MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ tầng phát triển, Bàu Bàng thu hút đầu tư gần 6 tỷ USD

Hạ tầng đồng bộ và các KCN phát triển đã giúp huyện Bàu Bàng thay đổi cơ cấu kinh tế với công nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương

Hạ tầng đồng bộ và các KCN phát triển đã giúp huyện Bàu Bàng thay đổi cơ cấu kinh tế với công nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương

Hạ tầng kết nối khá đồng bộ của huyện Bàu Bàng mà sẽ còn được nâng cấp khi tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành triển khai. Đây là lợi thế thúc đẩy nơi này thành “thủ phủ” công nghiệp mới.

Thu hút đầu tư gần 6 tỷ USD, diện tích khu công nghiệp tăng gấp 6,2 lần

Huyện Bàu Bàng những năm gần đây nổi lên như một “thủ phủ” công nghiệp mới của tỉnh Bình Dương. Tính đến năm 2020, diện tích khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện là trên 1.092ha. Theo quy hoạch đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ có 10 khu công nghiệp với tổng diện tích đất là 6.796,80ha, tăng gấp 6,2 lần so với hiện nay.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào huyện Bàu Bàng. Tuy nhiên, bằng những giải pháp, sáng kiến linh hoạt, hiệu quả, địa phương này vẫn thu hút được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư đến từ các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực cho tỉnh duy trì, giữ vững đà tăng trưởng. Trong năm 2021, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 97 dự án đăng ký mới và 7 dự án tăng thêm vốn với tổng số vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng và 809,7 triệu đô la Mỹ.

Sự phát triển của các khu công nghiệp (KCN) đã giúp huyện Bàu Bàng thay đổi cơ cấu kinh tế với công nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ. Theo UBND huyện Bàu Bàng, tính đến nay, huyện thu hút 1.244 dự án, trong đó, đầu tư trong nước 1.035 dự án với tổng số vốn đăng ký 32.116 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài 209 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 4,3 tỷ đô la Mỹ.

Nguồn vốn FDI chủ yếu đầu tư vào KCN Bàu Bàng, trong đó có nhiều dự án lớn như: Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đầu tư hơn 179 triệu đô la Mỹ sản xuất các loại sợi và vải; Công ty TNHH Nội thất Lacouer Craft Việt Nam đầu tư hơn 98 triệu đô la Mỹ sản xuất đồ nội thất, trang trí nội thất, ghế sofa; Tập đoàn Kolon đầu tư 140 triệu đô la Mỹ để sản xuất sợi lốp polyester… Đặc biệt, trong năm 2021, giữa muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) vào KCN Bàu Bàng với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 610 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1 tỷ 370 triệu đô la Mỹ.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết KCN Bàu Bàng nói riêng và các KCN khác đang giúp địa phương phát triển nhanh từ thuần nông sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 21,31%.

Tăng gấp đôi diện tích đất dành cho phát triển hạ tầng

Để hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua, dự báo nhu cầu sử dụng đất phát triển hạ tầng trên địa bàn huyện Bàu Bàng tăng khá nhanh. Diện tích đất phát triển hạ tầng đến năm 2030 trên địa bàn huyện là 3.684,62ha, tăng gần gấp 2 lần so với hiện trạng năm 2020.

Hiện nay, vùng đất này như một đại công trường với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống tiện ích xã hội… Dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng đang đổ mạnh vào Bàu Bàng kéo theo dân cư sôi động, kinh doanh mua bán sầm uất. Chỉ trong vài năm qua, Bàu Bàng đã chuyển mình thay đổi diện mạo, trở thành một trung tâm kinh tế - công nghiệp theo hình mẫu các thành phố Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một trước đây.

Hàng chục ngàn tỉ đồng được Bình Dương đổ vào phát triển hệ thống giao thông đang mang đến cho Bàu Bàng cơ hội phát triển to lớn. Bên cạnh quốc lộ 13 đã mở rộng lên 6 làn xe, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng dài 62km, vốn đầu tư 4.300 tỉ đồng, kết nối từ trung tâm hành chính Bàu Bàng đến ngã 3 Tân Vạn (quốc lộ 1) sẽ giúp kết nối và rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp tại Bàu Bàng đến TP.HCM, cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), cảng Cát Lái (TP.HCM) và cụm cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa Vũng Tàu).

Bên cạnh đó, Bàu Bàng còn một loạt dự án lớn đang chuẩn bị đầu tư như cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Bàu Bàng – Chơn Thành (vốn đầu tư giai đoạn 1 24.274 tỷ đồng), đường tạo lực Bàu Bàng – Phú Giáo – Bắc Tân Uyên, đường Mỹ Phước – Bàu Bàng, ĐT 750, ĐT 749C, ĐT 741B, Vành đai 4, Vành đai 5… Tất cả biến Bàu Bàng thành một đại công trường nhộn nhịp, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, kinh doanh mua bán cho cư dân.

Trong năm 2022, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Tăng cường xúc tiến đầu tư vào các KCN hiện có. Huyện cũng đặt mục tiêu sẽ đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 20 - 22%, trong năm nay. Với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, các chuyên gia đánh giá Bàu Bàng sẽ sớm trở thành cực phát triển mới, đối trọng với các khu vực đã phát triển ổn định như  Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một.

Theo PV

Nhà đầu tư

Trở lên trên