Hà Nội rà soát, tháo gỡ khó khăn liên quan đến đất đai trước thềm luật mới có hiệu lực
Thành ủy TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành, quận, huyện rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động hơn trong việc phối hợp thực hiện Luật Đất đai mới.
Rà soát , tháo gỡ khó khăn để chủ động thực hiện Luật Đất đai 2024
Theo đó, Thành ủy TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành, quận, huyện rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động hơn trong việc phối hợp thực hiện. Điển hình như công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất , quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
Đồng thời, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban, ngành tiếp tục rà soát, phân loại, nghiên cứu, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận; chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đảm bảo tinh thần cải cách hành chính, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tiếp tục hoàn thành Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đã được UBND TP phê duyệt, để làm cơ sở kê khai, cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp còn lại.
UBND các quận, huyện, thị xã kịp thời triển khai Dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thi công, đơn vị kiểm tra nghiệm thu của Dự án và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cập nhật những sai sót, phát sinh để kịp thời lên phương án giải quyết, không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai.
UBND cấp xã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát kết quả đo đạc bản đồ địa chính của xã để thông báo cho người sử dụng đất thực hiện việc kê khai, đăng ký, đảm bảo 100% các thửa đất trên địa bàn được kê khai, đăng ký đầy đủ.
Mặt khác, Thành ủy Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm những tiêu cực liên quan đến nội dung cấp giấy chứng nhận; tiếp tục nghiên cứu, tham gia góp ý đối với các dự thảo Quyết định của UBND TP quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của về lĩnh vực đất đai trên địa bàn để ban hành theo quy định của pháp luật.
Được biết, nhờ những chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Thành ủy Hà Nội liên quan đến lĩnh vực đất đai thời gian qua, nên công tác cấp Giấy chứng nhận lần đầu; công tác giải quyết hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP đã có những chuyển biến tích cực.
Hiện, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu và kê khai đăng ký đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân đạt 99,6%; cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 86,28%, cấp cho người mua nhà tái định cư đạt 94,11%; cấp Giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho các cơ sở tôn giáo đạt 72,1%, cho các cơ sở tín ngưỡng đạt 62,17%.
Luật mới giúp thị trường phát triển ổn định
Trao đổi với Tiền Phong về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Luật Đất đai khi luật này chính thức có hiệu lực, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, luật mang tính chủ trương, đường lối để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, trình độ nhận thức tính chất pháp luật về đất đai, của các địa phương không đồng đều và giống nhau.
Do đó, rất cần có những văn bản mang tính chỉ dẫn, để các đơn vị có trách nhiệm và nhiệm vụ thực thi triển khai thông qua thông tư , nghị định hướng dẫn từng nhóm vấn đề, từng chương, từng mục. Và đây là những vấn đề mà Quốc Hội đang thúc đẩy.
Các bộ liên quan đến các luật lần này như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản cũng đang gấp rút soạn thảo các thông tư, nghị định hướng dẫn. Đồng thời, các bộ đã lấy ý kiến của các ngành và có sự tham gia, góp ý của cộng đồng chuyên gia , nhà khoa học và các doanh nghiệp,... để có được những nội dung soạn thảo cuối cùng.
Để làm sao các thông tư, nghị định hướng dẫn khi vận dụng và đời sống sẽ thực sự trở thành cẩm nang để hướng dẫn cho chính quyền các địa phương. Để địa phương có cơ sở tiếp tục xử lý các dự án đang bị ách tắc tại địa phương. Bởi bản thân luật lần này đã tháo gỡ được những nút thắt, rào cản của các mâu thuẫn và chồng chéo của luật lần trước.
Khi giải quyết được những ách tắc đó thì địa phương sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đạt được những mục tiêu về quy hoạch và chiến lược. Đồng thời, khi có các thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể và chi tiết thì các địa phương sẽ có sự yên tâm, hạn chế tâm lý sợ sai trong quá trình xử lý dự án.
Cũng theo ông Đính, các luật mới lần này cũng giúp cho các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, cho quá trình xử lý thủ tục hồ sơ dự án đúng và phù hợp, tránh việc làm sai, dễ bị hiểu nhầm và không thể phê duyệt được. Nhờ đó, bản thân các doanh nghiệp sẽ tuân thủ đúng hơn, đầy đủ và kịp thời hơn các nội dung của pháp luật.
Đặc biệt, người dân và doanh nghiệp đang vô cùng mong đợi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản lần này. Bởi lẽ, các nhà đầu tư, người dân khi tham gia vào đầu tư, mua bán giao dịch bất động sản cũng biết họ cần làm gì, có nghĩa vụ gì. Như vậy thì thị trường sẽ đi theo hướng rõ ràng, công khai, công bằng, thực chất, phát triển bền vững và ổn định...
Tiền phong