MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãi hùng loài báo 1,3 triệu tuổi siêu khổng lồ ở Trung Quốc

06-06-2024 - 12:01 PM | Tài chính quốc tế

Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc đã xác định loài báo săn lớn nhất từng hiện diện trên địa cầu, trọng lượng gấp 3-4 lần những con báo ngày nay.

Theo Live Science, sinh vật khổng lồ được đặt tên Acinonyx pleistocaenicus là một loài báo săn (Cheetah), lang thang trên miền đất nay là Trung Quốc từ 1,3 triệu - 500.000 năm về trước.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Qigao Jiangzuo từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã mô tả loài này dựa trên mẫu vật một phần sọ - hàm của một số cá thể khai quật được ở nhiều nơi trên khắp đất nước.

Hãi hùng loài báo 1,3 triệu tuổi siêu khổng lồ ở Trung Quốc- Ảnh 1.

Loài báo săn Trung Quốc cổ đại có kích thước tương đương một con cọp - Ảnh AI: Anh Thư

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Quaternary Science Reviews, mẫu vật đầu tiên là một phần xương hàm dưới được tìm thấy tại tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc từ năm 1925.

Ngoài ra, hai mẫu vật xương hàm khác cùng loài cũng được phục hồi từ hang Jinyuan ở tỉnh Liêu Ninh, phía Đông Bắc Trung Quốc vào năm 2021.

Cuộc phân tích cũng giúp xác định lại sự thật về một hộp sọ được khai quật tận những năm 1930 từ hang Chu Khẩu Điếm ở ngoại ô Bắc Kinh, trước đây bị xác định lầm là hộp sọ linh cẩu thời tiền sử.

Cả 3 mẫu vật đều có niên đại khoảng 780.000 năm, nhưng các bước nghiên cứu khác cho thấy lịch sử của loài này xa xưa hơn thế rất nhiều và đưa ra ước tính niên đại 1,3 triệu - 500.000 năm.

Điều ấn tượng nhất ở các con báo săn đã tuyệt chủng này là chúng có trọng lượng lên đến 130-190 kg, tức hơn các con báo hiện đại từ 3 đến gần 4 lần. Báo săn ngày nay chỉ nặng 34 đến 64 kg.

Trọng lượng của loài báo cổ đại này có thể so sánh với một con cọp cỡ lớn.

Vẻ ngoài của chúng rất giống báo săn ở châu Phi hiện đại, chỉ đơn giản là một phiên bản được phóng to.

Sự tuyệt chủng của con báo siêu khổng lồ này được cho là do sự kiện Chuyển đổi giữa thế Pleistocen (2,6 triệu đến 11.700 năm trước).

Vào thời điểm này, Trái Đất chuyển từ thời kỳ băng hà có chu kỳ 41.000 năm một lần sang mô hình băng hà kéo dài, mạnh hơn cứ sau 100.000 năm, dẫn đến thời kỳ lạnh giá dài hơn và dữ dội hơn, bị gián đoạn bởi thời gian ấm áp dài hơn.

Tại một trong những địa điểm khai quật được hóa thạch báo khổng lồ, họ cũng tìm thấy hóa thạch một loài báo săn cổ đại khác Acinonyx intermedius, có kích thước cơ thể nhỏ hơn.

Điều này cho thấy rất có thể những con báo vĩ đại nhất thế giới đã được thay thế bởi họ hàng nhỏ gọn hơn trong giai đoạn môi trường khắc nghiệt này.

Theo Anh Thư

Người lao động

Trở lên trên