lại tối tăm, mất an toàn, an ninh khu ngõ nhưng chẳng biết kêu ai.
Từ thực tế trên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên chiếu sáng và thiết bị đô thị thành phố thừa nhận, muốn thay thế thiết bị, đơn vị phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục như: Ghi nhận hiện trạng, có sự chứng kiến của Sở Xây dựng và tổ dân phố. Sau khi có chữ ký của “3 bên”, bóng đèn đường mới được thay thế.
“Với những quy trình bắt buộc để tránh thất thoát tài sản công; hơn nữa lượng người có hạn, ngõ nhỏ trên địa bàn nhiều nên dẫn đến chậm muộn trong việc thay thế thiết bị hư hỏng”, đại diện Công ty phân trần.
Thêm một dẫn chứng nữa về tình trạng nhiều tầng nấc, nhiều đơn vị cùng quản lý một lĩnh vực ở Hà Nội. Đó là hồ Tây được ví “lá phổi” của thành phố với khoảng 500 ha, có tới 7 sở, ngành và quận cùng quản lý. Nhưng ô nhiễm môi trường nước hồ, cá chết; mất thiết bị gang (sắt) tại lan can và đặc biệt là tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm hồ diễn ra từng ngày. Song đơn vị nào phải chịu trách nhiệm thì lại rất khó phân định. Nhiều đơn vị quản lý khiến cho giá trị của hồ Tây chưa được phát huy.
Nguyên nhân của ùn ứ, chậm muộn
Qua tìm hiểu, tại Hà Nội, cấp thành phố có 23 sở, ngành, 302 đơn vị sự nghiệp tương đương và 198 phòng trực thuộc. Trong đó, nhân sự cho cấp này là 3.329 biên chế. Nhưng khối lượng công việc mà các sở, ngành thành phố phải giải quyết lại rất “khủng” với 1.220 nhiệm vụ, tương đương 1.532 thủ tục hành chính.
Còn 30 quận, huyện, thị xã với 391 phòng chuyên môn có 7.231 biên chế công chức; 2.308 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 89.158 biên chế viên chức. Nhiệm vụ cho cấp này là 358, tương đương 253 thủ tục hành chính phải giải quyết, thực hiện.
Khối xã, phường, thị trấn có 383 xã, 175 thị trấn, tổng số biên chế 6.515 công chức cùng 4.346 người hoạt động không chuyên trách. Trong khi đó, khối xã chỉ phải thực hiện có 173 nhiệm vụ, với 107 thủ tục hành chính.
Phân tích số liệu, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, biên chế cấp huyện cao gấp 2,71 lần số biên chế công chức cấp thành phố nhưng chỉ giải quyết 20,4% nhiệm vụ quản lý nhà nước và 23% thủ tục hành chính. Ở đây có sự bất hợp lý trong thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Bởi theo chức năng, cấp thành phố chỉ tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, thực hiện kiểm tra, giám sát chứ không phải làm thay cho cấp dưới.
Cùng nhìn nhận về nội dung trên, Tiến sỹ Lê Xuân Thân, Đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện cấp thành phố, sở, ngành đang tập trung quá nhiều nhiệm vụ, thủ tục hành chính. Do ôm đồm nhiều việc cũng như tâm lý cấp dưới đẩy việc lên cấp trên để né trách nhiệm, dẫn đến nhiều nhiệm vụ, thủ tục hành chính bị giải quyết chậm muộn, gây bức xúc cho nhân dân.
Song việc quy trách nhiệm lại rất khó vì thiếu sự rạch ròi trong phân công phân nhiệm. Vì thực tế, ít có sở, ngành nào gửi thư xin lỗi tới công dân nhận trách nhiệm về hồ sơ trễ hạn. Đại biểu này cũng đặt câu hỏi, việc trễ hạn khi giải quyết các thủ tục hành chính có nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân tiêu cực, nhũng nhiễu.
Về vấn đề trên, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, để từng bước khắc phục hạn chế, tiến tới một nền hành chính vì dân, thành phố đã chọn khâu đột phá, đó là phân cấp, ủy quyền nhằm cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng, quy định pháp luật Nhà nước. Đây là 1 trong 3 khâu chiến lược về thể chế - nội dung quan trọng nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất trong xây dựng thành phố thông minh.
Bài 2: Giảm đầu mối, tầng nấc trung gian
Báo tin tức