Hà Nội tập trung cao độ ứng phó lũ lụt
Tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, công tác di dời người, tài sản vẫn đang được khẩn trương tổ chức. Đồng thời, chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội đối với các trường hợp khó khăn, bảo đảm an toàn tài sản cho người dân.
- 11-09-2024VIDEO: Cận cảnh chạy lũ lụt của người dân Phúc Tân sau hơn 20 năm
- 11-09-2024Cấm cầu Đáp Cầu nối Bắc Ninh - Bắc Giang khi lũ vượt báo động 3, rất nguy hiểm
- 11-09-2024Người Hà Nội nương tựa nhau “trốn” lũ: Những câu chuyện ấm áp trong đêm
Căn cứ mực nước sông Hồng tại Hà Nội vào hồi 10 giờ 20 phút ngày 11/9 là 15,06 m (mực nước báo động III là 15 m), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm nạn Thành phố Hà Nội lệnh: Báo động I trên sông tại địa phận huyện Ba Vì.
Lũ trên sông Hồng đang lên cao có thể dẫn đến nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông; mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh...
Nước lũ cũng có khả năng gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân...
Di dời người dân tránh ngập lụt
Thông tin của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, đến ngày 11/9, quận Bắc Từ Liêm đã di dời 836 hộ dân (đạt 100%) ngoài đê sông Hồng đến nơi an toàn, thuộc 4 phường: Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát.
Quận Hai Bà Trưng có 2 phường Bạch Đằng và Thanh Lương có nhiều hộ dân sinh sống tại bờ vở sông Hồng. Cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng của lũ di dời về nơi an toàn.
Quận Ba Đình đã hoàn thành di dời 276 hộ dân với 1.059 nhân khẩu dọc bờ vở sông Hồng thuộc phường Phúc Xá. Những người dân trong diện di dời được đảm bảo an toàn, cấp phát nước và thực phẩm đầy đủ.
Huyện Đan Phượng đã di dời 66 hộ với 261 nhân khẩu; vận chuyển 1.924 con lợn, 8.762 gia cầm, 41 con trâu bò về nơi an toàn.
Huyện Thanh Trì đã di chuyển 32 hộ dân tại các vùng bị úng ngập cục bộ tại các xã: Duyên Hà, Liên Ninh với 71 người đến nơi ở an toàn.
Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, các phường đã bố trí địa điểm di dời nhân dân. Cụ thể, phường Cầu Diễn bố trí phòng đơn cho người già, trẻ nhỏ và bố trí 4 hội trường lớn cho 30 hộ gia đình với khoảng 40 người, cung cấp nước, mỳ tôm, cơm suất, trứng. Phường Phú Đô bố trí Trung tâm văn hóa phường cho 17 hộ với 50 người. Mỗi hộ được phường hỗ trợ một số nhu yếu phẩm: 10kg gạo, 1 thùng lương khô và 1 thùng mỳ tôm.
Phường Đại Mỗ đã di dời 12 hộ dân với 28 người. Phường Trung Văn đã xây dựng phương án di dời dân khu vực ngập úng về nhà văn hóa tổ dân phố 17, 18; vận động 15 hộ với 40 nhân khẩu bị ngập lụt di chuyển đến nơi ở an toàn. Hiện nay, các hộ đã tự di chuyển đến tạm cư ở nhà người thân.
Quận Hai Bà Trưng, phường Bạch Đằng đã tuyên truyền, vận động di dời được toàn bộ 70 hộ dân sát mép nước bờ vở sông Hồng ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời tuyên truyền, vận động được 33 hộ dân khác trên khu vực bờ vở di dời đảm bảo an toàn. Phường Thanh Lương đã di dời 4 hộ dân với 15 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại những nơi tiếp nhận người dân sơ tán, các phường, đơn vị cùng các lực lượng ứng trực đã chăm lo chu đáo nơi ở, đời sống nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân.
Đảo đảm an toàn giao thông
Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông trên tuyến đường, tại những điểm đang úng ngập, các lực lượng công an cơ sở vẫn ứng trực bảo đảm đưa người dân qua các khu vực trên an toàn.
Sáng 11/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội ban hành Lệnh số 63/L-BCH, báo động lũ cấp 2 trên sông Đuống, tại địa phận quận Long Biên và các huyện: Đông Anh, Gia Lâm.
Ở những điểm cấm lưu thông như đường gom Đại lộ Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Trung Hà…, lực lượng công an đặt hàng rào, hướng dẫn người và phương tiện không đi vào khu vực nguy hiểm.
Sáng 11/9, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn từ Km191 đến Km192m ngập sâu cả hai chiều. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng tiếp tục khuyến cáo các phương tiện hạn chế qua khu vực này, đặc biệt là xe gầm thấp.
126 trường tạm dừng đón học sinh do ảnh hưởng của mưa lớn
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngày 11/9, toàn Thành phố có 126 trường tạm dừng đón học sinh học tập trực tiếp tại trường do ảnh hưởng của mưa lớn.
Với đặc thù cấp học, trừ các trường mầm non bị ngập nặng không thể đón học sinh, nhiều trường mầm non vẫn tổ chức đón trẻ nếu bố mẹ phải đi làm, gia đình không có người chăm sóc con. Nhiều trường phổ thông đã thông báo chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến.
Đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh sau bão số 3
Nhằm bảo đảm nước sạch, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, quản lý chất thải sau bão số 3 và mưa lũ năm 2024, Sở Y tế Hà Nội ban hành Kế hoạch số 4301/SYT-NVY gửi các đơn vị y tế trong và ngoài công lập trực thuộc để triển khai.
Các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, cơ số thuốc để tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên.
Các đơn vị kiện toàn các đội cấp cứu cơ động, đội phẫu thuật cơ động, sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ. Nghiêm túc thực hiện công tác ứng trực, đáp ứng y tế theo quy định.
Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với phòng y tế và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đảm bảo nước sạch. Các đơn vị cấp phát cơ số thuốc để kịp thời điều trị đối với một số bệnh thường gặp mùa mưa bão (da liễu, tiêu hóa, mắt, sốt xuất huyết…) trên địa bàn theo phương án 4 tại chỗ, nhất là đối với các địa phương xảy ra ngập úng.
Các đơn vị tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chủ động công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát trung tâm y tế quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động. CDC Hà Nội cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt, công tác thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc trong các khu vực ngập úng, khu vực nguy cơ.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng đến tay người dân.
Báo Kiểm toán
- Khách hàng tăng tốc kinh doanh cuối năm với gói vay ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm
- ABBank giảm tới 1,5%/năm lãi suất cho vay khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ
- Điện Máy Xanh bắt đầu tặng 10.000 nồi cơm điện cho đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ
- BIDV giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3
- Chủ tịch MB: Quý IV, MB tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp