Hai điểm cầu khánh thành gần 300km cao tốc Bắc Nam dịp nghỉ lễ ngày 30/4 - 1/5
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chọn 2 điểm cầu tại tỉnh Bình Thuận và Thanh Hóa để khánh thành, đưa vào khai thác 3 tuyến cao tốc thành phần giai đoạn I (2017 - 2020) gồm đoạn: Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Mai Sơn - Quốc lộ (QL)45.
- 23-04-2023Ngành gỗ thúc đẩy xúc tiến thương mại để tháo gỡ khó khăn
- 23-04-2023Cải thiện chất lượng phục vụ, để tạo niềm tin nơi dân!
- 23-04-2023Tỉnh duy nhất xuất siêu hơn 3 tỷ USD 3 tháng đầu năm
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng kế hoạch khánh thành 3 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Ba dự án gồm: Cao tốc Mai Sơn - QL45 nối 2 tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nối 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Thuận; cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo qua tỉnh Bình Thuận. Ba dự án này được khởi công từ tháng 9/2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Các đơn vị thi công đang tập trung hoàn thành các công việc còn lại để đủ điều kiện đưa các dự án vào khai thác ngày 30/4.
Sau khi thống nhất với các địa phương, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phương án khánh thành theo hình thức trực tuyến, với điểm cầu tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (điểm tiếp giáp 2 cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo và điểm cầu tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa thuộc dự án Mai Sơn - QL45.
Ba tuyến cao tốc này nói có tổng chiều dài 300 km, là 3 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn I (2017-2020), được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư gần 36.000 tỷ đồng.
Cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - QL45 dài hơn 63,37 km hiện cơ bản đã đáp ứng kế hoạch thông xe kỹ thuật từ đầu tuyến đến nút giao Đông Xuân. Công tác thi công móng, nền, đường gom và hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông đang được chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Thăng Long) và các nhà thầu triển khai gấp rút các công việc, hạng mục còn lại để đảm bảo mục tiêu khai thác đúng hẹn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, đã thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2022.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km nối tiếp với cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, giai đoạn 1 dự án xây dựng 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Hiện nay, các nhà thầu đang huy động 100% nhân lực, máy móc, chia 3 ca 4 kíp ngày đêm thi công cuốn chiếu các hạng mục để kịp cán đích. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, có điểm đầu tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và điểm cuối giao với đường đi Mỹ Thạnh thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, kết nối với đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ khai thác tạm thời vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, rút ngắn thời gian đi lại từ TP Hồ Chí Minh đến Phan Thiết còn khoảng 2 giờ và đến Lagi còn 1,5 giờ... Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km nối cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thiết kế vận tốc 120 km/giờ, quy mô 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp. Cao tốc có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Đây là dự án duy nhất trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư đồng bộ, chuẩn cao tốc. Dự án qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 47 km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 51 km.
Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Khu quản lý đường bộ có liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long Long điều tiết, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các khu vực khánh thành; đồng thời, đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai các phương án bảo đảm an toàn, an ninh, phân luồng tổ chức giao thông, y tế, phòng cháy chữa cháy tại khu vực tổ chức sự kiện.
Báo tin tức