MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ tầng - “chìa khóa” thu hút vốn đầu tư chất lượng cao

Hạ tầng - “chìa khóa” thu hút vốn đầu tư chất lượng cao

Thu hút FDI tiếp tục khả quan cho thấy niềm tin mở rộng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong đó hạ tầng có vai trò quan trọng để thu hút vốn đầu tư chất lượng cao.

6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được trên 14 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đáng chú ý, vốn điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần đều tăng lần lượt là trên 65%, trên 41% so với cùng kỳ. Còn vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng gần 9%. Các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xây dựng thành phố thông minh để thu hút đầu tư

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 49 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,53 tỷ USD. Theo sau là TP Hồ Chí Minh vượt lên đứng thứ hai, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội…

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương.

Với tỉnh Bình Dương, khu vực này đang tiếp tục thể hiện lợi thế cạnh tranh lớn thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

Hạ tầng - “chìa khóa” thu hút vốn đầu tư chất lượng cao - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được trên 14 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vừa vinh danh Bình Dương là 1 trong top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2022, qua đó tạo dựng hạ tầng thuận lợi cho các dự án đầu tư tại đây.

Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo với những Trung tâm Điều hành Thông minh, vườn ươm doanh nghiệp Becamex, Trung tâm sản xuất tiên tiến, trung tâm thương mại thế giới… Nâng cao sự tiện ích của thành phố thông minh là yếu tố then chốt cho thu hút đầu tư.

6 tháng đầu năm nay, tỉnh Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,53 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 98,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia, thách thức với những địa phương có lợi thế cạnh tranh sẵn có thu hút FDI nhiều năm qua đó là vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ, giữ sự cân bằng trong cơ cấu kinh tế, đầu tư hạ tầng giao thông bài bản và chất lượng, kết nối với cảng biển, cảng hàng không quốc tế, phát triển nguồn nhân lực.

Xây dựng thành phố thông minh trên thế giới

Thành phố thông minh, đô thị thông minh đang trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia, nhất là tại khu vực châu Á. Thành phố thông minh cho phép ứng dụng không giới hạn thành tựu khoa học công nghệ, tạo ra một môi trường sống kết nối và siêu tiện nghi. Tuy nhiên, để tạo ra được hệ thống thành phố, đô thị thông minh đồng bộ, vai trò của chính phủ là rất quan trọng, điển hình là tại Nhật Bản hay Singapore.

Thành phố thông minh nổi tiếng Fujisawa của Nhật Bản, tại tỉnh Kanagawa nằm ngay sát thủ đô Tokyo. Đây là thành phố thông minh đầu tiên được triển khai nhằm hiện thực hóa chiến lược "xã hội 5.0" của Nhật Bản.

Chiến lược "xã hội 5.0", chính thức được Chính phủ nước này triển khai từ năm 2017, hướng tới xây dựng những thành phố thông minh đảm bảo các tiêu chí như: tăng cường chăm sóc sức khỏe con người, giảm tối đa phát thải khí nhà kính, ứng phó với thiên tai, ứng dụng tối đa các công nghệ hiện đại như: trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, tự động hóa…

Hướng đến mô hình "Xã hội 5.0", giới chức địa phương đã xây dựng hệ thống thu thập thông tin của mọi cư dân để xây dựng cơ sở dữ liệu nền cho tất cả các loại dịch vụ số. Các thành phố thông minh đều không phát triển tách biệt, mà có đồng bộ theo chiến lược "xã hội 5.0". Đầu tư xây dựng thành phố thông minh có chi phí cao, tuy nhiên giá trị đem lại trong tương lai là vô cùng lớn.

Để xây dựng thành phố thông minh, chính phủ Singapore triển khai kế hoạch Smart Nation, gồm: Hệ thống nhận diện điện tử cấp quốc gia; Cổng thanh toán điện tử; Hệ thống cảm biến thông minh trên cả nước; Nền tảng giao thông đô thị thông minh.

Một công cụ đắc lực khác trong xây dựng đô thị thông minh được Chính phủ Singapore triển khai từ năm 2014 là Virtual Singapore. Đây là một bản sao kỹ thuật số có thể tương tác được, được hiển thị dưới dạng hình ảnh 3 chiều. Virtual Singapore cho phép Chính phủ quan sát hoạt động của toàn bộ kết cấu hạ tầng của thành phố theo thời gian thực, giúp theo dõi, phân tích mọi thứ, từ tình hình an ninh cho đến mật độ dân cư, chất lượng không khí…

Các chuyên gia cho rằng, hoạt động chuyển đổi số được thúc đẩy với việc hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong sản xuất với các nhà máy thông minh; nâng cấp nền sản xuất tạo ra các công cụ sản xuất mới... sẽ là những ưu tiên mà các địa phương, trung tâm sản xuất công nghiệp cần hoàn thiện để thu hút dòng vốn chất lượng cao.

Theo báo cáo đánh giá của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) năm 2021, sau 2 năm ảnh hưởng COVID 19, thực tế sụt giảm FDI xảy ra nhiều hơn ở các nền kinh tế phát triển, dòng vốn FDI tại đây đã giảm 58%, lý do một phần vì tái cơ cấu doanh nghiệp và các dòng tài chính ổn định.

Trong khi đó, FDI ở các nền kinh tế đang phát triển giảm ít hơn với mức 8%, chủ yếu là do quá trình chuyển đổi linh hoạt tại châu Á. Theo xu hướng này, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu thú FDI nhiều nhất trên thế giới, với sự chuyển biến tích cực chuyển đổi số từ hạ tầng đến quản trị.

Chương trình Vấn đề hôm nay (29/6) với sự tham gia của PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, và TS. Phạm Tuấn Anh, Giám đốc văn phòng Thành phố Thông minh Becamex tỉnh Bình Dương, sẽ bàn luận về xu hướng thu hút đầu tư vào Việt Nam hiện nay. Mời quý vị theo dõi qua video trên!

Theo Ban thời sự

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên