MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội và TP. HCM liên tục chiếm trên 70% quy mô thương mại điện tử của cả nước

Hà Nội và TP. HCM liên tục chiếm trên 70% quy mô thương mại điện tử của cả nước

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thực hiện, trong nửa đầu của giai đoạn phát triển nhanh 2016 – 2020, khoảng cách trong lĩnh vực thương mại điện tử giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 61 địa phương còn lại hầu như không thay đổi. Tình hình này cho thấy các địa phương chưa khai thác được những cơ hội do thương mại điện tử mang lại.

Năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 với 67,6 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 55,7 điểm. Đứng thứ ba trong bảng xếp hạng là Đà Nẵng với 19,0 điểm. Địa phương đứng thứ ba này có khoảng cách rất xa so với hai địa phương dẫn đầu.

Điểm trung bình của Chỉ số năm nay là 8,5 điểm, phản ảnh khoảng cách rất lớn giữa hai đầu tàu là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 61 tỉnh thành khác.

Liên tục từ Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2016 tới nay, VECOM luôn luôn nhấn mạnh tới sự chênh lệch rất lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử giữa hai thành phố này với các địa phương khác. Trong suốt giai đoạn trên, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục chiếm trên 70% quy mô thương mại điện tử của cả nước.

Hà Nội và TP. HCM liên tục chiếm trên 70% quy mô thương mại điện tử của cả nước - Ảnh 1.

Nguồn: VECOM

Chẳng hạn, sự chênh lệch này thể hiện rõ nhất qua dịch vụ chuyển phát hàng hoá bán lẻ trực tuyến. Khảo sát của VECOM năm 2020 đối với những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho bán lẻ hàng hoá trực tuyến cho thấy tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 60% tổng bưu gửi của toàn thị trường 63 địa phương. Thứ hai, tỷ lệ bưu gửi của 5 địa phương đứng đầu tiếp theo chiếm 12%. Như vậy, 56 địa phương còn lại chỉ chiếm 28% bưu gửi. Thứ ba, có sự chênh lệch rất lớn, thông thường từ 10 đến 20 lần giữa tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội hoặc Tp. Hồ Chí Minh với địa phương đứng thứ ba.

Đối với 514.632 tên miền quốc gia .VN duy trì năm 2020, theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có 371.454 tên miền, chiếm 72% của cả nước. Số tên miền .VN của 5 địa phương hàng đầu tiếp theo là 37.606, chỉ chiếm 7% tên miền của cả nước. Giống như mức độ chênh lệch rất lớn của dịch vụ chuyển phát hàng hoá bán lẻ trực tuyến, số tên miền của địa phương đứng đầu gấp 20 lần của địa phương đứng thứ ba.

Đối với thị trường gọi xe và giao đồ ăn công nghệ, cho tới nay hầu như toàn bộ giao dịch diễn ra ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. 

Chỉ số thương mại điện tử năm 2021 phản ảnh rõ ràng một cách định lượng khoảng cách giữa các địa phương. Điểm số trung bình của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vượt xa điểm số trung bình của nhóm năm địa phương tiếp theo. 

Điểm số trung bình của 56 địa phương còn lại rất thấp và không có sự chênh lệch đáng kể giữa các địa phương này. Điều này phản ảnh thứ hạng của nhóm thứ ba này có ý nghĩa tương đối và có thể nhanh chóng thay đổi qua từng năm nếu những địa phương này nỗ lực triển khai các hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử. Các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nam Bộ có mức độ phát triển thương mại điện tử thấp nhất.

Như vậy, có thể thấy trong nửa đầu của giai đoạn phát triển nhanh 2016 – 2020, khoảng cách trong lĩnh vực thương mại điện tử giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 61 địa phương còn lại hầu như không thay đổi. Tình hình này cho thấy các địa phương chưa khai thác được những cơ hội do thương mại điện tử mang lại, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chậm mở rộng quy mô kinh doanh và tăng trưởng bền vững.

Trong nửa sau của giai đoạn phát triển nhanh 2021 – 2025, để đạt được mục tiêu các địa phương ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch thương mại điện tử B2C của toàn quốc, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hành động quyết liệt của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các Sở Công Thương, và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Từ năm 2021, xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử sẽ được tổng hợp từ ba trụ cột:

1) Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (NNL&HT);

2) Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C);

3) Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Từ năm 2020 Chính phủ điện tử đã phát triển mạnh mẽ tại các địa phương. Mặt khác, nhiều dịch vụ công trực tuyến liên quan tới thương mại điện tử do các bộ ngành cung cấp. Khoảng cách về chính phủ điện tử giữa các địa phương ngày càng thu hẹp. Do đó, VECOM sẽ ngừng sử dụng trụ cột về Giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B) khi tính Chỉ số thương mại điện tử.

Báo cáo được công bố tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam - VOBF 2021 sáng ngày 20/4. Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam là sự kiện thường niên do Hiệp hội Vecom tổ chức. Với chủ đề "Chuyển đổi từ hôm nay", VOBF 2021 mang đến bức tranh toàn cảnh và những thông tin dự báo cho các doanh nghiệp TMĐT có những chiến lược thay đổi để thích ứng, sinh tồn và phát triển.

Nhã Mi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên