Hạ viện Mỹ mở toang cánh cửa điều tra luận tội ông Trump
Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát hôm 31-10 tiến hành cuộc bỏ phiếu lịch sử về nghị quyết chính thức hóa các bước đi tiếp theo trong cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Donald Trump.
Với 232 phiếu thuận và 196 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết trên, qua đó mở đường cho các cuộc điều trần công khai liên quan đến cuộc điều tra luận tội.
Không gì lạ khi toàn bộ nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống. Ngoài ra, có 2 nghị sĩ đảng Dân chủ đứng về phe Cộng hòa trong vấn đề này.
Với kết quả trên, Ủy ban Tình báo Hạ viện sẽ tiến hành các cuộc điều trần công khai, được đảng Dân chủ kỳ vọng sẽ giúp cử tri thấy rõ ông Trump đã lạm quyền ra sao khi gây sức ép lên chính phủ Ukraine để giúp ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào năm 2020. Ông Trump đã bác bỏ cáo buộc này.
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 31-10. Ảnh: Reuters
Nghị quyết trên không đưa ra thời gian biểu cho các cuộc điều trần công khai hoặc thông tin về những nhân chứng nào sẽ được gọi ra điều trần.
Tuy nhiên, một số thành viên các Ủy ban Tình báo, Ủy ban Giám sát và Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện - hiện phụ trách cuộc điều tra - cho biết tiến trình điều trần công khai có thể bắt đầu trong vòng 3 tuần nữa.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu trên, các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang có quan điểm trái ngược nhau về ông Trump. Một bên cho rằng những hành động của ông chủ Nhà Trắng đáng bị điều tra. Bên còn lại khẳng định nhà lãnh đạo Mỹ không làm gì sai.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lâu nay bác bỏ đòi hỏi của đảng Cộng hòa về việc tiến hành cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về việc chính thức cho phép mở cuộc điều tra luận tội ông Trump, lấy lý do điều này không cần thiết.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại cuộc bỏ phiếu. Ảnh: Reuters
Ở chiều ngược lại, Nhà Trắng từ chối hợp tác với cuộc điều tra, lấy lý do các cuộc điều trần diễn ra trong phòng kín và đội ngũ của ông Trump không thể gọi được nhân chứng của riêng mình ra điều trần.
Đảng Dân chủ cho rằng đã có đủ bằng chứng để luận tội ông Trump, trong đó có cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 25-7. Nội dung cuộc điện đàm này cho thấy ông Trump đã nêu khả năng Kiev điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai ông ta, Hunter Biden.
Trong một loạt cuộc điều trần kín thời gian qua, các nhân chứng đã củng cố thêm thông tin Mỹ hoãn viện trợ quân sự vào thời điểm các quan chức chính quyền ông Trump tìm kiếm cam kết của Ukraine đối với một cuộc điều tra như thế.
Theo Bloomberg
Người Lao động