Hai anh em cựu sếp Lazada startup lỗ "sương sương" 700 triệu đồng/tháng, đi vay 96 tỷ khiến Shark Bình cảm thán: Phí cao, thu tiền lẻ, liệu có giàu?
Dẫu vậy, hai nhà sáng lập vẫn gọi vốn thành công từ Shark Tuệ Lâm và Shark Erik.
- 21-11-2023Startup bao cao su được 2 "cá mập" tranh giành: Tự tin thấu hiểu người Việt, doanh thu tăng 8 lần và đã hòa vốn ngay năm thứ 2
- 20-11-2023Starbucks chính thức mất ngôi vương ở 1 quốc gia châu Á vào tay chuỗi cà phê startup, số cửa hàng ít hơn cả nửa
- 15-11-2023Định giá “startup” tại Việt Nam đang tốt so với các nước trong khu vực, song vẫn có 3 “điểm đau” cần khắc phục
Xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 6, hai anh em ruột Bùi Hải Nam và Bùi Hải Long giới thiệu về ứng dụng quản lý bán hàng thông minh, tiết kiệm cho các chủ kinh doanh nhỏ. Theo giới thiệu, hai anh em đều có nhiều kinh nghiệm làm việc cho ngân hàng hoặc doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Cụ thể, Bùi Hải Nam từng làm việc tại ngân hàng, còn Bùi Hải Long làm việc tại Microsoft. Sau đó, hai anh em cùng đầu quân cho Lazada Việt Nam, trong đó Bùi Hải Long giữ chức vụ Phó Chủ tịch Công nghệ.
Startup mỗi tháng lỗ 700 triệu, đi vay 96 tỷ đồng
Ứng dụng Sổ bán hàng được ra đời từ 2 năm trước, mỗi người góp 50% vốn cổ phần. Trong đó, Hải Nam giữ vai trò CEO, Hải Long đảm nhiệm ghế CTO kiêm CPO.
Đến thời điểm ghi hình, Sổ bán hàng đã có hơn 500.000 chủ kinh doanh hiện tại đang sử dụng, bao gồm người bán hàng online, chủ cửa hàng F&B, độ tuổi chủ yếu từ 20-45 tuổi. Sổ bán hàng giúp quản lý tất cả các hoạt động kinh doanh, thu chi một cách hiệu quả mà không cần đầu tư thiết bị ban đầu, ngay cả khi mở rộng kinh doanh sang địa điểm khác.
Hai nhà sáng lập mong muốn tìm nhà đầu tư chiến lược, kêu gọi 1 tỷ đồng tối thiểu dạng chuyển đổi, sẵn sàng chiết khấu 20% theo mức định giá khi có định giá.
Shark Minh Beta đặt câu hỏi về lượng người dùng hằng ngày. Theo Bùi Hải Nam, con số này là 10.000 người. Shark Minh cho rằng lượng người sử dụng thường xuyên khá khiêm tốn. Tuy nhiên, Hải Long cho biết có nhiều loại giao dịch, nhưng loại giao dịch quan trọng nhất là tạo ra hoá đơn, thì có 10.000 người.
Sau khoảng thời gian miễn phí cho người dùng, Sổ bán hàng đã bắt đầu cung cấp phiên bản trả phí từ tháng 2/2023, với mức thuê bao khoảng 100.000-300.000 đồng hàng tháng. Doanh thu hằng tháng hơn 1 tỷ đồng. Trong 3 tháng gần đây doanh thu tăng trưởng 10-15%/tháng, có tháng lên tới 20%.
Cũng theo hai nhà sáng lập, startup bắt đầu xây dựng đội ngũ sale để bán hàng. Tuy nhiên, Shark Bình cho rằng cần cảnh giác bởi vì khi bắt đầu có đội ngũ bán hàng thì lỗ bắt đầu tăng lên, vì chi phí sale của mô hình SaaS cực kỳ cao. Còn theo co-founder Hải Nam, khi nhà bán hàng bắt đầu sử dụng ứng dụng, nhận thấy khách hàng nào có tiềm năng thì lúc đó đội ngũ mới bắt đầu gọi để chuyển đổi sang gói trả phí.
