Habeco bị đề nghị truy thu thuế hơn 920 tỷ đồng, Bộ Công Thương kiến nghị lên Thủ tướng
Trước đề nghị của Kiểm toán Nhà nước về việc truy thu thuế của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) lên tới trên 920 tỷ đồng, Bộ Công Thương đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng.
- 05-09-2016Chuẩn bị lên sàn, Habeco đang nắm trong tay nhiều đất vàng hàng nghìn tỷ
- 03-09-2016Bán vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco: Tính riêng giá trị quyền sử dụng đất để làm gì?
- 02-09-2016Bán vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco, Habeco: Không chỉ là cú hích mà còn gia tăng đáng kể quy mô TTCK Việt Nam
- 31-08-2016Tung tin bán Habeco cho Trung Quốc, bị phạt 12,5 triệu đồng
Trong văn bản gửi Thủ tướng về kiến nghị giải quyết vướng mắc về thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết Công văn từ Habeco gửi đến cuối tháng 6 thông tin về việc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đề nghị truy thu thêm 920,2 tỷ đồng tiền thuế TTĐB, trong đó tại Habeco là 838,2 tỷ đồng và tại các đơn vị liên kết là 82 tỷ đồng.
Theo Bộ Công Thương, việc truy thu thuế này đang dựa trên cách giải thích khác và khác với hướng dẫn của Tổng cục Thuế liên quan đến giá tính thuế và quan hệ với cơ sở thương mại.
Cụ thể, trước thời điểm 1/1/2016, thuế TTĐB được thực hiện theo quy định của Luật thuế TTĐB và các văn bản quy định chi tiết bao gồm Nghị định 26 năm 2009 và Nghị định 113 năm 2011 (sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 26) và Thông tư 05 năm 2012.
Theo đó, trường hợp cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán chưa có thuế GTGT nhưng không thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Tuy nhiên, cơ quan kiểm toán lại cho rằng, cơ sở thương mại phải được hiểu là các cơ sở không có quan hệ về sở hữu với cơ sở sản xuất (tức là không có quan hệ công ty mẹ - công ty con hay công ty cổ phần với công ty mẹ).
Theo Bộ Công Thương, trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định cụ thể về "cơ sở kinh doanh thương mại", không có quy định loại trừ cơ sở kinh doanh thương mại không bao gồm các công ty có quan hệ về sở hữu (công ty 100% vốn, liên kết).
Ngoài ra, dẫn quy định tại Nghị định số 100 của Chính phủ ban hành ngày 1/7/2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, Bộ Công Thương cho biết, khoản 1, Điều 4 của nghị định này đã công nhận cơ sở kinh doanh thương mại bao gồm cả các cơ sở có quan hệ sở hữu.
Đồng thời, theo khoản 5, Điều 5 của Thông tư số 05 năm 2012 của Bộ Tài chính thì Bộ Công Thương cho rằng do các công ty thương mại không phải là chủ sở hữu của nhãn hiệu bia Hà Nội nên giá tính thuế không thể là giá bán ra của các công ty thương mại. Chủ sở hữu và có quyền sử dụng duy nhất của nhãn hiệu bia Hà Nội là Habeco, do đó, giá tính thuế phải là giá bán ra của Habeco.
Khẳng định Habeco đã thực hiện đúng quy định của luật và đề nghị của KTNN sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cổ đông và gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp do không xác định được nguồn để nộp thuế.
Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ Tài chính để xem xét ý kiến về vấn đề này, đảm bảo luật thống nhất, công bằng. Đồng thời, trong thời gian chờ chỉ đạo thì Habeco chưa phải nộp thuế theo đề nghị của KTNN.