MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội quyết trị xe tự chế

30-06-2018 - 10:05 AM | Xã hội

Bên cạnh việc kiên quyết xử lý xe 3, 4 bánh tự chế không đủ tiêu chuẩn lưu thông sẽ có chính sách hỗ trợ đối với thương bệnh binh, người khuyết tật có phương tiện đi lại, kiếm sống.

Theo lộ trình Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất, ngày 30-6 sẽ là hạn cuối để thu hồi phương tiện không đạt chuẩn, đồng thời triển khai cấp biển số, đăng kiểm cho xe 3, 4 bánh do thương binh điều khiển.

Hơn 3.500 xe là tự chế

Thống kê từ Sở GTVT Hà Nội, TP chỉ có 30 xe 3 bánh đã đăng ký, được phép lưu hành để phục vụ nhu cầu đi lại của thương binh. Trong khi đó, tính đến giữa tháng 5-2018, Hà Nội có 4.367 trường hợp sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế. Trong đó có 861 trường hợp thương bệnh binh, 99 trường hợp người khuyết tật, 3.587 trường hợp khác. Như vậy số xe 3, 4 bánh còn lại phần lớn đều là xe tự chế.

Xe tự chế thường có thiết kế sơ sài, không được đăng ký, không qua kiểm định… và phần lớn dán mác "xe thương binh". Đáng lo ngại hơn khi những xe này thường chở hàng quá khổ, quá tải đi với tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Hà Nội quyết trị xe tự chế - Ảnh 1.

Một xe tự chế chở hàng cồng kềnh bị công an bắt giữ

Theo Sở GTVT Hà Nội, hoạt động xe tự chế bùng phát là do nhu cầu vận tải hàng hóa của người dân trên địa bàn nội thành rất cao. Những chiếc xe này có thể vận chuyển hàng hóa, đồ đạc, vật liệu xây dựng trong các tuyến đường, ngõ nhỏ.

Để giảm thiểu các hệ lụy do xe 3, 4 bánh tự đóng mang lại, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý nhưng chỉ được thời gian ngắn tạm lắng, phương tiện này lại bùng phát, hoạt động mạnh trở lại. Trước thực trạng đó, Sở GTVT Hà Nội cũng nhiều lần đề xuất sẽ thu hồi toàn bộ xe 3, 4 bánh tự chế không bảo đảm quy định và không cho phép phương tiện này vận chuyển hàng hóa.

Lắng nghe thương binh, bệnh binh

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đào Việt Long, Trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội, cho biết sở đã đề xuất lộ trình thu hồi đối với xe 3, 4 bánh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Đối với xe dành cho thương binh, người khuyết tật đủ điều kiện vẫn được phép hoạt động bình thường. "Tuy nhiên, để triển khai thực hiện phải có quyết định của UBND TP. Ngoài ra, phải có các điều kiện, quy định pháp luật như: Bộ GTVT phải ban hành các quy định về đăng kiểm xe, Bộ Công an phải đề xuất về đăng ký xe…" - ông Đào Việt Long nhấn mạnh.

Để triển khai việc này, theo ông Long, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ trong việc chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe 3, 4 bánh để vận chuyển hàng hóa kiếm sống. Hiện Công an TP đã chủ động rà soát, phân loại đối tượng và mục đích sử dụng xe 3, 4 bánh. Qua đó xác định đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để tham mưu các cấp có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc mua sắm phương tiện để phục vụ đi lại, hỗ trợ việc làm và trợ cấp để bảo đảm cuộc sống.

"Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Sở GTVT và Công an TP tổ chức đối thoại với các thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sở hữu, sử dụng xe 3 bánh tự chế để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Qua đó, các cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch cụ thể" - ông Long thông tin.

Xử lý hơn 2.000 trường hợp

Thống kê từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng xử lý hơn 2.000 trường hợp xe 3, 4 bánh tự chế. Riêng từ đầu năm đến nay, CSGT Hà Nội đã xử lý khoảng 500 trường hợp xe 3, 4 bánh tự chế giả danh xe thương binh chở hàng quá khổ, quá tải.

Theo Nguyễn Hưởng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên