MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao giờ khởi công đường sắt tốc độ cao?; số phận tòa nhà ‘chọc trời’ Hà Nội

Thủ tướng thị sát cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt tốc độ cao 350km/giờ, phấn đấu khởi công trước năm 2030; giá vàng nhẫn tăng vùn vụt; bà Nguyễn Phương Hằng ngồi 'ghế nóng' Công ty Đại Nam; hơn 6.500 người mới bị tạm hoãn xuất cảnh... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Thủ tướng thị sát cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Sáng 26/9, tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành . Dự án có điểm đầu tại nút giao Gò Dưa nằm trên đường Vành đai 2 TPHCM, điểm cuối giao với Quốc lộ 14 tại thị xã Chơn Thành (Bình Phước) với tổng chiều dài toàn tuyến gần 69km.

Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư tuyến đường qua Bình Dương khoảng 9.000 tỷ đồng, đoạn qua Bình Phước khoảng 500 tỷ đồng, đoạn qua TPHCM khoảng 2.600 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của các địa phương. Giai đoạn 2 của dự án có tổng mức đầu tư 13.500 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ triển khai từ năm 2023-2025, song song với quá trình triển khai thực hiện kêu gọi nhà đầu tư triển khai giai đoạn 2 theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Bao giờ khởi công đường sắt tốc độ cao?; số phận tòa nhà ‘chọc trời’ Hà Nội- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về dự án.

Qua khảo sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là tuyến đường trọng điểm kết nối liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra không gian phát triển mới cho toàn khu vực, khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất, tạo cơ cở hạ tầng tốt và thu hút đầu tư hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Thủ tướng cũng lưu ý, quá trình triển khai các dự án cần tính toán hợp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đối với người dân có đất mà dự án đi qua, tỉnh cần đầu tư xây dựng các khu tái định cư sớm, bố trí tái định cư phù hợp để người dân nhanh chóng ổn định đời sống sau khi Nhà nước thu hồi đất.

Đường sắt tốc độ cao 350km/giờ, phấn đấu khởi công trước năm 2030

Sáng 25/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp với các bộ, ngành về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam .

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bao giờ khởi công đường sắt tốc độ cao?; số phận tòa nhà ‘chọc trời’ Hà Nội- Ảnh 2.

Dự án đường sắt tốc độ cao được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả khi sẽ xây mới tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Tuyến đường sắt này vận chuyển hành khách, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Riêng tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn.

Phạm vi đầu tư của dự án có điểm đầu tại TP. Hà Nội: Tổ hợp ga Ngọc Hồi (đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội). Điểm cuối tại TPHCM: Ga Thủ Thiêm (đầu mối vận chuyển hành khách phía đông của khu đầu mối đường sắt TPHCM).

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ GTVT đặt mục tiêu phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước năm 2025; giải phóng mặt bằng, khởi công trước năm 2030; hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.

Giá vàng nhẫn tăng vùn vụt

Sáng 28/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn tròn 81,5 - 83 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào - bán ra.

Giá vàng nhẫn tròn được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết 82,54 - 83,44 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 310.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 110.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn tròn 82,5 - 83,35 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào - bán ra.

Bao giờ khởi công đường sắt tốc độ cao?; số phận tòa nhà ‘chọc trời’ Hà Nội- Ảnh 3.

Giá vàng nhẫn tròn tiếp tục lập kỷ lục mới, lên mức 83,44 triệu đồng/lượng. Ảnh: BTMC.

Giá vàng nhẫn tròn trong nước tiếp tục lập kỷ lục mới 83,44 triệu đồng/lượng. Kể từ đầu năm tới nay, giá vàng nhẫn tròn tăng 7,5 triệu đồng/lượng. Trừ chênh lệch giá mua vào - bán ra, người nắm giữ vàng nhẫn tròn lãi 6 triệu đồng/lượng.

Các doanh nghiệp vàng niêm yết giá vàng miếng SJC 81,5 - 83,5 triệu đồng/lượng, đi ngang so với các phiên giao dịch trước đó.

Các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) niêm yết giá vàng miếng SJC bán ra 83,5 triệu đồng/lượng.

Bà Nguyễn Phương Hằng ngồi 'ghế nóng' Công ty Đại Nam

Ngày 24/9, đại diện Công ty Cổ phần Đại Nam cho biết, ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Đại Nam - đã ký quyết định về việc phục hồi chức vụ cho bà Nguyễn Phương Hằng .

Bà Nguyễn Phương Hằng được phân công giải quyết các vấn đề thuộc chức năng và quyền hạn của Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc thứ nhất, kiêm Tổng giám đốc điều hành KDL Đại Nam.

Bao giờ khởi công đường sắt tốc độ cao?; số phận tòa nhà ‘chọc trời’ Hà Nội- Ảnh 4.

KDL Đại Nam nơi bà Nguyễn Phương Hằng điều hành.

Trước đó, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm đã phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Sau đó, TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm đã giảm án xuống cho bà Nguyễn Phương Hằng còn 2 năm 9 tháng tù giam.

Bà Nguyễn Phương Hằng đã chấp hành án phạt tù tại trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, Bình Dương). Theo thời gian thụ án, bà Hằng sẽ chấp hành bản án đến ngày 24/12/2024. Tuy nhiên, do chấp hành tốt nội quy, bà đã được giảm án và ra tù sớm hơn vào ngày 19/9 vừa qua.

Hơn 6.500 người mới bị tạm hoãn xuất cảnh

Ngày 27/9, tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - trả lời câu hỏi về việc cấm xuất cảnh doanh nghiệp nợ thuế .

Theo ông Minh, Luật Quản lý thuế quy định tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện pháp nhân của doanh nghiệp. Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong nhiều biện pháp cưỡng chế của cơ quan thuế. Đối với trường hợp cấm xuất cảnh người đại diện doanh nghiệp cụ thể, trước khi tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế áp dụng nhiều giải pháp cưỡng chế thuế với doanh nghiệp.

“Trách nhiệm cá nhân phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Trường hợp cá nhân cụ thể bị cấm xuất cảnh do nợ thuế, cơ quan thuế sẽ đưa ra giải pháp phù hợp đảm bảo tuân thủ pháp luật”, ông Minh cho biết.

Cơ quan thuế đề xuất tạm hoãn xuất cảnh 2.411 trường hợp nợ thuế trong năm 2023 và tạm hoãn xuất cảnh với hơn 6.500 trường hợp kể từ đầu năm tới nay.

Rao bán tòa nhà Landmark 72 cao 'chọc trời' Hà Nội

Theo Korea Economic Daily , Công ty Tái bảo hiểm toàn cầu Aon Plc - chủ sở hữu Landmark 72, tòa nhà cao nhất Hà Nội và là tòa nhà cao thứ hai của Việt Nam - muốn bán 100% cổ phần bất động sản này với giá hơn 1.000 tỷ won (hơn 18.400 tỷ đồng).

Bao giờ khởi công đường sắt tốc độ cao?; số phận tòa nhà ‘chọc trời’ Hà Nội- Ảnh 5.

Khu phức hợp ba tòa nhà Landmark 72.

Theo nguồn tin của ngân hàng đầu tư tại Seoul, Hàn Quốc, công ty tái bảo hiểm được niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York đang đàm phán với đối tượng đấu thầu tiềm năng để bán toàn bộ cổ phần bất động sản tọa lạc tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Một số công ty quản lý quỹ bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn đang cân nhắc mua lại tòa nhà chọc trời.

Hiện, Công ty Chứng khoán Mirae Asset của Hàn Quốc cùng các cổ đông trong khu phức hợp ba tòa nhà để mắt đến khoản lợi nhuận hấp dẫn khi Landmark 72 được rao bán.

Aon Plc mua lại tòa nhà Landmark 72 với giá 454 tỷ won (khoảng 8.350 tỷ đồng) vào năm 2015 từ SM Keangnam Enterprises Ltd., công ty xây dựng tầm trung đến từ Hàn Quốc. Năm đó, công ty tái bảo hiểm thắng thầu sau khi cạnh tranh với với Goldman Sachs và quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA).

Túi xách Hermes bạch tạng bà Trương Mỹ Lan muốn xin lại có gì đặc biệt?

Tại phiên xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, trong giai đoạn 2, bị cáo bị thu giữ nhiều tiền bạc, tài sản nhưng không nhớ chi tiết. Tuy nhiên, bị cáo nhớ có 2 túi xách Hermes bạch tạng do một tỷ phú người Malaysia tặng. Bà Lan mong muốn xin lại 2 chiếc túi này vì đây là vật kỷ niệm, muốn giữ lại cho con cháu.

Bao giờ khởi công đường sắt tốc độ cao?; số phận tòa nhà ‘chọc trời’ Hà Nội- Ảnh 6.

Một mẫu túi túi xách Hermes bạch tạng. Ảnh: Luxity.

Hermes Himalayan Crocodile Birkin, được mệnh danh là chiếc túi xách đắt nhất thế giới. Giá thấp nhất cũng lên tới 2,5 tỷ đồng. Trên thế giới, số người sở hữu nó rất ít, và phải là những người có rất nhiều tiền.

Màu sắc độc đáo của chiếc túi Hermes này nhằm gợi lên những đỉnh núi phủ trắng trên dãy Himalaya. Túi Hermes bạch tạng có sử dụng kết hợp vàng trắng 18 karat. Phiên bản đính kim cương của túi Birkin Himalaya nổi tiếng bởi độ hiếm cao cùng với giá trị vô cùng đắt đỏ.

Một lý do khác khiến những chiếc túi này có giá cao là số lượng bán ra hạn chế. Mỗi năm, Hermes chỉ sản xuất 1-2 chiếc. Nhà bán lẻ túi xách Hermes khẳng định không thể tìm được hai chiếc túi giống nhau bởi mỗi nghệ nhân một năm chỉ làm một mẫu túi.

Ngay cả ngôi sao hay người nổi tiếng tầm cỡ quốc tế cũng phải xếp hàng chờ đợi hàng năm để sở hữu một chiếc Birkin da cá sấu bạch tạng quý giá này.

Theo Duy Phạm

Tiền phong

Trở lên trên