MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hài hòa lợi ích giữa nông dân và nhà máy đường

07-10-2016 - 08:41 AM | Thị trường

Giá đường thế giới và trong nước có xu hướng tăng, nhưng vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại có công văn đề nghị các nhà máy đường thành viên không tự nâng giá mía.

Vậy, việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà máy đường và nông dân sẽ được thực hiện như thế nào trong bối cảnh này, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết, lý do tại sao mới đây Hiệp hội lại có công văn đề nghị các thành viên không tự nâng giá thu mua mía cho nông dân trong khi giá đường có xu hướng tăng?

Hiện nay, một số nhà máy đường tại đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vào niên vụ 2016 - 2017. Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có công văn yêu cầu các thành viên triển khai Nghị quyết số 61/2016/NQ-HH ngày 6/9/2016 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Theo đó, các nhà máy triển khai ký hợp đồng mua hết mía cho nông dân, chốt giá mía cho nông dân, mua theo trữ đường và không được tranh mua, tranh bán…

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị các nhà máy đường không tự nâng giá mía khi chưa có sự thống nhất giữa các thành viên trong Chi hội vùng gây ra tình trạng tranh mua, tranh bán, phá vỡ giá mua mía đã thống nhất trong vùng. Nhà máy đường nếu có chủ trương hỗ trợ thêm cho người trồng mía thì áp dụng các chính sách ngoài giá như hỗ trợ vận chuyển, phân bón, vật tư… Giá mía đang chiếm 70 - 80% giá thành, việc nâng giá mía, tranh mua tranh bán sẽ ảnh hưởng đến thị trường.

Quan điểm của Hiệp hội là giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà máy và nông dân, nhưng đối với giá mía, Hiệp hội không ủng hộ hoàn toàn chỉ là tăng giá mía. Hiệp hội muốn các nhà máy dùng các biện pháp để nâng năng suất mía và nâng trữ đường mía, từ đó tăng doanh thu trên một đơn vị diện tích. Cách làm của Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công, Công ty cổ phần mía đường Quảng Ngãi, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn… đang tập trung đầu tư từ khâu giống cho đến chăm sóc, thu hoạch đã nâng được năng suất lên 70-80 tấn/ha. Như vậy thử so sánh giá trị thu được từ năng suất tăng lên hay chỉ nâng giá lên được 100 đồng/tấn nhưng năng suất lại chỉ 65 tấn/ha.

Nhưng nếu giá đường thế giới tiếp tục tăng lên, hợp đồng giá mua mía cho nông dân đã ký từ đầu vụ sẽ không tương thích với giá đường. Các nhà máy sẽ không thể giữ mức giá thống nhất như cũ, thưa ông?

Hiện mía mới bắt đầu vào vụ. Đến khi vào vụ đại trà, khoảng từ tháng10-11, Hiệp hội sẽ họp lại với các nhà máy để có điều chỉnh giá mía cho hợp lý, không để thiệt hại quyền lợi của người nông dân. Xét đến cùng, nông dân mới là người quyết định cuối cùng đến giá mía đường chứ không phải nhà máy. Nếu nông dân không có lợi ích, nông dân bỏ mía thì nhà máy sẽ không có vùng nguyên liệu, không có doanh thu và không có lợi nhuận. Các nhà máy cũng xác định được điều này và cũng không để người nông dân bị thiệt. Vấn đề ở đây là cần hài hòa lợi ích giữa người nông dân, doanh nghiệp mía đường và người tiêu dùng thì mía đường mới có thể phát triển bền vững.

Năm ngoái, thị trường đường trong nước đã có không ít biến động. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ có kế hoạch sản xuất như thế nào trong bối cảnh đường thế giới tiếp tục có xu hướng biến động?

Năm ngoái, một số doanh nghiệp thấy giá đường lên đã "găm hàng đợi giá tăng cao, gây ra tình trạng biến động giá đường trong nước, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, trong công văn gửi các thành viên, Hiệp hội cũng yêu cầu các nhà máy đường có kế hoạch bán hàng linh hoạt, phù hợp về số lượng và giá bán; không tạo tâm lý khan hiếm hàng, đột biến về giá, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá.

Cũng rút kinh nghiệm năm ngoái, khi giá đường vừa tăng lên một chút, nhiều nhà máy đường đã quay ra "găm hàng", buộc Nhà nước phải cho nhập khẩu đường. Bộ Công Thương đã tổ chức đấu giá hạn ngạch đường nhập khẩu là thành công rất lớn. Đây cũng chính là nguyện vọng và sự đồng tình ủng hộ rất lớn của các thành viên trong Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp trong nước chủ động kế hoạch nhập khẩu và kế hoạch sản xuất, Hiệp hội sẽ có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tổ chức đấu giá hạn ngạch trong quý I/2017. Bên cạnh đó, kiến nghị không nhập khẩu đường tinh luyện và nhập khẩu hoàn toàn đường thô.

Bởi cả nước có khoảng 10 nhà máy sản xuất đường tinh luyện và đường thô. Các nhà máy chỉ sản xuất khoảng 150 ngày/năm. Việc nhập khẩu đường thô sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động, thu nhập của nhà máy. Ngoài ra, việc chuyển từ nhập khẩu đường trắng sang đường thô sẽ tiết kiệm khoảng 100 - 120 USD/tấn do chênh lệnh về giá, trong khi chênh lệch đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu giữa đường thô và đường trắng chênh lệch nhau không nhiều. Mặt khác, Nhà nước còn thu được thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các nhà máy đường nhập khẩu đường thô về tinh luyện.

Mía đường được xem là một trong những loại nông sản sẽ phải chịu nhiều thách thức nhất khi Việt Nam hội nhập. Vậy, ngành mía đường sẽ phải có những bước đi như thế nào?

Giờ không chỉ tính hội nhập mà cả biến đổi khí hậu, cụ thể là xâm nhập mặn. Nếu giải quyết tốt khâu giống sẽ tăng năng suất được từ 8-10 tấn/ha. Hiện phần lớn giống mía là dân tự sản xuất chứ không phải do nhà máy cung cấp. Do vậy đầu tiên phải tổ chức lại khâu sản xuất giống, các nhà máy phải có trung tâm sản xuất giống, như trong sản xuất lúa là phải có giống xác nhận.

Các trung tâm sẽ phải đa dạng các loại giống thích ứng với hạn, với mặn… và tiến tới phải nuôi cấy mô. Điển hình, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn đã có trung tâm công nghệ sinh học công nghệ cao. Giống được sản xuất bằng nuôi cấy mô tại công ty đều đảm bảo năng suất từ 100-120 tấn/ha. Như vậy, những đơn vị làm tốt từ khâu giống đã góp phần làm giảm giá thành. Song song với đó, các kỹ thuật canh tác, tưới tiết kiệm, cơ giới hóa hay đơn giản như trong khâu bón phân, nhiều nhà máy đã kết hợp với nhà máy phân bón để phân tích đất trồng và sản xuất phân theo nhu cầu từng loại đất. Như vậy, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Bên cạnh đó, bản thân các nhà máy cũng phải tái cơ cấu. Bao gồm cơ cấu sản xuất các sản phẩm: đường thô, đường trắng, đường tinh luyện hợp lý; hay phát triển các sản phẩm khác như cồn, ethanol, điện… Hiện có 19/40 nhà máy, có giá thành sản xuất dưới 12.000 đồng/kg. Nếu giá thành về khoảng 10.500 đồng/kg thì chúng ta hoàn toàn yên tâm để cạnh tranh trên thị trường thế giới, cạnh tranh trong hội nhập.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bích Hồng

Báo tin tức

Trở lên trên