Shark Bình tiếp tục đào sâu về kết quả kinh doanh. CEO Hải Nam cũng thẳng thắn chia sẻ, hiện tại công ty vẫn trong giai đoạn đầu tư và đang lỗ 700 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, anh không tiết lộ tổng số nợ. Khi các Shark đầu tư vào thì cùng term (điều kiện), tại thời điểm chuyển đổi sẽ có discount.
Tuy nhiên, ông chủ NextTech cho rằng dù discount nhưng khi đưa các khoản vay chuyển đổi thì vẫn cần một con số "valuation cap" (giới hạn đinh giá). Hải Nam vẫn khẳng định "valuation cap" không quá quan trọng.
Dẫu vậy, Shark Tuệ Lâm cũng đồng tình với ý kiến Shark Bình. Trong khi đó, Shark Hùng Anh cho rằng startup nên minh bạch về khoản vay: "Có thể những khoản đầu tư mới còn không đủ để các bạn trả nợ thì sao? Cho nên trước sau phải bạn làm rõ của bạn là bao nhiêu, để chúng tôi biết mình đầu tư bao nhiêu".
Đến đây, Hải Nam mới tiết lộ tổng khoản vay 4 triệu USD (khoảng 96 tỷ đồng), đã tiêu hết 3/4.
Shark Erik thắc mắc về khả năng kết hợp trong hệ sinh thái. Theo CEO Hải Nam, ứng dụng có thể kết hợp với các mô hình của nhà đầu tư để giúp được cho chủ kinh doanh có thể mua được dịch vụ ở giá sỉ, ngược lại có thể giúp các Shark bán sản phẩm dịch vụ với chi phí rẻ hơn.
Shark Minh Beta lại thắc mắc: "Sản phẩm nổi bật như vậy mà tìm kiếm Phần mềm quản lý bán hàng trên Google không thấy tên trong top 10 kết quả trả về".
Hải Nam trả lời: "Chắc chắn có, trên Google Play và Apple Store thì Sổ bán hàng được đánh giá cao nhất với 4,8/5, gần 40.000 lượt đánh giá".
Shark Minh Beta: "Không có trong top 10 Google Search. Đó có thể là điểm yếu hoặc thiếu sót vì khi khách hàng cần thì họ tìm kiếm Google đầu tiên".
Shark Tuệ Lâm và Shark Erik "song kiếm hợp bích"
Sau hàng loạt câu hỏi, Shark Bình cảm thán: "Mô hình trả phí chi phí thì cao, tiền thu thì lẻ, liệu làm thế này nếu nhà đầu tư bỏ vốn vào, về lâu dài thì có giàu được không?".
Hải Nam cười tự tin khẳng định mô hình của Sổ bán hàng đã thành công ở Ấn Độ, startup tại đất nước này đã trở thành kỳ lân với định giá trên 5 tỷ USD sau 3 năm.
Shark Bình lập tức phản bác: "Từ từ. Đấy mới là bẫy. Đó là thước đo thành công trước mùa đông gọi vốn. Còn thước đo thành công bây giờ là doanh thu, lợi nhuận thì mới chính xác hơn".
Cuối cùng, Shark Bình vẫn lắc đầu với thương vụ này. Tương tự, Shark Minh Beta và Shark Hùng Anh cũng không đầu tư.
Trong khi đó, Shark Tuệ Lam nói ít nhất nhưng ngay lập tức đưa ra đề nghị: Đầu tư 100.000 USD, discount 20% hoặc theo định giá gấp 15 lần doanh thu tính từ thời điểm rót vốn. Thời điểm chuyển đổi là 12 tháng sau khi rót vốn. Đến thời điểm đó nếu founders cảm thấy chưa phù hợp thì có thể trả lại tiền.
Shark Erik đề xuất đầu tư cùng Shark Lâm, mỗi "cá mập" bỏ ra 100.000 USD, với cùng điều kiện.
Nhanh chóng chóp lấy thời cơ, hai nhà sáng lập Sổ bán hàng chốt deal thành công với Shark Erik và Shark Tuệ Lâm.
An ninh tiền tệ