MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội xem xét bổ sung 30.000 tỷ đồng thực hiện các dự án trọng điểm

Hà Nội xem xét bổ sung 30.000 tỷ đồng thực hiện các dự án trọng điểm

UBND TP Hà Nội đề xuất bổ sung 30.000 tỷ đồng từ nguồn huy động của thành phố để thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án đã được Thành ủy thông qua.

Ngày 12/9, tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội đã xem xét tờ trình về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và Định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP Hà Nội.

Rà soát việc phân bổ cho 115 dự án

Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn trình bày 3 tờ trình về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 ngân sách cấp TP. Theo tờ trình của UBND TP, đầu tư công năm 2022 của cấp TP có tổng số kế hoạch vốn giao là 51.582,9 tỷ đồng, kết quả giải ngân đến ngày 22/8/2022 của toàn TP là 13.843,246 tỷ đồng, đạt 27,1% kế hoạch đã giao.

UBND TP đã đưa ra 5 nguyên tắc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của cấp TP, bao gồm nguyên tắc xác định cho các dự án giảm vốn, nguyên tắc xác định cho các dự án cần tăng vốn. Phương án điều chỉnh xác định giữ nguyên tổng vốn Kế hoạch của năm (51.582,952 tỷ đồng), chỉ điều chỉnh đối với các yếu tố cấu thành trong tổng kế hoạch này: dự án cấp TP điều chỉnh giảm 1.228,3 tỷ đồng; giảm kinh phí thực hiện một số mục tiêu (thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng khu đấu giá cấp TP, hỗ trợ ngành dọc) với số vốn 1.506 tỷ đồng; bổ sung 16,1 tỷ đồng cho các dự án cấp huyện được ngân sách TP hỗ trợ.

Hà Nội xem xét bổ sung 30.000 tỷ đồng thực hiện các dự án trọng điểm - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp.

Tổng nguồn vốn chưa bố trí sau khi đã điều chỉnh, điều hòa các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp TP và hỗ trợ cấp huyện là 2.718,2 tỷ đồng (1.506 tỷ đồng + 1.212,2 tỷ đồng) được phân bổ thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ mới và tăng vốn cho một số dự án theo nhu cầu triển khai.

Thẩm tra các nội dung này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP thống nhất sự cần thiết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu hấp thụ vốn thực tế trên địa bàn. Đồng thời, thống nhất với các nguyên tắc, phương án điều chỉnh do UBND TP trình.

Bên cạnh đó, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND TP làm rõ về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của TP thấp, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (đến hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân của TP là 27,1% trong khi tỷ lệ giải ngân của cả nước là 35,49%). Qua báo cáo, còn hơn 3.234,6 tỷ đồng đã xác định nguồn vốn thực hiện một số nhiệm vụ nhưng chưa được phân bổ chi tiết, chiếm tỷ trọng gần 14,8% kế hoạch vốn ngân sách TP. Rà soát việc phân bổ cho 115 dự án (trong đó hầu hết là các dự án mới khởi công năm 2022, nhiều dự án mới được cấp huyện phê duyệt quyết định đầu tư trong những ngày cuối tháng 8/2022) để TP hỗ trợ với tổng nhu cầu vốn của giai đoạn 2023-2025 lên tới khoảng 2.200 tỷ đồng…

Mới phê duyệt 33/137 dự án đầu tư công

Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với đánh giá của UBND TP và sự cần thiết điều chỉnh, cập nhật bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đáp ứng kịp thời các dự án quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Để đảm bảo phù hợp quy định cũng như đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc điều chỉnh, cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã đề ra, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND TP báo cáo làm rõ thêm các dự án đề nghị cập nhật, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là đáp ứng đủ thủ tục để đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định. UBND TP rà soát đối với các dự án hoàn thành trong giai đoạn phải bố trí đủ vốn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu kinh phí thực hiện, tránh trường hợp thiếu hụt trong cân đối tổng nguồn cần đảm bảo.

Cùng với đó, tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án còn rất chậm. Có 137 dự án đã được HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng UBND TP mới phê duyệt 33/137 dự án, đạt 24% dự án HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó còn 169 dự án đã được dự nguồn kế hoạch vốn trung hạn chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư với số vốn là 25.337,6 tỷ đồng.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đến thời điểm hiện nay, đã gần hết nửa thời gian kế hoạch trung hạn, song mới có khoảng 1/3 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư nên tiềm ẩn nguy cơ chậm so với tiến độ và kế hoạch vốn cân đối đã được phê duyệt.

Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND TP rà soát, chỉ đạo dứt điểm, tập trung hoàn thiện thủ tục và nhanh chóng triển khai thi công đảm bảo theo tiến độ, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm TP.

Ban Kinh tế - Ngân sách cũng thống nhất bổ sung nguồn vốn huy động của TP để thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án đã được Thành ủy thông qua. UBND TP đề xuất bổ sung 30.000 tỷ đồng từ nguồn huy động của TP là nằm trong phạm vi hạn mức dư nợ vay của TP.

Đồng thời, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND TP tiếp tục rà soát, cập nhật phương án sử dụng nguồn vốn bổ sung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 phù hợp với dự kiến nhu cầu vốn của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô lớn (như dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đang được UBND TP trình HĐND TP về chủ trương đầu tư trong kỳ họp này); đề nghị làm rõ danh mục 10 dự án, công trình trọng điểm dự kiến sử dụng 16.260 tỷ từ nguồn bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 dự kiến 52.600 tỷ đồng

Về định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP, hiện nay, bộ, ngành TƯ chưa thông báo nguồn kế hoạch vốn năm 2023 cho TP Hà Nội, UBND TP đã sơ bộ xác định tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 dự kiến 52.600 tỷ đồng, tương đương năm 2022, đồng thời đã xác định định hướng, trọng tâm đầu tư và dự kiến phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, nhóm ngành.

Theo đó, TP dự kiến tập trung bố trí vốn để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của TP (xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn I; Cung Thiếu nhi; dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II...).

Hà Nội xem xét bổ sung 30.000 tỷ đồng thực hiện các dự án trọng điểm - Ảnh 2.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang được gấp rút xây dựng.

Trong đó, đặc biệt ưu tiên bố trí vốn cho dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo tiến độ triển khai; các dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án có tính chất liên kết vùng (cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình...); các dự án nhiệm vụ chi cấp TP thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá của thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. TP phấn đấu trong năm 2023, hoàn thành 80 dự án.

Tại kỳ họp, UBND TP cũng trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 1 dự án nhóm B thuộc lĩnh vực hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể với tổng mức đầu tư dự kiến là 107,3 tỷ đồng với nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 cấp TP là 90 tỷ đồng.

Theo Minh Tuệ/VTC News

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên