Hà Nội sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2021
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết mục tiêu năm 2021 Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, mục tiêu tổng quát năm 2021 là lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế.
- 08-12-2020Thêm 26 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn gần 5 tỷ USD vào Bạc Liêu
- 07-12-2020Viettel, VinaPhone và MobiFone chạy đua 5G ra sao?
- 07-12-2020Đà Nẵng lần đầu tiên trong nhiều năm tăng trưởng âm 9,77%
Sáng 7/12, tại Kỳ họp thứ 18, HĐND Thành phố Khóa XV, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2020; nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Thành phố Hà Nội.
Năm 2020, về cơ bản Thành phố vẫn đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra, trong đó, đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu chủ yếu. Cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 279.359 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 3,5% so với thực hiện năm 2019. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 87.461,9 tỷ đồng, đạt 84,7% dự toán HĐND Thành phố giao đầu năm (91,5% dự toán sau điều chỉnh), trong đó: chi đầu tư phát triển 40.743,9 tỷ đồng, đạt 90,7 dự toán giao đầu năm (93,0% dự toán sau điều chỉnh), chi thường xuyên 46.045,5 tỷ đồng, đạt 95,1% dự toán giao đầu năm (99,3% dự toán sau điều chỉnh).
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, mục tiêu tổng quát năm 2021 là lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế. Phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, xã hội, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tăng cường xây dựng, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng NTM; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh CCHC; thăng hạng các chỉ số PCI, PARIndex; có giải pháp nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh, trật tự xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Dự kiến năm 2021, thành phố sẽ thực hiện 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, GRDP tăng khoảng 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; Kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt NTM.
Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố: giải quyết đạt gần 90% tổng số án thụ lý
Báo cáo HĐND TP, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố cho biết, từ ngày 1/10/2019 đến hết ngày 30/9/2020, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 38.017 vụ án, giải quyết 34.157 vụ, đạt tỷ lệ 89,85%. So với cùng kỳ năm 2019, số án thụ lý tăng 2.171 vụ (bằng 6,05%), số giải quyết tăng 6.449 vụ (bằng 23,27%).
Cụ thể, về án hình sự, TAND hai cấp đã thụ lý 8.907 vụ/15.941 bị cáo (tăng 1.752 vụ so với năm 2019, bằng 24,49%); đã giải quyết 8.741 vụ/15.344 bị cáo (tăng 2.069 vụ so với cùng kỳ 2019, bằng 31,01%); tỷ lệ giải quyết đạt 98,13%. Trong đó, án tham nhũng, chức vụ luôn được Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố quan tâm, khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Trong năm 2020, Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố đã thụ lý 53 vụ/157 bị cáo bị truy tố về tham nhũng, đã giải quyết 44 vụ/135 bị cáo. Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố cũng thụ lý 74 vụ/79 bị cáo phạm các tội liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, đã giải quyết đạt 100%.
Đáng chú ý, TAND hai cấp Thành phố đã thụ lý 14 vụ/46 bị cáo phạm tội liên quan đến băng nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi; đã giải quyết 12 vụ/33 bị cáo, xử phạt tù có thời hạn đối với 12 bị cáo. Đối với tội phạm về ma túy Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố đã thụ lý 3.294 vụ/4.053 bị cáo, đã giải quyết 3.268 vụ/4000 bị cáo. So với năm 2019, số vụ thụ lý tăng 596 vụ/860 bị cáo; số giải quyết tăng 692 vụ/977 bị cáo. Ngoài ra, Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố đã thụ lý 56 vụ/85 bị cán phạm tội về môi trường; đã giải quyết 55 vụ/84 bị cáo; so với cùng kỳ 2019 số vụ thụ lý tăng 30 vụ/57 bị cáo; số giải quyết tăng 31 vụ/59 bị cáo.
TAND hai cấp Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tổ chức xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người không phạm tội và không bỏ lọt tội phạm. Đáng chú ý, Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc xét xử 767 án điểm và lưu động. Một số vụ án phức tạp, trọng điểm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đánh giá cao. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động xét xử đạt được những kết quả tốt, đặc biệt là vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, đã thu hồi được toàn bộ số tiền thiệt hại của Nhà nước là hơn 6.590 tỷ đồng và số tiền bị cán bộ chiếm hưởng là hơn 6 triệu USD; vụ án xảy ra tại thành phố Đà Nẵng đã thu hồi, sung quỹ Nhà nước 13 nhà, đất và kê biên đối với 39 bất động sản...
Chánh án TAND Thành phố Nguyễn Hữu Chính cũng nêu những khó khăn, hạn chế, đó là vẫn còn một số vụ án chậm được giải quyết; án hành chính còn tồn nhiều; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động; biên chế của Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố không được tăng mà phải giảm 10%, trong khi số lượng các vụ án thụ lý tăng bình quân 8-10% và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội còn thường xuyên được Trung ương giao xét xử các vụ án phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm, đòi hỏi phải có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình xét xử...
Viện Kiểm sát Nhân dân TP tỷ lệ giải quyết tin báo đạt 87%
Báo cáo HĐND Thành phố về kết quả công tác kiểm sát năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, đại diện Viện KSND TP Hà Nội nêu: VKS đã thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết đối với 20.868 tố giác tin, tin báo về tội phạm, tăng 1.972 tin so với cùng kỳ năm 2019, giải quyết 18.169 tin, tỷ lệ giải quyết tin báo đạt 87%; ban hành 16.895 yêu cầu xác minh, đã yêu cầu khởi tố 155 vụ án, huy bỏ 1 quyết định khởi tố vụ án, hủy bỏ 1 quyết định không khởi tố vụ án; trực tiếp kiểm sát tại 35 cơ quan điều tra, ban hành 67 kiến nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm trong việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo và 18 kiến nghị yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục thiếu sót trong hoạt động quản lý để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Phối hợp hiệu quả Quy chế phối hợp số 01/2017 giữa 10 sở ngành của thành phố trong việc cung cấp, trao đổi thông tin tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Viện KSND hai cấp đã kiểm sát chặt chẽ, phối hợp với CQĐT đảm bảo việc phân loại, xử lý có căn cứ, đúng pháp luật đối với 8.776 người, tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 99,87%, xử lý hành chính trả tự do chiếm 0,13%.
Viện kiểm sát đã thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra hình sự đối với 10.202 vụ/14.988 bị can (khởi tố mới 8.242 vụ/11.684 bị can), đề ra 8.667 yêu cầu điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội; yêu cầu CQĐT khởi tố 78 bị can; hủy bỏ quyết định khởi tố 6 bị can của CQĐT; yêu cầu thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố 6 vu/12 bị can; không phê chuẩn 6 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, 5 lệnh bắt tạm giam, 69 lệnh tạm giam; không phê chuẩn gia hạn tạm giữ 3 người, hủy bỏ 30 quyết định tạm giữ.
Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam thi hành án hình sự, Viện kiểm sát đã kiểm sát việc tạm giữu 9.172 người, kiểm sát việc tạm giam 13.375 người và thi hành án hình sự 16.337 người gồm tù chung thân, tù có thời hạn, tù hưởng án treo, cải tạo không giam giữ… ban hành 30 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc tạm giữ, tạm giam chủ yếu là giam giữ chung buồng các đối tượng trong cùng vụ án, phạm nhân mang vật dụng cá nhân vào buồng giam giữ, chậm ra quyết định thi hành án, chậm gửi các quyết định thi hành án, chậm áp giải các trường hợp hết thời hạn hoãn và hết thời gian tự nguyện chấp hành án đi thi hành án…
Ngoài ra, Viện kiểm sát đã chủ động thực hiện thẩm quyền trách nhiệm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính đã thụ lý kiểm sát 25.773 vụ, việc sơ thẩm; 1.072 vụ phúc thẩm; Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ 211 vụ việc, ban hành 68 văn bản kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ việc được Tòa án tiếp thu khắc phục.
VKS hai cấp đã phối hợp với Tòa án tổ chức 473 phiên tòa rút kinh nghiệm (sơ thẩm 447, phúc thẩm 26) theo tinh thần cải cách tư pháp. Kháng nghị của VKS được Tòa án chấp nhận đạt tỷ lệ 90,3%, vượt 20,3% so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Thời gian tới, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố sẽ tiếp tục đề ra các biện pháp, giải pháp để quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức cho Viện KSND hai cấp Thành phố khắc phục những tồn tại, hạn chế và phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác năm 2020. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo phục vụ công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc.
Theo VOV