Hà Nội thưởng Tết cao nhất 400 triệu đồng/người
Mức thưởng Tết Quý Mão cao nhất ở khu vực Hà Nội thuộc về doanh nghiệp dân doanh với 400 triệu đồng/người.
- 24-12-2022Thưởng Tết 2023: Xu hướng giảm và chênh lệch lớn
- 24-12-2022Hà Nội yêu cầu chấn chỉnh hoạt động kiểm định xe cơ giới
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội mới đây đã có báo cáo nhanh tình hình tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng Tết Âm lịch năm 2023.
Cụ thể, đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là 860.000 đồng/người, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 3.200.000 đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 400.000 đồng/người.
Mức thưởng Tết Quý Mão 2023 của loại hình doanh nghiệp này bình quân là 3.100.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 20.000.000 đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Loại hình Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của nhà nước có mức thưởng Tết Dương lịch, bình quân là 500.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 3.000.000 đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 400.000 đồng/người.
Thưởng Tết Quý Mão năm 2023 của loại hình doanh nghiệp này bình quân là 3.300.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 35.000.000 đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 550.000 đồng/người.
Khối doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là 650.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 29.200.000 đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.
Đối với Tết Quý Mão năm 2023, khối doanh nghiệp này có mức thưởng bình quân là 3.550.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 400.000.000 đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Khối doanh nghiệp FDI có mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là 600.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 125.000.000 đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 350.000 đồng/người.
Còn đối với Tết Quý Mão năm 2023, khối doanh nghiệp FDI có mức thưởng bình quân: 4.100.000 đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 280.000.000 đồng/người; doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Như vậy, so với năm 2022, mức thưởng Tết năm 2023 tại Hà Nội giảm nhẹ. Bình quân thưởng Tết Nguyên đán trong các khối từ 3.100.000 - 4.100.000 đồng/người (năm 2022 là 3.200.000 - 4.200.000 đồng/người). Bình quân thưởng Tết Dương lịch từ 500.000 - 860.000 (năm 2022 là 550.000 - 900.000 đồng/người).
Trước đó, ngày 15/12, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội dự báo, tiền thưởng của người lao động giảm hơn so với năm 2022, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ... Nguyên nhân, do nhiều doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công...
Liên quan đến vấn đề thưởng Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương khảo sát, nắm tình hình thực hiện quy định về lương tối thiểu, trả lương, tiền thưởng, nợ lương và kế hoạch thưởng Tết theo kết quả sản xuất, kinh doanh cho người lao động ở các doanh nghiệp, báo cáo về Bộ trước ngày 25/12/2022. Đến nay, qua số liệu thống kê đã có khoảng trên 20 địa phương có báo cáo thưởng Tết.
Có bắt buộc phải thưởng Tết Âm lịch 2023 cho người lao động?
Tiền thưởng Tết là một khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động nhằm động viên, khích lệ người lao động sau 1 năm làm việc, đồng thời giúp người lao động gặp khó khăn có thêm thu nhập để sắm Tết.
Hiện nay, pháp luật không có bất kỳ quy định nào bắt buộc công ty, người sử dụng lao động phải thưởng Tết Âm lịch cho người lao động. Tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
+ Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
+ Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo như quy định trên thì người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động. Người sử dung lao động sẽ căn cứ vào tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty để quyết định có xây dựng quy chế thưởng Tết Âm lịch cho người lao động hay không.
Quy chế thưởng Tết Âm lịch sẽ do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc khi đã tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động.
Bên cạnh đó, nếu như người sử dụng lao động có quyết định thưởng Tết Âm lịch 2023 cho người lao động thì việc thưởng Tết cũng không bắt buộc phải thực hiện bằng tiền.
Thay vào đó, người sử dụng lao động có thể sử dụng tài sản hoặc là thưởng Tết Âm lịch 2023 theo hình thức khác mà người sử dụng lao động căn cứ vào kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động để quyết định.
Mặc dù thưởng Tết là không phải quy định bắt buộc, nhưng từ nhiều năm nay đã trở thành một nét văn hóa, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.
VTV