Hai doanh nghiệp chậm nộp tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm lên tiếng
Bà Võ Thanh Thủy - Trưởng phòng quản lý đất, Cục thuế TP.HCM.
Qua đại diện cơ quan thuế, hai doanh nghiệp cho biết đã gặp những phát sinh nằm ngoài dự đoán như phản ứng trái chiều của thị trường, hay việc bỏ cọc của hai công ty trúng đấu giá gây nhiều khó khăn cho việc đàm phán với các nhà đầu tư.
- 20-05-2022Thị trường đói nguồn cung, nhà đầu tư chân chính bị ảnh hưởng?
- 20-05-2022Nhà chục tỷ cho thuê chỉ vài triệu đồng: "Chờ bất động sản tăng giá là chính, cho thuê chỉ là phụ"
- 20-05-2022Có mức vốn mỏng, đầu tư bất động sản cách nào để có lãi?
Thông tin liên quan đến việc hai doanh nghiệp chậm nộp tiền trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, bà Võ Thanh Thủy - Trưởng phòng quản lý đất, Cục thuế TP.HCM cho biết, tại văn bản số 03 và 04 của CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega gửi Cục Thuế TP, hai doanh nghiệp này cho biết đã gặp những phát sinh nằm ngoài dự đoán như phản ứng trái chiều của thị trường, hay việc bỏ cọc của hai công ty trúng đấu giá gây nhiều khó khăn cho việc đàm phán của công ty với các nhà đầu tư.
Ngoài ra hai công ty cũng cho rằng cùng với diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế chính trị đang diễn biến khá phức tạp ở Đông Âu, đã có nhiều nhà đầu tư quay lưng với dự án. Tất cả những điều này đã gây không ít khó khăn cho dòng vốn của dự án trong giai đoạn hiện tại.
Bà Võ Thanh Thủy cũng cho biết, Công ty Dream Republic và Công ty Sheen Mega từng đề xuất phương án trả góp tiền sử dụng đất thành 6 đợt, từ tháng 4 đến tháng 9/2022 nhưng không được sở, ban, ngành đồng ý. Vì vậy hai doanh nghiệp này xin nộp 100 tỷ đồng để thể hiện thiện chí trước 30/4 và cam kết sẽ hoàn thành thanh toán 100% khoản tiền đấu giá trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày thông báo nộp tiền sử dụng đất (trễ nhất vào ngày 6/7/2022) theo đúng quy định tại hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã ký với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đồng thời, đề xuất Cục Thuế TP hỗ trợ tham vấn với UBND TP xem xét không áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành thuế đối với Công ty trong khoản thời gian 180 ngày nêu trên.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, hai doanh nghiệp này vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo đúng cam kết và cũng không có văn bản chính thức gửi Cục Thuế giải trình lý do vì sao chưa nộp tiền.
Cục Thuế TP đang tiến hành cưỡng chế nợ thuế theo quy định tại Luật quản lý thuế đối với nợ quá hạn nhưng chưa thanh toán theo đúng quy định.
Liên quan tới vụ việc, tháng 12/2021, CTCP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446 m2) và phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. CTCP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1 m2), đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.
Đầu tháng 1/2022, cơ quan thuế ban hành thông báo đến hai doanh nghiệp. Theo quy định, trong vòng 30 ngày là thời hạn đóng tiền đợt 1 với 50% tiền sử dụng đất và trong vòng 90 ngày là thời hạn đóng tiền đợt 2 (50% còn lại). Sau 90 ngày, hết thời hạn nộp thuế mà 2 công ty vẫn chưa thực hiện đóng tiền vào ngân sách nhà nước, cơ quan thuế thực hiện quyết định cưỡng chế tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, ngày 17/5 vừa qua, Cục thuế TP.HCM cho biết, cả 2 tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp đều không có tiền.
Theo hợp đồng đã ký với UBND TP.HCM, thời gian nộp tiền trúng đấu giá là 180 ngày. Qua 180 ngày (tức ngày 6/7/2022), hai doanh nghiệp chưa nộp số tiền trên thì cơ quan thuế sẽ báo cáo lên cơ quan chức năng và công ty sẽ mất cọc. Nhưng theo quy định về thuế, số tiền gần 8.000 tỷ đồng của 2 lô đất trên vẫn bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày, hiện nay đã lên khoảng 70 tỷ đồng.
Được biết, sau khi áp dụng cưỡng chế tài khoản, cơ quan thuế sẽ triển khai các biện pháp cưỡng chế khác như khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ. Biện pháp cưỡng chế cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
BizLive